Chúng tôi về thăm làng nghề mộc mỹ nghệ thôn Mão Chinh, thôn Bùi Bồng, xã Dương Quang (thị xã Mỹ Hào), không khí lao động sản xuất, mua bán các mặt hàng đồ gỗ của người dân nơi đây diễn ra thật nhộn nhịp. Tiếng máy cưa xẻ, tiếng đục đẽo, bào, phay… vang lên liên hồi khắp làng nghề. Trên các trục đường chính, ô tô, xe kéo hối hả chở sản phẩm đồ gỗ ngược xuôi, tấp nập.
Những năm qua, cùng với các nghề: cơ khí, xây dựng, xay xát…, nghề mộc là nghề được xã Dương Quang duy trì và phát triển, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động, góp phần quan trọng thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Nghề mộc ở đây có từ cách đây khoảng 30 năm. Trước đây, các hộ sản xuất quy mô nhỏ lẻ, các sản phẩm làm ra khá đơn điệu, chủ yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương và một số xã lân cận. Trải qua thời gian, đến nay, nghề được phát triển ở cả 7 thôn trong xã, tuy nhiên tập trung nhiều nhất ở hai thôn Mão Chinh và Bùi Bồng. Xác định phát triển làng nghề là mũi nhọn trong định hướng phát triển kinh tế địa phương, thời gian qua, xã thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, đào tạo nghề, hỗ trợ máy móc, trang thiết bị cho hộ làm nghề. Đồng thời, tạo điều kiện về đất đai, thủ tục vay vốn để các hộ đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, toàn xã có khoảng 500 hộ phát triển kinh tế từ nghề mộc, tạo việc làm cho gần 1.000 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân gần 10 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm mộc chủ yếu của làng nghề, gồm: Mộc mỹ nghệ, mộc xây dựng, mộc nội thất, đa dạng các mặt hàng như tượng, tranh, con giống, đồ thờ tự; song, trụ cầu thang, bàn ghế, giường, tủ…
Trước đây, làm mộc ở Dương Quang chủ yếu bằng sức người theo lối thủ công, thì nay 100% các cơ sở đã đầu tư máy móc, thiết bị để chuyên môn hóa các khâu sản xuất từ: Khoan, cưa, đục, tiện, phay, bào đến việc đánh bóng, phun sơn… góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm cũng như giá trị thu nhập. Các cơ sở sản xuất chú trọng giữ gìn vệ sinh môi trường, như xây dựng nhà xưởng kín, có hệ thống xử lý khói, chất thải…
Gia đình ông Bùi Đăng Bắc ở thôn Mão Chinh đã có trên 20 năm làm nghề mộc mỹ nghệ. Nhờ chất lượng sản phẩm tốt, mẫu mã đẹp, cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ do ông Bắc làm chủ không chỉ khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong tỉnh mà mỗi năm còn xuất hàng trăm sản phẩm đi nhiều tỉnh, thành phố trong nước với doanh thu hàng tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 3 lao động. Ông Bắc cho biết: Những năm gần đây, thị trường tiêu thụ sản phẩm mộc mỹ nghệ Dương Quang ngày càng mở rộng, hàng hóa không chỉ tiêu thụ tại thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhu cầu của thị trường về đồ gỗ nội thất, trang trí đòi hỏi chúng tôi kết hợp mẫu truyền thống với xu hướng hiện đại để theo kịp thị hiếu người tiêu dùng.
Gia đình ông Nguyễn Văn Phú, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ dân dụng ở thôn Bùi Bồng cho biết: Tôi đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề mộc. Hiện nay, cơ sở của tôi chủ yếu sản xuất các sản phẩm như: Giường, tủ, sàn, cửa, cầu thang… Khoảng 10 năm trở lại đây, nắm bắt được nhu cầu thị trường, tôi đã đầu tư mua sắm máy móc và mở rộng sản xuất, kinh doanh; các công đoạn sản xuất chủ yếu như xử lý gỗ nguyên liệu, xẻ, cưa, đục, bào, phun sơn… đều sử dụng máy móc hiện đại. Mỗi năm cơ sở sản xuất của gia đình tôi đem lại lợi nhuận trên 500 triệu đồng; tạo việc làm ổn định cho 6 lao động với mức thu nhập trên 10 triệu đồng/người/tháng.
Nghề mộc phát triển đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở xã Dương Quang. 6 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của xã đạt gần 130 tỷ đồng, tăng gần 16 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 50% tổng giá trị sản xuất của toàn xã. Hiện nay, thôn Mão Chinh và thôn Bùi Bồng đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề mộc mỹ nghệ.
Đồng chí Vũ Quang Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Quang cho biết: Việc được công nhận làng nghề mộc mỹ nghệ đối với 2 thôn Mão Chinh và Bùi Bồng có ý nghĩa rất lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, thúc đẩy phát triển, nâng cao giá trị các sản phẩm mộc mỹ nghệ. Trong thời gian tới, để phát triển làng nghề, xã xây dựng kế hoạch đào tạo, truyền nghề, định hướng phát triển nghề theo hướng đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm; chú trọng bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn lao động; khuyến khích các hộ làm nghề đầu tư trang bị máy móc, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề để mở rộng thị trường tiêu thụ…
Hương Giang