Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu bật những thành tựu chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí từ khâu quản trị tòa soạn, quy trình sáng tạo tác phẩm, phân phối sản phẩm, thấu hiểu công chúng, tăng cường tương tác… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hoạt động chuyển đổi số, các cơ quan báo chí có những bước đi khác nhau, có thời cơ nhưng cũng gặp không ít thách thức.
Việc nhận thức đầy đủ tính cấp thiết của chuyển đổi số báo chí và xác định cách tiếp cận phù hợp, hoạch định đường lối đúng đắn sẽ giúp các cơ quan báo chí có bước đi đúng hướng, để báo chí ngày càng thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình.
Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ, làm rõ hơn những cơ hội mà báo chí có được khi đẩy mạnh chuyển đổi số; những nội dung về khai thác công nghệ số trong thực hiện chuyển đổi số báo chí; ưu điểm, thách thức và cơ hội của báo chí trong chuyển đổi số; sự tăng trưởng của báo chí trực tuyến; ứng dụng công nghệ AI, Blockchain, VR/AR; bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư; chính sách và pháp luật trong báo chí số; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng chuyển đổi số…
Phát biểu kết luận hội thảo, Nhà báo Lê Công Tuấn, Tổng Biên tập Báo Hưng Yên, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh nhấn mạnh, với nhiều góc tiếp cận khác nhau, các ý kiến của các đại biểu đã tập trung phân tích, luận giải, làm rõ những vấn đề cơ bản về chuyển đổi số báo chí trong tình hình hiện nay. Hội thảo sẽ giúp các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố có thêm các tham vấn của các chuyên gia, nhà quản lý trong quá trình thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực báo chí, xuất bản; gợi mở những tư duy mới về phương hướng, chiến lược phát triển cho báo chí theo hướng chuyên nghiệp, làm chủ công nghệ truyền thông hiện đại; tiếp cận nhanh và đưa các sản phẩm báo chí lên các hạ tầng, nền tảng số; từng bước tạo ra các sản phẩm báo chí ngày càng có chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công chúng, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác báo chí, công tác tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.