Đến hẹn lại lên, vào đầu tháng Giêng âm lịch hàng năm, du khách trong và ngoài tỉnh lại nô nức về dự lễ hội đền Phù Ủng (huyện Ân Thi) để tưởng nhớ tướng quân Phạm Ngũ Lão, một danh tướng có công giúp nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên – Mông bảo vệ bờ cõi nước nhà.
Phạm Ngũ Lão là vị tướng văn võ song toàn, được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn hết sức tin cậy, rèn luyện, tiến cử với triều đình và trở thành vị tướng phò tá 3 đời vua nhà Trần. Ông có công lớn trong các cuộc chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta và bảo vệ biên giới phía Tây – Nam của Tổ quốc. Thân thế, sự nghiệp, vai trò của Tướng quân Phạm Ngũ Lão với Vương triều nhà Trần đã được sử sách ghi nhận, được nhân dân tôn thờ. Sau khi mất, ông được nhà vua phong là “Thượng đẳng phúc thần” và được triều đình cho phép lập đền thờ ngay trên nền nhà cũ của gia đình ở làng Phù Ủng.
Đền thờ Phạm Ngũ Lão trước đây được bố cục theo kiểu chữ Nhất (-), gồm 7 gian, nhưng trong chiến tranh đã bị tàn phá. Từ năm 1986 – 1989, bằng nguồn kinh phí của Nhà nước và nhân dân đóng góp đã phục dựng lại ngôi đền, công trình được bê tông hóa theo kiến trúc cổ gồm 5 gian tiền tế và tòa hậu cung kiến trúc kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái. Bước vào đền, ấn tượng mạnh với du khách là pho tượng Tướng quân Phạm Ngũ Lão bằng đồng nặng hơn 300 kg trong tư thế ngồi trên ngai, mặc cẩm bào. Đền Mẫu thờ thân mẫu Phạm Ngũ Lão, được xây dựng theo kiểu kiến trúc thời Nguyễn, trong đền có tượng thờ bằng gỗ và 4 pho tượng người hầu bằng đá thời Trần. Tương truyền đá làm tượng được lấy từ ải Chi Lăng (Lạng Sơn), nơi phụ thân của Phạm Ngũ Lão tuẫn tiết khi giặc Nguyên – Mông ép ông ra hàng.
Trải qua thời gian, khuôn viên đền thờ Tướng quân Phạm Ngũ Lão ngày nay đã được nhân dân trong huyện và khách thập phương gìn giữ, trùng tu lại một số hạng mục như: Lầu văn, lăng Quốc công Vũ Hồng Lượng, đền mẫu…. Năm 1988, đền Phù Ủng được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia.
Múa rồng ở lễ hội truyền thống đền Phù Ủng |
Lễ hội truyền thống đền Phù Ủng được tổ chức từ ngày 11 đến 13 tháng Giêng (âm lịch). Tuy nhiên ngay từ những ngày đầu tháng Giêng hàng năm, đền đều mở cửa phục vụ du khách thập phương đến dâng hương. Những năm gần đây, lễ hội đền Phù Ủng được tổ chức mở rộng, thu hút đông đảo khách thập phương về tham dự. Ông Nguyễn Văn Uý, Chủ tịch UBND xã Phù Ủng, Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết: Để lễ hội diễn ra lành mạnh, trang nghiêm, công tác chuẩn bị cho lễ hội đền Phù Ủng đã được tiến hành từ những ngày đầu tháng Chạp. Lễ hội năm nay, xã đã mở rộng khu vực trông giữ xe để phục vụ nhu cầu của du khách, đồng thời sửa chữa, mở rộng sân khấu, các điểm vui chơi để phần hội diễn ra an toàn, vui nhộn; hàng quán được sắp xếp gọn gàng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, vấn đề bảo đảm an ninh lễ hội được chú trọng với sự tăng cường của lực lượng công an ngay từ những ngày đầu năm để du khách thập phương dự lễ hội yên tâm chiêm bái, tham quan. Đặc biệt, phần lễ năm nay sẽ thêm phần trang nghiêm với màn trống khai hội của giàn trống gồm 24 chiếc, kết hợp với đội múa rồng đến từ Thị trấn Kiệm Khê, huyện Thanh Liêm (Hà Nam), kết nghĩa với xã Phù Ủng. Màn trống khai hội, múa rồng năm nay sẽ diễn ra 30 phút trước khi tiến hành lễ dâng hương tưởng niệm tướng quân Phạm Ngũ Lão.
Lễ hội truyền thống đền Phù Ủng bao gồm phần lễ và phần hội kết hợp vừa trang trọng, tôn nghiêm, vừa rộn ràng, tươi mới. Chính hội bắt đầu tổ chức vào ngày 11 tháng Giêng đây là ngày Tướng quân Phạm Ngũ Lão ra quân đánh giặc. Trong ngày hôm đó, diễn ra các nghi lễ: Đại lễ, tế nội tán, ngoại tán. Lễ hội được mở đầu với nghi thức rước Cung phi Tĩnh Huệ (con gái Phạm Ngũ Lão) từ phủ chúa về lăng Phạm Tiên Công để trình ông, sau đó rước về đền Phạm Ngũ Lão để trình cha. Tham gia đoàn rước có các đội cờ lễ, múa lân, rồng, bài vị, đội khiêng kiệu hoa, khiêng kiệu công chúa. Sau nghi lễ rước truyền thống từ phủ chúa về đền, dân làng và du khách tổ chức lễ dâng hương, ôn lại thân thế, sự nghiệp và công lao của Tướng quân Phạm Ngũ Lão với đất nước.
Trong 3 ngày hội, sau các hoạt động tế, lễ trang nghiêm truyền thống còn có các trò chơi dân gian của phần hội như: Cờ tướng, chọi gà, múa rối, kéo co, hát quan họ, xin chữ đầu xuân, hội thi vật cù, nhảy mô đống… thu hút đông đảo du khách đến xem và tham gia. Bên cạnh các trò chơi dân gian, một số hoạt động thể thao như bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng… diễn ra sôi nổi giúp người dân được hòa mình vào lễ hội cũng như có dịp vui chơi, nghỉ ngơi, cầu mong một năm làm việc may mắn.
Lễ hội truyền thống đền Phù Ủng là lễ hội mang đậm giá trị văn hóa sâu sắc, đây không chỉ là dịp tưởng nhớ công lao của danh tướng họ Phạm mà còn giáo dục cho những thế hệ sau về ý chí vươn lên, về lòng yêu nước, minh chứng về nền văn hiến lâu đời của dân tộc. Lễ hội đền Phù Ủng cũng là một trong những lễ hội lớn trong các hoạt động văn hóa, lễ hội mùa xuân của tỉnh.
Hoa Phương