Giải phóng Thủ đô là sự kiện trọng đại, đánh dấu sự kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, hy sinh nhưng oanh liệt và vẻ vang của nhân dân Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung.
16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính thực dân cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân và dân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố.
Ngày 10/10/1954, hàng vạn người dân Hà Nội vỡ òa trong niềm vui đón đoàn quân chiến thắng trở về, giải phóng Thủ đô.
Ngày 10/10 đã trở thành biểu tượng của Thủ đô “ca khúc khải hoàn.” Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu sự kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, hy sinh nhưng oanh liệt và vẻ vang của nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Bền bỉ, anh dũng kháng chiến
Với vị trí đặc biệt quan trọng, lịch sử của Thăng Long-Hà Nội luôn gắn liền với lịch sử dân tộc, được xây dựng và bảo vệ bằng mồ hôi, xương máu của toàn dân.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, đối mặt với biết bao kẻ thù, mảnh đất ấy không chịu khuất phục, nhất tề “vùng đứng lên” chiến đấu và chiến thắng. Mảnh đất hào hùng ấy đã hun đúc và hình thành nên văn hóa người Hà Nội.
Từ giữa thế kỷ 19, Hà Nội đã cùng cả nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong gần một thế kỷ, dưới ách áp bức bóc lột của chế độ thực dân phong kiến, Hà Nội vừa là cái nôi, vừa là chứng nhân của biết bao phong trào yêu nước và cách mạng.
Tổ chức đầu tiên của Hội Thanh niên Cách mạng, Chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập chính là ở Hà Nội.
Nhiều cao trào cách mạng và khởi nghĩa đều bắt đầu từ Hà Nội.
Ngày 19/8/1945, Cách mạng tháng Tám đã giành thắng lợi trọn vẹn ở Hà Nội, nhanh chóng lan tỏa đi khắp nơi, cổ vũ và thúc đẩy mạnh mẽ nhân dân cả nước nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta.
Thế nhưng chưa đầy một tháng sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, thực dân Pháp với dã tâm cướp nước ta một lần nữa đã gây hấn và phát động chiến tranh ra cả nước.
Đáp lại lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ,” Hà Nội đã “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh.”
Quân và dân Hà Nội đã chiến đấu rất kiên cường và quả cảm, biến mỗi góc phố, mỗi căn nhà thành một pháo đài, mỗi người dân thành một chiến sỹ, bám trụ, quần nhau với giặc trong suốt 60 ngày đêm khói lửa.
Nhiều đội cảm tử quân được thành lập, “Trung đoàn Thủ đô” ra đời. Hàng nghìn người con của Liên khu 1 đã anh dũng chiến đấu, nhiều người đã ngã xuống để bảo vệ Thủ đô, để kìm chân, làm tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện cho các lực lượng kháng chiến rút về căn cứ an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Trung ương giao.
Thắng lợi tại Mặt trận Hà Nội có tác dụng quan trọng cổ vũ tinh thần, khí thế quân và dân các chiến trường toàn quốc và tạo điều kiện thuận lợi để cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp một cách chủ động. Đây cũng chính là thắng lợi đầu tiên, mở đầu cho các thắng lợi trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta sau này.
Chín năm sau đó, quân, dân Hà Nội cùng đồng bào cả nước đã chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo trên các mặt trận, các lĩnh vực; đặc biệt là chiến thắng trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ năm 1954, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva (ngày 20/7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia và phải rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.
Ngày 20/7/1954, Hội nghị Geneva kết thúc, đồng nghĩa với việc thực dân Pháp phải rút hết quân khỏi Đông Dương.
Mặc dù vậy, Hà Nội vẫn còn nằm trong khu vực tập kết của quân đội Pháp trong 80 ngày.
Lợi dụng thời gian này, quân Pháp ráo riết tổ chức các hoạt động phá hoại Thủ đô về mọi mặt.
Trước tình hình mới, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã dựa vào dân, chủ trương lãnh đạo nhân dân Thủ đô đoàn kết đấu tranh đòi thi hành Hiệp định, bảo vệ thành phố, bảo vệ xí nghiệp, công sở, tính mạng, tài sản của nhân dân, bảo vệ quyền lợi của công nhân, viên chức, chống địch phá hoại; đồng thời, đẩy mạnh phát triển lực lượng cách mạng trong thành phố, phối hợp với các lực lượng từ chiến khu trở về tiếp quản Thủ đô.
Trước sức mạnh đấu tranh của quân và dân Hà Nội, cuối tháng 9/1954, Bộ Chỉ huy quân chiếm đóng Pháp chấp nhận rút khỏi thành phố đúng thời hạn.
Ngày 8/10/1954, Ban Tiếp nhận Quân sự của ta triển khai ở 6 khu vực nội thành và huyện Gia Lâm, tiếp nhận bàn giao cơ quan và các vị trí quân sự.
Bộ đội ta tiến vào Đê La Thành, Vĩnh Tuy, Ngã Tư Sở, Cầu Giấy, Nhật Tân và bố trí canh gác cùng lính Pháp ở những vị trí cần thiết.
Lực lượng tự vệ nhà máy cùng nhiều công nhân đến canh gác bảo vệ các nhà máy, xí nghiệp của mình.
