Đất đai là một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, đóng vai trò quan trọng trong đời sống, sản xuất, và phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khi toàn tỉnh đang tập trung thực hiện Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Ngày 29/7/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1605/QĐ-UBND về việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất trong Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) tỉnh Hưng Yên cho cấp huyện (viết tắt Quyết định số 1605). Đây là một bước tiến quan trọng trong việc cụ thể hóa các chỉ tiêu sử dụng đất, bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán với quy hoạch tổng thể của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Đức Kiền, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan để rà soát, điều chỉnh và thẩm định kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030. Việc điều chỉnh, hoàn thiện kế hoạch sử dụng đất theo Quy hoạch tỉnh không chỉ đáp ứng yêu cầu chung mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án phát triển kinh tế – xã hội gắn với khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, bảo vệ nguồn tài nguyên đất đai.
Theo Quyết định số 1605, trong giai đoạn 2021-2025, diện tích đất nông nghiệp của tỉnh dự kiến là gần 51,4 nghìn héc-ta và giảm xuống còn hơn 44,4 nghìn héc-ta vào năm 2030. Trong khi đó, diện tích đất phi nông nghiệp tăng từ 41,5 nghìn héc-ta lên hơn 48,5 nghìn héc-ta vào năm 2030. Đây là sự điều chỉnh cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và hạ tầng cấp quốc gia, cấp tỉnh.
Trong năm 2024, công tác lập và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của các huyện, thị xã, thành phố đã được thực hiện sớm hơn gần 2 tháng so với những năm trước. Đến cuối tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của 10 huyện, thị xã, thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, sử dụng đất và thu hút đầu tư. Kế hoạch này gồm các chỉ tiêu chính như diện tích các loại đất phân bổ theo năm kế hoạch, kế hoạch thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng.
Những năm qua, thành phố Hưng Yên đã chú trọng rà soát, nghiên cứu, tổng hợp nhu cầu sử dụng đất, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch đã được phê duyệt. Chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch 5 năm (2021-2025) đã có những điều chỉnh hợp lý, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của thành phố và tỉnh. Chỉ tiêu đất nông nghiệp của thành phố giảm từ hơn 3,7 nghìn héc-ta xuống còn gần 2,5 nghìn héc-ta vào năm 2030, trong khi chỉ tiêu đất phi nông nghiệp tăng từ gần 3,6 nghìn héc-ta lên hơn 4,9 nghìn héc-ta. Điều này cho thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu sử dụng đất, từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Để bảo đảm việc khai thác và sử dụng đất đai hiệu quả, công tác quản lý, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là vô cùng quan trọng. Sở TN&MT đã chủ động theo dõi, cập nhật biến động, đánh giá kết quả thực hiện và kiểm tra việc triển khai các dự án sử dụng đất; đồng thời tổng hợp, báo cáo và đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh linh hoạt chỉ tiêu giữa các huyện, thị xã, thành phố để bảo đảm hiệu quả sử dụng đất cao nhất.
Một trong những ví dụ tiêu biểu là việc triển khai các dự án thu hồi đất theo Nghị quyết số 436/NQ-HĐND ngày 7/12/2023 của HĐND tỉnh về danh mục dự án cần thu hồi đất năm 2024. Theo đó, có 1.080 dự án cần thu hồi đất với tổng diện tích 4.770,68 héc-ta, bao gồm 946 dự án chuyển tiếp và 134 dự án mới. Trong 7 tháng năm 2024, UBND tỉnh đã cấp 144 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho 23 tổ chức, với diện tích hơn 2,1 triệu m2. Sở TN&MT đã ký hợp đồng cho thuê đất với 65 đơn vị, tổ chức và bàn giao đất cho 51 tổ chức, đơn vị được UBND tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất. Nhờ đó, nhiều dự án, công trình quan trọng đã được triển khai, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn, thách thức. Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại một số địa phương còn chậm, công tác quản lý nhà nước về đất đai ở một số nơi chưa chặt chẽ. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp và mỗi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Trong đó, cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu trong việc giao đất, cho thuê đất và quản lý sử dụng đất đúng quy định của pháp luật. Thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục rà soát, tổng hợp nhu cầu sử dụng đất của tỉnh cho từng giai đoạn, từng năm làm căn cứ xây dựng phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, bảo đảm tính công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục về đất đai. Việc khai thác và sử dụng tốt nguồn lực đất đai theo quy hoạch không chỉ là nhiệm vụ mà còn là cơ hội để tỉnh bứt phá, phát triển mạnh mẽ, bền vững.
Vi Ngoan
Nguồn: https://baohungyen.vn/khai-thac-su-dung-hieu-qua-nguon-luc-dat-dai-3175014.html