Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2024, chỉ số thương mại điện tử (TMÐT) của tỉnh Hưng Yên xếp thứ 10/58 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia xếp hạng với 27 điểm, tăng 2 bậc và 6,5 điểm so với năm 2023. Ðặc biệt, 3 chỉ số trụ cột gồm: Nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin; chỉ số giao dịch TMÐT giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C); chỉ số giao dịch TMÐT giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) đều tăng thứ hạng so với năm trước. Ðiều này thể hiện sự chỉ đạo, lãnh đạo đúng đắn của UBND tỉnh và hiệu quả công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương trong quyết tâm nâng hạng chỉ số TMÐT của tỉnh.
Chỉ số giao dịch TMÐT giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) là một trong ba trụ cột của chỉ số TMÐT. Năm 2024, chỉ số B2C của tỉnh ghi nhận có sự cải thiện vượt bậc với 28 điểm, xếp thứ hạng 13/58 tỉnh, thành phố, tăng 9 bậc so với năm 2023. Ðể đạt được kết quả này, trong năm 2024, Sở Công thương đã phối hợp với Cục TMÐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) tổ chức hội nghị đào tạo, tấp huấn kiến thức về TMÐT cho 100 đại biểu là đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước và quản lý các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh; tích cực tuyên truyền, hỗ trợ 7 doanh nghiệp xây dựng website TMÐT và tạo lập email thương hiệu, thiết lập và sử dụng hệ thống thư điện tử với tên miền dùng riêng cho doanh nghiệp; tư vấn cho các doanh nghiệp triển khai quy trình bán hàng trực tuyến, quy trình kinh doanh theo mô hình B2C tiên tiến trên thế giới. Các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh cũng được sở kết hợp ứng dụng TMÐT nhằm quảng bá nông sản đặc trưng của tỉnh đến gần hơn với khách hàng, tiêu biểu là hoạt động livestream quảng bá nhãn lồng và nông sản tiêu biểu của tỉnh trên các nền tảng mạng xã hội và sàn giao dịch TMÐT trong thời gian diễn ra sự kiện Tuần lễ tôn vinh nhãn lồng Hưng Yên năm 2024 đã thu hút hàng nghìn lượt xem và chia sẻ, gần 1 nghìn bình luận tích cực… Ông Ðặng Minh Tâm ở thành phố Phúc Yên (Vĩnh Phúc) cho biết: Những năm gần đây, cứ vào vụ thu hoạch nhãn, tôi lại đặt mua nhãn của nhà vườn ở thành phố Hưng Yên thông qua mạng xã hội. Khi mua hàng, tôi được cung cấp mã QR để kiểm tra các thông tin của sản phẩm, chủ vườn quay trực tiếp quá trình thu hoạch, đóng gói và gửi sản phẩm nên rất yên tâm về chất lượng.
Theo số liệu tổng hợp, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 10,2 nghìn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia các sàn TMÐT với trên 180 nghìn sản phẩm và trên 12 nghìn giao dịch. Tổng doanh thu qua các sàn TMÐT đạt trên 1,2 nghìn tỷ đồng.
Ðể nâng hạng trụ cột nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin; chỉ số giao dịch TMÐT giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) trong bộ chỉ số TMÐT, tỉnh đã quan tâm, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông hoạt động, phát triển; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt tới cán bộ, người lao động trong đơn vị… Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị viễn thông triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cho trên 1 nghìn tiểu thương kinh doanh ở một số chợ trong tỉnh. Năm 2024, sở hỗ trợ 7 doanh nghiệp xây dựng gian hàng, tham gia hội chợ triển lãm trên môi trường số; đăng tải các thông tin về sản phẩm, dịch vụ thông qua các hình ảnh, video 3D được kết nối với các nền tảng số, website xúc tiến thương mại xuyên biên giới. Ngoài ra, sở hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh 750 nghìn tem truy xuất nguồn gốc, tạo thuận lợi thực hiện các giao dịch điện tử. Theo kế hoạch số 131/KH – UBND ngày 21/10/2020 của UBND tỉnh về phát triển TMÐT tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh dành kinh phí 3 tỷ đồng để phát triển TMÐT đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới… Kết quả, năm 2024, chỉ số nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh xếp thứ 9/58 tỉnh, thành phố với 32 điểm; chỉ số B2B xếp thứ 11/58 tỉnh, thành phố với 24 điểm, cùng tăng 3 bậc so với năm 2023.
Với các giải pháp được triển khai thực hiện nhằm phát triển TMÐT, năm 2024, tỉ lệ dân số trong tỉnh tham gia mua sắm trực tuyến đạt 55%; tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong TMÐT đạt 55%; tỉ lệ giao dịch mua hàng trên website hoặc ứng dụng TMÐT có hóa đơn điện tử đạt 70%; tỉ lệ xã và các đơn vị hành chính tương đương có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến đạt 90%…
Thời gian tới, ngành công thương tiếp tục duy trì, nâng cấp sàn giao dịch TMÐT của tỉnh; tổ chức đào tạo, tập huấn về ứng dụng TMÐT cho đội ngũ quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nhằm nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của việc ứng dụng TMÐT trong xúc tiến thương mại; tăng cường tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMÐT trong sản xuất, kinh doanh như: Hỗ trợ xây dựng bộ giải pháp hỗ trợ kinh doanh trực tuyến, sử dụng email riêng, chữ ký số, hóa đơn điện tử, tem điện tử, mã QR… nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế. Ðồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong hoạt động TMÐT…
Hoa Phương
Nguồn: https://baohungyen.vn/nang-hang-chi-so-thuong-mai-dien-tu-3178577.html