Đã thành thông lệ, hàng năm cứ đúng ngày rằm tháng Giêng (15.1 âm lịch), ngày mất của Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác, nhân dân cùng những người công tác trong ngành y khắp nơi trong và ngoài tỉnh lại tề tựu về dự lễ hội truyền thống Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác ở thôn Liêu Xã, xã Liêu Xá (Yên Mỹ) để tưởng nhớ đến công lao to lớn của vị đại danh y.
Lễ hội truyền thống Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác hàng năm nêu cao gương sáng của ông, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo” của nhân dân ta, trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân xã Liêu Xá nói riêng và nhân dân Hưng Yên nói chung.
Lê Hữu Trác sinh năm 1724, tại làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là thôn Liêu Xá, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Ông được sinh ra trong một gia đình thế gia vọng tộc có cha là ông Lê Hữu Mưu đỗ đệ tam giáp tiến sỹ làm Thị Làn Bộ Công triều Lê Dụ Tông, tước Bá, mẹ là bà Bùi Thị Thưởng. Lê Hữu Trác thi đậu tam trường nhưng khi cha mất ông bỏ đường cử nghiệp chuyển sang học võ, nghiên cứu binh thư và đã giành được nhiều thắng lợi khi tham gia trận mạc. Sau mấy năm chinh chiến ông chán ghét cảnh đầu rơi máu chảy lại nhận được tin anh chết, nhà còn mẹ già nên ông lấy cớ xin về sống ở quê mẹ là xóm Bàu Thượng, xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh và chuyên tâm nghiên cứu nghề thuốc. Ông tự đặt cho mình hiệu là Hải Thượng Lãn Ông và không màng danh lợi, phú quý vinh hoa, trở thành một thầy thuốc, một danh sư nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.
Sự nghiệp y học của Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác được tập hợp trong bộ “Y Tông Tâm Lĩnh” gồm có 28 tập, 66 quyển. Không chỉ là một danh y bậc thầy, ông còn là một nhà văn xuất sắc mà ngòi bút tài hoa được thể hiện rõ nét trong tập “Thượng kinh ký sự” (1782). Suốt 40 năm trong nghề y, Lãn Ông đã đem hết tài năng và y đức của mình vào việc chữa bệnh phục vụ nhân dân, nêu cao đạo đức nhân thuật, tận tụy cứu chữa bệnh nhân đến cùng, cần cù nghiên cứu, biên soạn, giảng dạy và đúc kết kinh nghiệm, xây dựng nền tảng truyền thống y học nước nhà. Sự nghiệp của ông được kết tinh bởi tri thức uyên thâm, tư tưởng tiến bộ, đạo đức trong sáng, có tính thực tiễn… thể hiện qua những trước tác đồ sộ mà giá trị của nó vẫn còn mãi đến ngày nay.
Với những đóng góp to lớn của ông cho nền y học nước nhà, sau khi ông mất (1791) đã được phối thờ ở Y miếu Thăng Long. Tại quê hương ông, con cháu dòng họ cùng toàn thể nhân dân đồng lòng nhất trí xây dựng Nhà tưởng niệm Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác. Ban đầu quy mô nhà tưởng niệm khá nhỏ, đến năm 1992, Bộ Văn hóa – Thông tin cùng với Bộ Y tế đã đầu tư trùng tu mở rộng nhà tưởng niệm như ngày nay. Với diện tích trên 200m2 trưng bày cùng với khuôn viên rộng trên 1000m2, với nhiều di tích phụ cận xung quanh đã tạo nên một quần thể di tích rộng lớn. Nhà tưởng niệm không chỉ là nơi thờ tự, tưởng niệm ông mà còn là nơi trưng bày giới thiệu về thân thế, sự nghiệp cũng như các tác phẩm của ông. Năm 1990 Bộ Văn hóa – Thông tin đã công nhận, xếp hạng di tích lịch sử lưu niệm Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác. Đến năm 2000, Bộ Văn hóa – Thông tin và Bộ Y tế, đặc biệt là Trung ương Hội Đông y Việt Nam chọn ngày mất của ông là ngày 15.1 âm lịch làm ngày truyền thống của ngành và tề tựu về đây mở hội để tưởng nhớ công lao to lớn của ông. Năm 2006, khu lưu niệm bị xuống cấp nên đã được UBND tỉnh Hưng Yên và Bộ Văn hóa – Thông tin trùng tu, tôn tạo quần thể di tích này, trong đó đã dỡ bỏ nhà lưu niệm để xây dựng lại thành khu đền thờ riêng Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác. Cũng nằm trong thôn Liêu Xá, cách không xa khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác còn có nhà thờ Đại tôn Lê Hữu thờ tự những vị làm rạng danh dòng họ; Tiến sỹ môn lưu giữ nhiều di vật, cổ vật quý như hệ thống bia đá dựng thời Lê và nhiều câu đối đại tự của những người đỗ đạt trong dòng họ cung tiến, đặc biệt là một số đạo sắc của các vua đời Nguyễn phong sắc cho các cụ họ Lê đỗ đạt cao; nhà thờ Hoàng Giáp Lê Hữu Danh – ông nội Lê Hữu Trác; khu mộ tổ họ Lê Hữu… tất cả tạo thành một quần thể di tích phong phú và đa dạng.
