Bất chấp những khuyến cáo của cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương, thời gian gần đây, tại một số địa phương trong tỉnh diễn ra tình trạng người dân dùng máy kích điện đánh bắt giun đất để bán cho các cơ sở thu mua, sơ chế. Hành vi này cần phải xử lý vì không chỉ vi phạm quy định pháp luật mà còn tiềm ẩn những hệ lụy đối với môi trường.
Theo tìm hiểu tại xã Quảng Châu (thành phố Hưng Yên), tình trạng một số người dân bắt giun đất bằng máy kích điện rộ lên từ đầu năm nay. Người dân chủ yếu bắt giun ở đất bãi ven sông Hồng, nơi ít người qua lại. Thời gian bắt thường vào ban đêm nên khó phát hiện.
Cách thức để bắt giun rất đơn giản. Chỉ với 2 que sắt nối với máy kích bằng dây điện và cắm trực tiếp xuống đất, sau vài tiếng kêu “tít tít” phát ra từ máy kích điện, trong vòng bán kính khoảng 2m2 các loại giun to, nhỏ dần ngoi lên mặt đất. Sau khi thu gom giun, người săn di chuyển sang địa điểm khác và lặp lại quy trình cũ. Trung bình mỗi ngày, 1 máy kích điện có thể bắt được từ 10 đến 50kg giun sống. Hiện nay, mỗi kg giun sống được bán với giá từ 40.000 đến 60.000 đồng/kg.
Theo lực lượng Công an xã Quảng Châu, chúng tôi có mặt tại lò sấy giun của gia đình anh Nguyễn Đình Hậu, ở thôn 1. Theo quan sát, lò sấy giun được thiết kế khá đơn giản, chỉ rộng khoảng 5m2, xây bằng gạch, bên trong là các giàn sắt dùng để gác tấm lưới sấy giun. Bên cạnh lò sấy là khu mổ giun tươi cùng với đồ nghề là lưỡi dao rọc, vòi nước dùng để rửa giun. Đi vào khu vực này, mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc.
Được biết, lò sấy này hoạt động từ đầu năm nay. Mỗi ngày, chủ lò thu mua, sơ chế khoảng 2 – 3 tạ giun sống. Mỗi mẻ giun được sấy bằng củi trong thời gian khoảng 4 giờ. Trung bình 12kg giun tươi thì sấy được 1kg giun khô. Mỗi kg giun khô hiện nay được bán với giá 600.000 đồng cho thương lái Trung Quốc. Khi được hỏi thương lái thu mua giun khô làm gì thì chủ lò sấy cho biết, họ mua để làm thuốc, thấy có lợi nhuận thì làm…
Theo Trung tá Vũ Ngọc Hiến, Trưởng Công an xã Quảng Châu: Qua kiểm tra, rà soát, hiện nay trên địa bàn xã có 50 máy kích bắt giun và 4 cơ sở thu mua, sơ chế giun. Hành vi đánh bắt giun đất bằng máy kích điện vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 7, Luật Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên hiện nay, do chưa có chế tài xử phạt hành vi sử dụng máy kích điện để bắt giun nên chúng tôi chỉ lập biên bản, yêu cầu các đối tượng ký cam kết không tái phạm việc đánh bắt giun…
Tại xã Hùng An (Kim Động) cũng phát hiện 1 đối tượng sử dụng máy kích điện bắt giun vào đầu tháng 8. Ngay sau khi phát hiện sự việc, cán bộ xã đã đến tận nhà đối tượng và tuyên truyền, vận động, ngăn chặn người dân dùng máy kích điện để bắt giun. Vận động người dân không tiếp tay cho các đối tượng ở địa phương khác làm những việc nêu trên để tránh hủy hoại môi trường, phá vỡ đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến độ phì nhiêu của đất và sinh trưởng, phát triển của cây trồng; thông báo trên loa truyền thanh về tác hại của việc tận diệt giun đất…
Theo thông tin của Sở Nông nghiệp và PTNT, qua kiểm tra, rà soát, đến ngày 14/8, toàn tỉnh có 3/10 huyện, thị xã, thành phố có trường hợp dùng máy kích điện để đánh bắt giun đất và có cơ sở thu mua, sơ chế. Trong đó, thành phố Hưng Yên có 62 đối tượng có máy kích điện nhưng chưa phát hiện được trường hợp nào sử dụng máy kích điện để đánh bắt giun đất (ở các phường Hồng Châu; Lam Sơn; xã Quảng Châu và xã Hồng Nam); huyện Kim Động có 3 đối tượng sử dụng máy kích điện để đánh bắt giun đất (ở xã Hùng An, xã Đồng Thanh); huyện Phù Cừ có 1 đối tượng từ nơi khác đến mang theo máy kích điện có ý định sử dụng để bắt giun đất tại xã Nguyên Hòa.
Các địa phương đã tuyên truyền, vận động, yêu cầu người dân ký cam kết không sử dụng máy kích điện để bắt giun đất, không thu mua, sơ chế giun đất; đồng thời khuyến khích người dân tích cực phát giác và thông báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện các trường hợp kích điện bắt giun, thu mua, sơ chế trái phép giun đất để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo thông tin từ Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và PTNT), giun đất có vai trò quan trọng với sản xuất nông nghiệp. Nó được ví như một lưỡi cày sinh học của nhà nông, làm cho đất tơi xốp, tạo màu mỡ cho đất và giúp cho cây trồng sinh trưởng và phát triển thuận lợi. Việc tận diệt giun đất và các sinh vật có ích khác trong đất làm giảm chất lượng đất canh tác, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng, đồng thời là hoạt động nguy hiểm, dễ gây tai nạn cho con người và động vật.
Trước tình trạng trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố vào cuộc chỉ đạo cơ quan chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn kịp thời hoạt động đánh bắt giun đất bằng máy kích điện, các cơ sở sơ chế, chế biến giun đất, đánh bắt bằng máy kích điện trên địa bàn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tập trung tuyên truyền để người dân hiểu rõ tác hại và hậu quả nghiêm trọng của việc đánh bắt giun đất bằng kích điện đối với tầng canh tác và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, không để mở rộng tình trạng bắt giun đất trên địa bàn tỉnh gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và hệ sinh thái tự nhiên.
Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thường xuyên tuyên truyền về vai trò của giun đất bằng nhiều hình thức; kiểm tra, phát hiện các trường hợp sử dụng máy kích điện để bắt giun đất, cơ sở thu mua, chế biến giun đất từ hoạt động đánh bắt bằng máy kích điện báo cáo với lãnh đạo đơn vị, phối hợp với chính quyền cơ sở để kịp thời xử lý.
Hương Giang