Tiếp nối sau chuyến thăm chính thức Singapore từ ngày 1 đến 3/12/2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân sẽ thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Sekiguchi Masakazu và Phu nhân từ ngày 4 đến 7/12/2024.
Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm hiện thực hóa đường lối chính sách đối ngoại của Việt Nam, diễn ra trong bối cảnh hai nước vừa nâng cấp quan hệ lên thành “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” vào tháng 11/2023.
Chuyến thăm góp phần đưa hợp tác trên kênh nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện Nhật Bản đi vào thực chất và bền vững, qua đó góp phần cụ thể hóa nội hàm quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực.
Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/9/1973. Trải qua hơn 50 năm vun đắp và xây dựng, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được củng cố và phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, trở thành một điểm sáng trong việc triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Sau 5 thập kỷ, quan hệ hai nước có nền tảng tốt đẹp và nhiều lợi ích chung, đạt đồng thuận cao và sự ủng hộ trong nội bộ Nhật Bản và các chính đảng lớn. Khuôn khổ quan hệ giữa hai nước đã liên tục được nâng cấp, từ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài” (năm 2002) lên “Quan hệ Đối tác Chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” (năm 2009), “Đối tác Chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng của châu Á” (năm 2014), “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” (tháng 11/2023).
Việc nâng cấp quan hệ thành “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” phản ánh mức độ tin cậy chính trị cao và sự chín muồi của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, mở ra thời kỳ hợp tác phát triển mới thực chất và hiệu quả hơn nữa trên mọi lĩnh vực, đáp ứng mong muốn, nhu cầu và lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng tại khu vực và trên thế giới.
Hai nước duy trì thường xuyên các cuộc tiếp xúc, giao lưu các cấp. (Nguồn: TTXVN)
Hai nước duy trì thường xuyên các cuộc tiếp xúc, giao lưu các cấp. Nổi bật gần đây nhất là: Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Nhật Bản (tháng 11/2021), dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng và làm việc tại Nhật Bản (tháng 5/2023).
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 28 và thăm làm việc tại Nhật Bản (tháng 5/2023).
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản và tiến hành các hoạt động song phương tại Nhật Bản (tháng 12/2023).
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội đàm trực tuyến cấp cao với Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (ngày 3/9/2024).
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị Cấp cao liên quan diễn ra tại Vientiane (Lào) (ngày 11/10/2024).
Chủ tịch nước Lương Cường gặp Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima (Peru) (tháng 11/2024).
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rio de Janeiro (Brazil) (ngày 18/11/2024)…
Phía Nhật Bản có chuyến thăm chính thức Việt Nam của: Thủ tướng Suga Yoshihide (tháng 10/2020); Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (tháng 4/2022); Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Otsuji Hidehisa (tháng 9/2023); Hoàng Thái tử Akishino và Công nương Kiko thăm và dự Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (tháng 9/2023); Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Kamikawa Yoko (tháng 10/2023).
Ngoài các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao, hai nước hiện cũng đang duy trì hiệu quả các cơ chế đối thoại, như: Ủy ban Hợp tác Việt-Nhật do hai Bộ trưởng Ngoại giao làm đồng Chủ tịch từ năm 2007; Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản về ngoại giao-an ninh-quốc phòng cấp Thứ trưởng ngoại giao từ năm 2010; Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt-Nhật cấp Thứ trưởng từ tháng 11/2012; Đối thoại An ninh cấp Thứ trưởng từ tháng 11/2013; Ủy ban hỗn hợp về thương mại, năng lượng và công nghiệp từ năm 2014; Đối thoại Nông nghiệp cấp Bộ trưởng từ năm 2014; Đối thoại chính sách biển Việt Nam-Nhật Bản cấp Bộ trưởng (thành lập từ tháng 12/2019).
Cùng với đó, hai bên hợp tác chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, như Liên hợp quốc, các hội nghị ASEAN+, APEC, ASEM… đóng góp ngày càng tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Nhà nước Việt Nam.
Quan hệ kinh tế-thương mại song phương Việt Nam-Nhật Bản được xây dựng trên nền tảng là các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà hai nước đã ký kết, cũng như thông qua các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản tại Việt Nam.
Nhật Bản hiện là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động lớn thứ 2, nhà đầu tư lớn thứ 3, đối tác du lịch lớn thứ 3, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt 47,6 tỷ USD; năm 2023 đạt 44,98 tỷ USD; 10 tháng năm 2024 đạt 38,1 tỷ USD.
Về đầu tư trực tiếp (FDI), tính đến tháng 10/2024, Nhật Bản là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ 3 ở Việt Nam (sau Hàn Quốc và Singapore) với với 5.456 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 77,37 tỷ USD.
Nhật Bản cũng là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, tổng giá trị vay tính đến hết năm tài khóa 2020 là 2.812,8 tỷ yen (tương đương 27,5 tỷ USD), chiếm hơn 26% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của Chính phủ.
