Tin mới y tế ngày 11/1: Kỳ tích cứu sống cụ ông 103 bị đột quỵ
Sau 12 giờ áp dụng đồng thời hai phương pháp tiêu huyết khối và lấy huyết khối, cụ ông 103 tuổi ở Hưng Yên đã hồi phục hoàn toàn và không để lại di chứng.
Xử trí, phục hồi thành công ca đột quỵ của cụ ông 103 tuổi
Thông tin Bệnh viện Bạch Mai cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử 114 năm của bệnh viện, các bác sỹ đã điều trị thành công cho cụ ông 103 tuổi bị đột quỵ. Sự hồi phục của cụ là niềm vui, hạnh phúc lớn lao của đại gia đình ngũ đại đồng đường với 60 người và cũng là niềm tự hào của đội ngũ thầy thuốc Bạch Mai.
Cụ ông 103 trong ngày ra viện. |
Chia sẻ về ca bệnh đặc biệt này, TS.Đào Việt Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, cho biết vào lúc 23h30 ngày 2/1/2025, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận cụ ông Đào Văn Dễ, 103 tuổi, được gia đình đưa đến trong tình trạng lơ mơ, yếu nửa người phải và mất ngôn ngữ hoàn toàn.
Qua khai thác từ gia đình, các bác sỹ được biết vào khoảng 22h00 cùng ngày, sau khi xem xong trận bóng đá giữa Việt Nam và Thái Lan, gia đình thấy cụ lịm đi và tưởng rằng cụ chỉ buồn ngủ. Tuy nhiên, khi chạm vào người, gia đình phát hiện cụ ngã ra và lập tức gọi xe cứu thương đưa cụ từ Hưng Yên lên Bệnh viện Bạch Mai.
Sau khi khai thác bệnh sử và đánh giá lâm sàng, các bác sỹ nhận định đây là ca đột quỵ não cấp, khởi phát trong “giờ vàng”. Chế độ “fast track” được lập tức kích hoạt và bệnh nhân được xử trí cấp cứu ngay chụp MSCT mạch não để đánh giá nhu mô và mạch máu não.
Kết quả MSCT mạch não cho thấy, cụ Dễ bị nhồi máu não thùy đảo và trán trái, do tắc động mạch não lớn bên trái (động mạch não giữa đoạn M1 trái), với điểm ASPECT 8/10 (Điểm phim CT sớm trong Chương trình Đột quỵ Alberta để đánh giá nhu mô não do động mạch não giữa chi phối).
Bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nặng với vùng não tranh tối tranh sáng (vùng có thể cứu được). Đồng thời, bệnh nhân có nguy cơ diễn biến nặng do tắc mạch lớn ở bán cầu não ưu thế.
Các bác sỹ nhận thức được rằng mỗi phút trôi qua có thể làm chết 1,9 triệu tế bào não, vì vậy việc can thiệp tái thông mạch não càng sớm thì cơ hội cứu sống càng cao. Do đó, các bác sỹ của Trung tâm Đột quỵ đã hội chẩn với các chuyên gia của Trung tâm Điện quang để đưa ra phương án điều trị tối ưu.
TS.Đào Việt Phương chia sẻ, với các ca đột quỵ thông thường, việc áp dụng phác đồ tiêu huyết khối kết hợp với can thiệp mạch là điều không khó.
Việc áp dụng cả hai phương pháp này đối với cơ thể 103 tuổi là một thử thách vô cùng lớn. Bệnh nhân phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ tiềm ẩn, như nguy cơ tiêu huyết khối không hiệu quả do tắc ở đoạn mạch lớn, hoặc nguy cơ biến chứng chảy máu khi can thiệp mạch do mạch máu của người cao tuổi rất dễ vỡ.
Các bác sỹ cũng phải đối mặt với những thách thức khác như tiên lượng kém ở bệnh nhân 103 tuổi khi phải hồi sức sau can thiệp, khó khăn trong việc cai thở máy nếu có gây mê toàn thân và đặt nội khí quản trong quá trình can thiệp, nguy cơ nhiễm trùng, suy kiệt, loét…
Tuy nhiên, các bác sỹ nhận định nếu không can thiệp kịp thời, cụ ông sẽ đối diện nguy cơ diễn biến nhanh và để lại di chứng nặng nề. Chính vì vậy, các bác sỹ đã quyết định phối hợp hai phương pháp điều trị tái thông mạch: tiêu huyết khối và lấy huyết khối.
