Những năm qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VH,TT&DL) tỉnh tích cực hưởng ứng Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc do Bộ VH,TT&DL tổ chức hằng năm, thu hút đông đảo các em học sinh tham gia, qua đó lựa chọn được những nhân tố xuất sắc để trao giải, tạo ra những hạt nhân để lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.
Chia sẻ nhận thức về văn hóa đọc, em Trần Quang Việt, học sinh lớp 11Q Trường THPT Hưng Yên cho biết: “Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, con người có nhiều phương tiện, phương thức để tiếp cận, khai thác thông tin. Tuy nhiên, người đọc cần biết lựa chọn, đọc những thông tin hữu ích, từ đó lan tỏa, đem lại giá trị nhất định cho xã hội. Thông qua việc đọc sách không chỉ giúp tích lũy kiến thức, thông tin mà còn nhân lên tình yêu sách, rèn thói quen đọc có trách nhiệm, kiên trì, nghiền ngẫm mới hiểu cặn kẽ vấn đề và tiếp nhận được thông tin hữu ích, kiến thức có giá trị. Là một trong những thí sinh được trao giải Nhì vòng sơ khảo Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Hưng Yên năm 2024, em sẽ tiếp tục lan tỏa tình yêu sách, phương pháp, kỹ năng đọc sách tới bạn bè thông qua việc đọc sách hằng ngày và sinh hoạt Câu lạc bộ Sách và hành động của nhà trường”.
Mặc dù còn nhỏ tuổi, song em Giang Thanh Tâm, học sinh lớp 4B Trường Tiểu học thị trấn Văn Giang (Văn Giang) sớm yêu thích đọc sách. Vào những dịp sinh nhật hay Ngày Quốc tế Thiếu nhi, em thường được bố mẹ tặng những cuốn sách hay, ý nghĩa, từ đó đã bồi đắp, định hướng cho em tình yêu sách và phương pháp đọc sách khoa học. Tham gia Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024, em giới thiệu tác phẩm “Trần Đại Nghĩa – Nhà bác học Việt Minh”, qua đó giúp mọi người hiểu rõ hơn về sự hy sinh vì nghĩa lớn của Giáo sư Trần Đại Nghĩa, sẵn sàng từ bỏ cuộc sống sung túc, công việc ổn định với thu nhập cao tại Pháp để trở về phục vụ kháng chiến, làm cách mạng. Bài thi của Giang Thanh Tâm đã được trao giải Nhất vòng sơ khảo tại tỉnh. Em chia sẻ: “Vinh dự được trở thành “Đại sứ Văn hóa đọc”, em sẽ tiếp tục cống hiến hết mình để góp phần thúc đẩy văn hóa đọc, mang sách đến gần hơn với mọi người, đặc biệt là các bạn nhỏ; khơi gợi ý tưởng để cùng chung tay xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng”.
Đồng chí Đào Văn Quyến, Giám đốc Thư viện tỉnh, Phó Trưởng ban tổ chức vòng sơ khảo Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Hưng Yên năm 2024 cho rằng, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin và công nghệ số như hiện nay, văn hóa đọc có ý nghĩa to lớn trong việc phổ cập những kiến thức, tầm hiểu biết của con người trong cuộc sống, giúp hoàn thiện kỹ năng, nhân cách của con người. Đọc có văn hóa, đọc có chọn lọc giúp trau dồi cho bản thân mỗi người một lượng tri thức lớn; cải thiện kỹ năng giao tiếp; phát triển trí tuệ cảm xúc bởi những triết lý, quan điểm đúng đắn được đúc kết, chắt lọc một cách cụ thể thông qua những trang sách. Đọc sách thường xuyên là cách giúp rèn luyện tư duy hiệu quả. Thay vì cuộc sống chỉ gắn liền với điện thoại, máy tính, ti vi… với việc sử dụng các trang mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok… con người có thể nghỉ ngơi và tận hưởng, thư giãn bên sách; qua đó giúp giải tỏa căng thẳng và tạo thêm những màu sắc mới trong tâm hồn. Sách có vô vàn kiến thức, nội dung; mỗi người có thể lựa chọn cho mình những thể loại sách phù hợp, trong số đó, những loại sách về văn học như: Tiểu thuyết, tập truyện ngắn, tản văn, thơ, ca… là một trong những nguồn năng lượng tích cực cho mỗi người.
Theo Giám đốc Thư viện tỉnh Đào Văn Quyến, để hình thành việc đọc có văn hóa và lan tỏa, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, thời gian tới cần tiếp tục hướng việc đọc sách trở thành một thói quen không thể thiếu, nhất là với trẻ em. Ở mỗi gia đình, bố mẹ phải có ý thức về việc đọc sách và trao truyền ý thức đó cho con trẻ, cùng nhau chia sẻ sách giữa bố mẹ và các con, khuyến khích, dành thời gian để cho con đọc sách; các nhà trường cần có những hoạt động giáo dục học sinh ngay từ bậc tiểu học về kỹ năng, thói quen đọc sách, bao gồm phương pháp đọc, kỹ năng tiếp cận sách, đọc sách có mục đích (học tập, nghiên cứu, giải trí), tiêu chí lựa chọn những cuốn sách đáng đọc; đưa ra một danh mục sách cần đọc trong một năm học,…; xây dựng phong trào đọc sách sâu rộng trong các cơ quan, tổ chức và cộng đồng, tổ chức các cuộc thi đọc sách; phát hiện, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển sách và văn hóa đọc trong cộng đồng. Bên cạnh đó, các nhà xuất bản, cơ sở in ấn, đơn vị phát hành nâng cao chất lượng nội dung và hình thức xuất bản phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu đọc ngày càng cao của người dân; hỗ trợ, đầu tư nhằm khuyến khích sáng tác, xuất bản sách,… Đối với hệ thống thư viện, cần không ngừng đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện, nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc, đa dạng hóa các hình thức phục vụ bạn đọc, tạo điều kiện thuận lợi cho bạn đọc đến sử dụng các dịch vụ của thư viện; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của sách, báo và thư viện; tuyên truyền về Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4) phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Có cơ chế, chính sách đầu tư, phát triển thư viện phù hợp với tình hình thực tế…
Đức Hùng
Nguồn: https://baohungyen.vn/lan-toa-van-hoa-doc-trong-cong-dong-3175032.html