Nguồn vốn ODA của Nhật Bản góp phần quan trọng trong việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, tạo động lực lan tỏa tích cực, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững; hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.
Đáng chú ý, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki cho biết trong tháng 11/2024 này đã diễn ra lễ ký kết giữa Chính phủ hai nước về việc cung cấp thiết bị công nghệ thông tin (IT) nâng cấp hệ thống cho Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an vận hành.
Dự án này sẽ góp phần tăng cường hệ thống của Chính phủ Việt Nam và là hỗ trợ hết sức ý nghĩa trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Trước đó, vào tháng Chín vừa qua, bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam và để lại những thiệt hại nặng nề. Với tinh thần tương trợ, thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và các tổ chức quốc tế như Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ nhân đạo trong thiên tai, tính đến nay Nhật Bản đã viện trợ tổng cộng khoảng 2,4 triệu USD cho Việt Nam.
Tháng 11/2024 đánh dấu mốc 1 năm hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.
Đánh giá về tình hình hợp tác song phương trong 1 năm qua, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki nhận định mối quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam đang ngày càng sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, không chỉ kinh tế, thương mại, đầu tư mà cả an ninh quốc phòng và giao lưu nhân dân.
Đại sứ Ito Naoki cho biết vào tháng 3/2024, Nhật Bản và Việt Nam đã nhất trí khởi động “Sáng kiến chung Nhật Bản-Việt Nam trong kỷ nguyên mới.”
Hai bên nhất trí tiếp tục thảo luận và đạt được kết quả cụ thể trên 5 lĩnh vực hợp tác: năng lượng, đổi mới sáng tạo, tăng cường chuỗi cung ứng bao gồm công nghiệp phụ trợ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và hoàn thiện môi trường đầu tư. Trong lĩnh vực bán dẫn, các doanh nghiệp Nhật Bản đang ngày càng quan tâm đến Việt Nam.
Tiếp đó, tháng 8/2024, Công ty Tokuyama đã thành lập công ty con tại Việt Nam để sản xuất và bán silicon đa tinh thể dùng cho chất bán dẫn. Dự án này đã được Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản chọn vào danh mục Dự án đồng sáng tạo hướng tới tương lai Global South (tạm dịch: Phương Nam toàn cầu) và đang nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản.
Ngoài ra, tháng 10/2024, công ty Rorze Robotech của Nhật Bản đã quyết định xây dựng thêm một nhà máy mới tại một khu công nghiệp ở Hải Phòng, mở rộng nhà máy chế tạo robot sử dụng trong thiết bị sản xuất chất bán dẫn.
Đại sứ Ito Naoki cho biết khi thị trường tiêu dùng của Việt Nam mở rộng cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, sự quan tâm của Nhật Bản đến lĩnh vực bán lẻ cũng ngày càng tăng. Số lượng trung tâm mua sắm Aeon Mall đã tăng lên trong năm nay; Uniqlo cũng đã trở thành một thương hiệu thời trang được ưa chuộng tại Việt Nam…
Trong lĩnh vực giao thông, dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bắt đầu vận hành vào tháng 12/2024. Dự án này được thực hiện với sự hợp tác của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và sự tham gia của các công ty Nhật Bản.
Trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, theo Đại sứ Ito Naoki, Nhật Bản cam kết sử dụng công nghệ và tài chính của mình nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu “Phát thải ròng bằng 0” vào năm 2050 bằng cách xây dựng cơ chế hợp tác trong nhiều lĩnh vực sâu rộng như năng lượng điện gió ngoài khơi, năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo hoặc khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng.
Lĩnh vực năng lượng hạt nhân gần đây bắt đầu nhận được sự quan tâm trở lại của Việt Nam, Đại sứ Ito Naoki cho biết phía Nhật Bản sẵn sàng hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này.
Ngoài hợp tác kinh tế-thương mại, hai nước cũng hợp tác hiệu quả trong nhiều lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục-đào tạo, y tế, du lịch, hợp tác giữa các địa phương, lao động… Trong đó, hợp tác giáo dục-đào tạo giữa hai nước đã phát triển dưới nhiều hình thức.
Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới chính thức đưa tiếng Nhật vào giảng dạy ở bậc trung học cơ sở từ năm 2003, tiểu học từ năm 2019. Nhật Bản là một trong những nước viện trợ lớn nhất cho ngành giáo dục-đào tạo của Việt Nam thông qua các chương trình viện trợ ODA. Hai bên đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác trong lĩnh vực này.
Số lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản hiện đạt hơn 51.000 người. Nhật Bản đã hỗ trợ nâng cấp 4 trường đại học của Việt Nam đạt đại học chất lượng cao. Hai nước đã hợp tác thành lập Trường Đại học Việt Nhật tại Hòa Lạc (Hà Nội) vào tháng 10/2014 nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ, quản lý và dịch vụ.