Sau 1 giờ can thiệp căng thẳng trong đêm giá lạnh, động mạch não giữa trái của cụ ông được tái thông hoàn toàn. Bệnh nhân cải thiện rất tốt, tỉnh táo hơn, cơ lực nửa người phải cải thiện lên 3/5. Chưa đầy 12 giờ sau can thiệp, cụ ông đã tỉnh táo hoàn toàn và vui vẻ trò chuyện với các bệnh nhân xung quanh và các nhân viên y tế.
Đặc biệt, cụ đã hào hứng khoe rằng có 5 người con, trong đó “ông bố và 4 con” đều là Đảng viên. Trường hợp của cụ Đào Văn Dễ là một trong những ca hiếm gặp và là ca nhồi máu não cao tuổi nhất tại Việt Nam được điều trị thành công bằng hai phương pháp tái tưới máu.
Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc điều trị đột quỵ cấp và các phương pháp điều trị tiên tiến, mang lại cơ hội sống cho những bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.
Cấp cứu xuất huyết tiêu hóa phát hiện 2 u ác đại tràng
Bà Hiền (68 tuổi, TP.HCM) nhập viện cấp cứu trong tình trạng đi ngoài ra máu tươi, đau thốn vùng hậu môn. Trước đó, bà thường xuyên đau quặn bụng, đi cầu phân dẹt và đen trong một thời gian khá dài. Do sợ nội soi, bà không đi khám, nhưng gần đây xuất huyết ra máu tươi nên gia đình đã đưa bà đi cấp cứu.
Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bà Hiền thiếu máu trầm trọng, hemoglobin chỉ ở mức 7.2 g/dl (hemoglobin bình thường ở phụ nữ dao động từ 13 – 18 g/dl).
Kết quả nội soi đại tràng không đau bằng hệ thống nội soi Olympus EVIS X1 CV – 1500 ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phát hiện hai khối u khá lớn nằm ở đại tràng ngang và đại tràng sigma. Trong đó, khối u ở đại tràng sigma có phản ứng viêm, dính tai vòi buồng trứng, dính phúc mạc vùng chậu, xâm lấn xung quanh và phần phụ buồng trứng trái.
Vị trí hai khối u cách nhau 32 cm, vùng lân cận xuất hiện vài ổ dịch. Thành phúc mạc thành bụng dày, có vài hạch cạnh tổn thương, hạch lớn nhất kích thước 10 x 7 mm. Phần phải và cạnh sau tử cung cũng có cấu trúc bất thường, bên trong có nhiều nốt, vài nốt vôi nhỏ kích thước hơn 5 cm.
Để đánh giá khối u có di căn hay không, bác sỹ chỉ định cho bà Hiền chụp cắt lớp vi tính (CT) vùng bụng. Kết quả cho thấy, thành đại tràng ngang dày không đồng đều (chỗ dày 16 mm, chỗ khác dày 35 mm), không rõ cấu trúc lớp, kèm thâm nhiễm mỡ xung quanh, một vài hạch tổn thương kích thước lớn 6 x 5 mm.
Đại tràng sigma cũng có cấu trúc bất thường, thành dày 15 mm, đoạn 40 mm, không rõ cấu trúc, kèm thâm nhiễm mỡ xung quanh. Mỡ thâm nhiễm xung quanh chứng tỏ có phản ứng viêm và dính mô xung quanh, khiến phẫu thuật sẽ khó khăn hơn.
Kết quả sinh thiết hai khối u cho thấy ung thư biểu mô tuyến xâm nhập biệt hóa, xâm lấn phần phụ buồng trứng trái. Người bệnh cần phẫu thuật ngay để ngăn bệnh tiến triển, gây ra các biến chứng nguy hiểm như tắc ruột, thủng ruột, áp xe quanh khối u, di căn.
Tuy nhiên, do người bệnh có bệnh lý tim mạch và đang dùng thuốc chống đông máu nên phải ngưng thuốc 1 tuần sau mới có thể phẫu thuật. Trước phẫu thuật, bà Hiền được truyền 2 đơn vị máu (500 ml) do tình trạng xuất huyết gây thiếu máu.
Trong quá trình phẫu thuật nội soi thám sát, bác sỹ nhận thấy bụng không có dịch, không có di căn gan hay phúc mạc, u đại tràng to xâm lấn buồng trứng trái.
Khối u đại tràng ngang kích thước khá to nhưng chưa xâm lấn xung quanh. Bác sỹ tiến hành cắt toàn bộ đại tràng, nạo hạch và nối hồi tràng – trực tràng. Quá trình phẫu thuật khó khăn vì u sigma to, dính nhiều kèm u xơ tử cung to gây hẹp phẫu trường.