Trên các đường phố, cờ đỏ sao vàng, cổng chào và khẩu hiệu xuất hiện, hoan nghênh bộ đội và chính quyền cách mạng trở về Thủ đô.
Địch rút đến đâu, ta tiếp quản đến đó. Ðúng 16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính thực dân Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân và dân ta hoàn toàn làm chủ thành phố.
Ngày về chiến thắng
Sáng 10/10/1954, Đại đoàn 308, dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô, tiến vào nội thành Hà Nội.
Từ sáng sớm nhân dân Thủ đô đã tưng bừng mang theo cờ, hoa, ảnh Bác Hồ ra khắp các ngả đường chào đón bộ đội hành quân vào tiếp quản Thủ đô.
Đúng 8 giờ sáng, cánh quân phía Tây xuất phát từ Quần Ngựa (nay là Cung Thể thao Hà Nội, phố Quần Ngựa). Đó là những chiến sỹ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, mang trên ngực huy hiệu “Chiến sỹ Điện Biên Phủ,” trở về với thành phố quê hương – nơi sinh ra Trung đoàn.
Đoàn đi qua Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang… đến 9 giờ 45 phút tiến vào Cửa Đông.
Khoảng 8 giờ 45 phút, cánh quân phía Nam thuộc hai Trung đoàn 88 và 36 xuất phát từ Việt Nam Học xá (nay thuộc Đại học Bách khoa) đi qua Bạch Mai, phố Huế, vòng quanh Hồ Gươm rồi vòng lại vào đóng ở khu vực Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Quân y 108) và khu Đấu Xảo (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị).
Riêng Đoàn Chỉ huy tiếp quản, gồm cơ giới, pháo binh, do Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu, lúc 9 giờ 30 phút từ sân bay Bạch Mai đến Ngã Tư Vọng sang Ngã tư Trung Hiền rồi theo đường Bạch Mai lên phố Huế, Hàng Bài, Đồng Xuân, vào Cửa Bắc.
Các đơn vị bộ đội ta đi đến đâu, gương mặt thành phố biến đổi đến đó.
Cờ Tổ quốc tung bay dưới nắng Thu. Nhân dân ùa ra hai bên đường, phất cờ, tung mũ, reo mừng, ca hát, tặng hoa bộ đội.
Cổng chào, băngrôn, khẩu hiệu rực rỡ các đường phố, cờ đỏ sao vàng phấp phới trên các số nhà.
15 giờ, còi trên nóc Nhà hát Thành phố nổi lên một hồi dài. Hàng trăm nghìn người dân Hà Nội dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ với sự tham gia của các đơn vị quân đội.
Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân Ngày Giải phóng.
Trong Lời kêu gọi, Bác viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể!”
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn.
Nhưng Bác cũng khẳng định: “Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh.”
Tất cả mọi người đều rưng rưng xúc động. Ngày 10/10/1954 đã trở thành một dấu ấn thật khó quên!
Cuộc tiếp quản Thủ đô đã hoàn thành tốt đẹp do Trung ương Đảng lãnh đạo chặt chẽ; Đảng ủy tiếp quản có kế hoạch chuẩn bị chu đáo; cán bộ làm nhiệm vụ tiếp quản giữ nghiêm kỷ luật.
Ta đã tiếp quản tuyệt đối an toàn và thu nhận gọn toàn bộ các vị trí quân sự của địch ở Hà Nội, trong đó có Sân bay Bạch Mai, Sân bay Gia Lâm…
Sinh hoạt của người dân vẫn giữ được bình thường không bị gián đoạn. Các ngành lợi ích công cộng như điện, nước… vẫn hoạt động đều.
Các cơ sở y tế, văn hóa, giáo dục vẫn làm việc. Giao thông liên lạc trong thành phố, giữa Hà Nội và các tỉnh được giữ vững và thông suốt…
Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo nhân dân nhanh chóng ổn định tình hình, bắt tay vào khôi phục và cải tạo thành phố.
Chỉ hơn một tháng sau giải phóng, thành phố đã thông qua kế hoạch phục hồi công thương nghiệp và một năm sau đã hoàn thành cải cách ruộng đất, một nhiệm vụ chiến lược cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ…
Mỗi dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô, nghe lại bài hát “Tiến về Hà Nội” của nhạc sỹ Văn Cao, câu hát “Chúng ta đem vinh quang, sức dân tộc trở về” càng khiến người nghe thấm thía.
“Sức dân tộc” ấy chính là sức mạnh của lòng yêu nước, của ý chí quyết chiến, quyết thắng, của ý chí “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” như tượng đài của tinh thần yêu nước và khí phách người Hà Nội.
Đấy có lẽ chính là ý nghĩa lịch sử cốt lõi nhất, bao trùm nhất trong cuộc đấu tranh chúng ta đã giành thắng lợi và trở về trong niềm vinh quang bất tận.
Tinh thần của ngày tiếp quản Thủ đô không chỉ dừng lại ở ngày 10/10/1954, mà mãi về sau vẫn được nhân lên và tiếp nối.
Để từ đó đến nay, dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng Hà Nội vẫn vươn lên mạnh mẽ để luôn xứng đáng vai trò là Thủ đô – trung tâm lớn về hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước./.