Ngày 1/6/2024, Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản năm 2024 chính thức khai mạc tại công viên Yoyogi, thủ đô Tokyo. (Ảnh: Phạm Tuân/TTXVN)
Về giao lưu văn hóa, các lễ hội thường niên như Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản, Lễ hội Nhật Bản tại Việt Nam và Lễ hội Hoa anh đào Nhật Bản tại Việt Nam… luôn được đông đảo nhân dân hai nước đón nhận.
Về hợp tác lao động, hai bên đã ký Bản ghi nhớ về việc Nhật Bản tiếp nhận điều dưỡng viên, hộ lý của Việt Nam; Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (tháng 6/2017); Bản ghi nhớ về chế độ Lao động kỹ năng đặc định (tháng 5/2019). Việt Nam là quốc gia đứng đầu trong tổng số 15 quốc gia tham gia phái cử lao động sang Nhật Bản (khoảng 310.000 người).
Hợp tác địa phương hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ, địa phương của Việt Nam và Nhật Bản đã ký hơn 110 văn bản hợp tác, trong đó các cặp quan hệ tiêu biểu có TP Hồ Chí Minh với Osaka (2007), Nagano (2017); Hà Nội với Fukuoka (2008), Tokyo (2013); Đà Nẵng với Sakai (2009), Yokohama (2013); Phú Thọ-Nara (2014), Huế-Kyoto (2014); Quảng Nam-Nagasaki (2014); Hưng Yên-Kanagawa (2015), Hải Phòng-Niigata (2015)…
Số lượng người Việt Nam lưu trú tại Nhật hiện là gần 600.000 người. Người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập trên khắp 47 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Nhật Bản, trong đó chủ yếu tập trung tại tỉnh Aichi, Tokyo, Osaka, Saitama, Chiba; khu vực Kyushu… Đây là nền tảng vững bền cho quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, góp phần làm cho hai dân tộc ngày càng xích lại gần nhau hơn.
Quan hệ giữa cơ quan lập pháp của hai nước luôn được đẩy mạnh, phát triển ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả. Chủ tịch Quốc hội hai nước dành nhiều sự quan tâm tới thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, hai Quốc hội.
Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và đoàn các cấp nhằm trao đổi kinh nghiệm giữa các Ủy ban chuyên môn và các nghị sỹ, góp phần thiết thực vào việc triển khai và thúc đẩy các thỏa thuận của hai nước, tạo sự lan tỏa và hỗ trợ hoạt động của Chính phủ, đẩy mạnh ngoại giao nhân dân, bảo đảm hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác giữa Việt Nam với Nhật Bản.
Ngoài trao đổi đoàn cấp cao và giữa các cơ quan chuyên môn, Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Nhật Bản cũng thúc đẩy giao lưu nghị sỹ trong khuôn khổ Nghị sỹ hữu nghị và Nghị sỹ trẻ, nữ Nghị sỹ Quốc hội với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản cùng với Liên minh Nghị sỹ Nhật Bản-Việt Nam luôn đóng vai trò cầu nối tích cực, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, giao lưu giữa các nghị sỹ, hợp tác địa phương đi vào chiều sâu, thực chất.
Trong khuôn khổ hợp tác nghị viện đa phương như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF), Hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA), hai bên có quan điểm tương đồng về việc xây dựng và duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thường xuyên tham vấn và ủng hộ lẫn nhau trong quan điểm về các vấn đề an ninh hàng hải, hàng không tại khu vực.
Trên nền tảng quan hệ tốt đẹp, chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân lần này nhằm thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 34-NQ/TW ngày 9/1/2023 của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng; thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện Nhật Bản; khẳng định sự coi trọng của Việt Nam đối với quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới Việt Nam-Nhật Bản.
Chuyến thăm là dịp để Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Nhật Bản thảo luận các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà, dự kiến trong chuyến thăm Nhật Bản lần này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ có nhiều hoạt động như hội đàm, hội kiến với các lãnh đạo Nhật Bản; gặp gỡ cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản…
Đặc biệt trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Thượng viện Sekiguchi Masakazu sẽ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Nhật Bản.
Đây là tiền đề rất quan trọng, góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước, tạo điều kiện thuận lợi để hai bên triển khai các hoạt động hợp tác song phương cũng như tại các diễn đàn đa phương, góp phần thúc đẩy quan hệ “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới,” phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước.
Ngoài ra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà tin tưởng rằng, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn không chỉ góp phần thúc đẩy quan hệ ngoại giao song phương giữa Việt Nam với Nhật Bản mà còn tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác thực chất giữa các địa phương của Việt Nam với các địa phương của Nhật Bản, mang lại những lợi ích cụ thể cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp hai nước./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/nang-tam-hop-tac-nghi-vien-viet-nam-nhat-ban-post998598.vnp