Chiều nay (5/8), ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức buổi họp báo Chính phủ để thông tin tới các cơ quan báo chí về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2023 cùng các vấn đề dư luận xã hội quan tâm.
Phát biểu tại Họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, mặc dù có những cơ hội, thuận lợi, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; nền kinh tế chịu “tác động kép” từ các yếu tố hạn chế, bất lợi từ cả bên trong và bên ngoài. Mặc dù vậy, kinh tế Việt Nam 7 tháng qua vẫn tiếp tục duy trì ổn định, phát triển với nhiều điểm sáng, tháng 7 tốt hơn so tháng 6 và cùng kỳ trên nhiều lĩnh vực.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Lạm phát tiếp tục xu hướng giảm dần; chỉ số CPI bình quân 7 tháng tăng 3,12%. Thu NSNN 7 tháng đạt trên 1 triệu tỷ đồng, bằng 62,7% dự toán. Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại; trong 7 tháng xuất khẩu đạt 195,4 tỷ USD, nhập khẩu đạt 178,9 tỷ USD; xuất siêu 16,5 tỷ USD. Đáng chú ý, nông nghiệp tiếp tục có nhiều điểm sáng; xuất khẩu gạo 7 tháng tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá.
Công nghiệp tiếp đà phục hồi; thương mại, dịch vụ tăng trưởng tốt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng; vốn đầu tư đạt kết quả tích cực. Tổng vốn FDI 7 tháng đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý, trong đó nổi lên là: Ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, lạm phát có xu hướng giảm nhưng vẫn chịu nhiều sức ép; Thu NSNN 7 tháng giảm so cùng kỳ; tỉ lệ nợ xấu nội bảng cao, hấp thụ vốn yếu, tiếp cận vốn còn khó khăn; tăng trưởng tín dụng thấp.
Điều hành chính sách tiền tệ khó khăn trong bối cảnh nhiều nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ; Khu vực DN tiếp tục gặp khó khăn, nhất là về khả năng tiếp cận vốn, đơn hàng sụt giảm; Cầu trên các thị trường lớn, truyền thống suy giảm; Công nghiệp tiếp tục phục hồi nhưng chậm…
Trọng tâm chỉ đạo điều hành
Bộ trưởng Trần Văn Sơn nhấn mạnh, cần ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát… Trong đó lưu ý: Đảm bảo và cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỉ giá. Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, nhất là 3 động lực tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.
Chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, tiếp tục có những giải pháp phù hợp, hạ lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ, tăng tín dụng và tăng cung tiền phù hợp. Chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, tiếp tục giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, đẩy nhanh hoàn thuế, đầu tư công. Đảm bảo an ninh tiền tệ, tài chính quốc gia. Rút ngắn quy trình, thủ tục, xây dựng thể chế cũng như các văn bản quy định pháp luật.
Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
Người phát ngôn của Chính phủ nêu rõ: Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành địa phương Tập trung tháo gỡ khó khăn cho SXKD, ưu tiên hơn cho thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Chú trọng xử lý kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan, người dân, DN. Đẩy mạnh triển khai các Nghị quyết phát triển vùng, hoạt động của Hội đồng điều phối vùng. Phát huy vai trò 26 tổ công tác của Chính phủ.
Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, cơ quan tiếp tục chủ động, tích cực rà soát các kiến nghị của địa phương, phối hợp để trả lời kịp thời; đặc biệt là tập trung về nhà ở xã hội, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Trần Văn Sơn nói.