Trường hợp này phải cắt toàn bộ đại tràng vì nếu chỉ cắt bỏ 2 khối u, bác sỹ sẽ phải cắt mạch máu, nạo hạch, làm phần ruột còn lại có thể không được cung cấp máu tốt. Hơn nữa, nếu không cắt toàn bộ đại tràng, bác sỹ sẽ phải thực hiện 2 miệng nối, nguy cơ xì rò cao. Do vậy, cắt toàn bộ đại tràng là giải pháp an toàn cho người bệnh.
Hậu phẫu, bà Hiền sức khỏe dần ổn định và có thể xuất viện sau 5 ngày. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy hai khối u đã xâm lấn thanh mạc, tế bào ung thư đã xâm lấn. Giải phẫu bệnh cũng cho thấy bà Hiền có 54 hạch, trong đó 6 hạch di căn, ung thư đại tràng giai đoạn 3A. Do đó, bệnh nhân cần điều trị tiếp với khoa Ung bướu.
Bác sỹ chuyên khoa 2 Nguyễn Quốc Thái, Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, cùng lúc mắc 2 u đại tràng là trường hợp khá ít gặp, chiếm khoảng 6 – 13%.
Bệnh nhân đã có triệu chứng bệnh trước đó nhưng trì hoãn thăm khám, khiến bệnh tiến triển và điều trị phức tạp. Cô phải cắt bỏ toàn bộ đại tràng, cắt buồng trứng trái và kết hợp với điều trị hóa trị bổ sung. Người bệnh đã được lấy hết tế bào ung thư, tiên lượng sống sót sau 5 năm khoảng 70%.
Ung thư đại tràng là một trong những bệnh ung thư có tiên lượng tốt, mức độ nguy hiểm thấp hơn các bệnh lý ung thư khác. Nếu điều trị kịp thời, tích cực ngay từ giai đoạn đầu có thể điều trị triệt căn.
Khi tiến vào giai đoạn muộn, ung thư đại tràng có thể di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể, gây ra những biến chứng nguy hiểm như tắc ruột, thủng ruột, chèn ép, gây đau đớn. Tiên lượng sống của bệnh nhân trong trường hợp này sẽ giảm đi rất nhiều và việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Mỗi người nên xây dựng lối sống khoa học, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, duy trì cân nặng hợp lý, tránh tình trạng thừa cân hoặc béo phì. Tuân thủ chế độ ăn nhiều chất xơ, tiêu thụ lượng chất đạm hợp lý; chế biến thức ăn khoa học.
Tập thể dục thể thao đều đặn, 2 – 3 lần/tuần. Mỗi người cần lắng nghe cơ thể, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Khi có dấu hiệu bất thường như táo bón, rối loạn tiêu hóa, đi cầu phân đen, sụt cân, đau bụng kéo dài thì cần chủ động đến chuyên khoa Tiêu hóa uy tín để khám tầm soát. Hiện nay, nội soi đường tiêu hóa được xem là “tiêu chuẩn vàng” giúp phát hiện và điều trị ung thư từ sớm.
Ung thư phổi: Tỷ lệ mắc cao, tỷ lệ tử vong lớn
Ung thư phổi hiện đang đứng thứ hai về tỷ lệ mắc và là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số các loại ung thư. Giống như các bệnh ung thư khác, khả năng sống của bệnh nhân và hiệu quả điều trị phụ thuộc rất lớn vào việc phát hiện bệnh sớm hay muộn.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa tổ chức Hội nghị cập nhật về chẩn đoán và điều trị ung thư phổi trong thực hành lâm sàng, với sự tham gia của các chuyên gia y tế.
Thông tin tại Hội nghị cho thấy ung thư phổi là bệnh lý ngày càng gia tăng tại Việt Nam, đứng thứ hai về tỷ lệ mắc, chỉ sau ung thư gan. Tỷ lệ tử vong do ung thư phổi ở Việt Nam cũng rất cao, khoảng 15-20 ca trên 100.000 dân. Theo thống kê từ tổ chức ung thư toàn cầu Globocan, mỗi năm tại Việt Nam ghi nhận gần 25.000 ca mắc ung thư phổi mới và khoảng 22.500 ca tử vong.