Ông Lê Hữu Khánh, hậu duệ chín đời của Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác nói: “Dòng họ Lê Hữu nơi đây từ xưa đã được biết đến với nhiều nhà khoa bảng, đặc biệt, danh thơm và gương sáng về y đức, y thuật của cụ Lê Hữu Trác đã trở thành niềm biết ơn và tự hào to lớn của lớp lớp con cháu trong họ. Để tưởng nhớ và nêu cao những tấm gương sáng của các bậc tiền bối, hàng năm vào dịp đầu xuân, dòng họ Lê Hữu lại tổ chức họp tất cả con cháu xa gần để dâng hương và báo công những con cháu thành đạt với tổ tiên. Qua đó nhắc nhở con cháu cần nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với công lao, danh tiếng của các bậc tiền bối”.
Hoạt động tế lễ trong lễ hội Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác |
Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác diễn ra từ ngày 14- 15 tháng Giêng hàng năm, thu hút được hàng đông đảo du khách thập phương về dự khiến không khí lễ hội tại khu di tích càng thêm tưng bừng. Trong phần lễ của lễ hội diễn ra hoạt động tế lễ của 4 đội tế đến từ các thôn trong xã và hoạt động dâng hương của nhân dân địa phương, du khách thập phương. Trong những ngày diễn ra lễ hội, còn có các trò chơi dân gian truyền thống như: múa Kì lân, chọi gà, cờ tướng… thu hút đông đảo mọi người tham gia. Ngoài ra còn có một số hoạt động thể dục thể thao như: cầu lông, bóng bàn, bóng đá… cũng được tổ chức. Ông Lưu Đức Thuận, Phó chủ tịch UBND xã, Phó trưởng Ban tổ chức lễ hội Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác cho biết: “Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác là lễ hội truyền thống của địa phương có quy mô ngày càng lớn và thu hút được lượng du khách ngày càng đông đến tham dự. Tưởng niệm 223 năm ngày mất của Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác năm nay, UBND xã Liêu Xá đã sớm xây dựng, triển khai kế hoạch chuẩn bị cho lễ hội. Để những ngày lễ hội diễn ra được vui tươi, lành mạnh, chúng tôi đã thành lập 4 tiểu ban, gồm: tiểu ban an ninh bảo đảm an ninh trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, quy định khu vực bán hàng, trông giữ xe, bảo đảm an toàn giao thông trong khu vực lễ hội; tiểu ban hậu cần – vệ sinh bảo đảm vệ sinh khu vực diễn ra lễ hội; tiểu ban trang trí – khánh tiết – lễ hội trang trí, tổ chức lễ dâng hương tại đền thờ Hải Thượng Lãn Ông, tổ chức các trò chơi dân gian, các hoạt động thể dục thể thao và tiểu ban lễ tân đón tiếp các đoàn và du khách đến dâng hương”.
Hương Giang