Tuy nhiên, chỉ có 25-30% bệnh nhân được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, điều này khiến cho hiệu quả điều trị thấp và chi phí điều trị tăng cao. Một điều đáng lo ngại là thời gian gần đây, nhiều cơ sở y tế ghi nhận ngày càng nhiều trường hợp người trẻ mắc ung thư phổi.
Do đó, khi có các dấu hiệu như ho kéo dài, đau tức ngực, khàn giọng kéo dài, thở khò khè, khó thở, cân nặng giảm bất thường… người dân cần chủ động đến các cơ sở y tế để được thăm khám, đặc biệt là những người có nguy cơ cao như hút thuốc lá hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh.
TS.Đào Văn Tú, Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K cho biết, trong 10 năm gần đây, nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư phổi đã được ghi nhận, đặc biệt trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC). Dù ở giai đoạn sớm, khoảng 80% bệnh nhân vẫn có nguy cơ tái phát trong vòng 2 năm sau phẫu thuật, với di căn xa là phổ biến hơn so với tái phát tại chỗ.
Vì vậy, chiến lược điều trị ung thư phổi giai đoạn sớm hiện nay không chỉ bao gồm phẫu thuật mà còn kết hợp với điều trị toàn thân, như hóa trị, xạ trị, và các phương pháp mới như điều trị miễn dịch và trúng đích. Khoảng 30-60% bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến gen EGFR, và 5% có đột biến gen ALK, điều này mở ra hướng điều trị mới đầy hứa hẹn.
PGS-TS.Lê Thanh Dũng, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, các yếu tố nguy cơ của ung thư phổi bao gồm hút thuốc lá, tiếp xúc với khói thuốc lá (hút thuốc thụ động), ô nhiễm môi trường, chế độ ăn uống không lành mạnh, và tuổi tác (tỷ lệ mắc ung thư phổi tăng theo độ tuổi). Đặc biệt, thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra khoảng 90% trường hợp ung thư phổi.
Người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 20 lần so với người không hút thuốc. Thêm vào đó, những người có yếu tố di truyền càng có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn nếu hút thuốc.
Để phát hiện ung thư phổi sớm, sàng lọc bằng CT liều thấp (LDCT) được khuyến nghị cho những người có nguy cơ cao. Hiệp hội Ung thư Mỹ đã đưa ra khuyến nghị sàng lọc ung thư phổi bằng LDCT cho những người từ 50-80 tuổi, có tiền sử hút thuốc ít nhất 20 bao thuốc/năm, và không có tiền sử ung thư phổi.
PGS-TS.Lê Thanh Dũng cho biết, CT liều thấp có thể phát hiện các nốt đơn độc trong phổi, kích thước dưới 3 cm. Các nốt này có thể là lành tính hoặc ác tính. Ước tính có khoảng 20-30% ung thư phổi xuất hiện dưới dạng nốt đơn độc, trong đó 1/3 sẽ trở thành ác tính. Chụp CT liều thấp là phương pháp hiệu quả trong sàng lọc ung thư phổi và có thể thực hiện nhiều lần mà không gây nguy hiểm do nhiễm xạ.
Ung thư phổi giai đoạn sớm thường không có triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng sau: ho (ho khan, ho có đờm, hoặc ho có máu), đau tức ngực, khó thở, khàn giọng, giảm cân nhanh, đau mỏi cơ thể. Phù mặt, cổ, ngực có thể xuất hiện khi tĩnh mạch lớn trong lồng ngực bị chèn ép.
Nếu khối u ở đỉnh phổi, có thể gây đau ở tay, vai, và cổ. Khi ung thư phổi di căn đến các cơ quan khác như xương, gan, não, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như đau xương (do di căn xương), đau tức bụng (do di căn gan), đau đầu, lú lẫn, yếu tay chân (do di căn não).
Mặc dù những triệu chứng trên có thể do nhiều bệnh lý khác gây ra, nhưng khi xuất hiện các dấu hiệu này, bệnh nhân cần đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được phát hiện và điều trị kịp thời.
Còn theo TS.Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, một trong những yếu tố quyết định quan trọng đối với kết quả điều trị và tỷ lệ sống của bệnh nhân ung thư phổi chính là việc phát hiện bệnh sớm.
“Mục tiêu của chúng ta là phát hiện bệnh càng sớm càng tốt. Các buổi sinh hoạt khoa học như thế này giúp chúng ta xem lại những tiến bộ trong chẩn đoán và áp dụng vào thực tế lâm sàng, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị,” TS.Hùng chia sẻ.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-111-ky-tich-cuu-song-cu-ong-103-bi-dot-quy-d240249.html