Tủ sách văn học dân gian dành cho thiếu nhi là món quà mới nhất mà Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam dành tặng cho độc giả nhí mùa hè này, với mong muốn giúp các em tiếp cận kho tàng tri thức dân gian thông qua các loại hình văn học dân gian như đồng dao, câu đố, truyện cổ tích…
Bộ sách gồm “Truyện tranh cổ tích Việt Nam” (12 cuốn), “Câu đố dân gian” (2 cuốn) và “Đồng dao cho bé” (2 cuốn)…
Đại diện Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cho biết, bên cạnh phát triển thể chất và tinh thần, việc giúp trẻ phát triển ngôn ngữ cũng đặc biệt quan trọng. Khi có được vốn từ tốt, trẻ sẽ có khả năng diễn đạt tốt hơn và điều này giúp ích nhiều cho quá trình học văn về sau. Để có vốn từ phong phú, ngoài quá trình giao tiếp, trẻ cần đọc nhiều sách văn học, trong đó có văn học dân gian. Đó chính là lý do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam quyết định xuất bản bộ sách này với hy vọng các độc giả nhí vừa mở rộng được vốn từ vựng, vừa có được nguồn sách tư liệu để hiểu hơn về văn hóa dân gian.
Tủ sách với đối tượng chủ yếu là thiếu nhi, nhưng thực ra lại rất phong phú. Ở độ tuổi nào, bạn đọc cũng có thể sử dụng bộ sách. Bố mẹ, anh chị đọc cho trẻ, hoặc các bé đọc cùng nhau, chơi cùng nhau.
Chia sẻ về bộ sách, biên tập viên Nghiêm Thùy Dung cho biết, bộ sách được làm lại nhưng với tinh thần tương đối tươi mới cả về hướng biên soạn, lựa chọn dị bản, lẫn cách minh họa hoặc cách tích hợp các hoạt động đọc phù hợp với lứa tuổi.
“Khi thực hiện bộ đôi sách “Câu đố dân gian”, chúng tôi đã nhóm thành 2 chủ đề Động vật và Thực vật, Đồ vật và Phương tiện giao thông nhằm giúp trẻ dễ dàng hệ thống các hình ảnh, từ vựng. Chúng tôi cũng thử nghiệm đưa vào một số từ mới tiếng Anh, hy vọng những bạn nhỏ bước đầu được làm quen với “mặt chữ” – bởi lẽ tuổi 3-6 là giai đoạn tiếp nạp ngôn ngữ rất hiệu quả”, biên tập viên Nghiêm Thùy Dung cho biết.
Còn bộ “Đồng dao cho bé”, biên tập viên cho biết, bộ sách hướng tới 2 mục đích: phát triển tư duy ngôn ngữ, cảm xúc và phát triển kỹ năng vận động, làm việc nhóm, do kho tàng đồng dao Việt Nam vô cùng thích hợp đưa vào giờ học đọc, học hát, lúc vui chơi tập thể! Còn bộ “Truyện tranh cổ tích Việt Nam” phù hợp với trẻ lớn hơn một chút, biết đọc, biết viết, bắt đầu hình thành quan niệm vững hơn về thiện-ác, sự bất công hay lẽ công bằng.
Với “Truyện tranh cổ tích Việt Nam”, trẻ sẽ làm quen với cách kể chuyện có mở đầu và kết thúc, cách dẫn dắt câu chuyện sao cho phù hợp. Trẻ sẽ biết được nhiều nhân vật với tính cách nhút nhát-dũng cảm, thiện-ác và học được nhiều bài học bổ ích.
Những câu chuyện trong bộ truyện tranh này được Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam lựa chọn nội dung từ nguồn đáng tin cậy, kết hợp với sự đóng góp, tư vấn của nhà nghiên cứu (chẳng hạn ấn phẩm “Đồng dao cho bé: Em học em chơi” và “Thiên nhiên quanh em” do nhà nghiên cứu văn học Đoàn Ánh Dương biên soạn), vì thế tính giáo dục, bố cục về lượng từ, thời lượng hoạt động tương tác… đều bảo đảm, phù hợp khi đưa vào trường học, thư viện.
Biên tập viên Nghiêm Thùy Dung cho biết, từ khi lên ý tưởng cho đến khi ra mắt, ê-kíp làm sách đã mất khoảng 3 năm để thực hiện cho thật chỉn chu. “Văn học dân gian là một mạch nguồn dồi dào, sẵn có, vì thế chúng tôi không mất thời gian lên ý tưởng. Vấn đề đặt ra với nhóm biên tập là cách làm. Chúng tôi không chọn con đường có phần sơ sài – sử dụng văn bản chia sẻ trên mạng hoặc những hình ảnh từ nguồn mở, dù như vậy thì đẩy nhanh tốc độ ra sách” – chị chia sẻ.
Về phần lời, nhóm thực hiện đặt tác giả biên soạn lại dựa trên cốt truyện cổ tích xưa, có cải biên lại vài chi tiết, như Tấm lừa Cám dội nước sôi vào để da trắng hơn, sau đó Tấm muối Cám mang về mời dì ghẻ ăn – Tấm Cám. “Sở dĩ chúng tôi chọn lược bỏ chi tiết này vì đối tượng hướng đến trước tiên là trẻ nhỏ, dạy trẻ hướng thiện, yêu thương mọi người, cho nên chi tiết này không phù hợp với tiêu chí mà Nhà xuất bản hướng tới. Vì vậy, chúng tôi tiến hành cải biên lại nhưng vẫn giữ nguyên cốt truyện. Ngoài việc dựa vào ý kiến của nhà nghiên cứu, chúng tôi còn cố gắng tra cứu, đối chiếu một vài dị bản tại Thư viện Quốc Gia Việt Nam, nhờ đó lựa chọn, biên soạn nội dung thực phù hợp với lứa tuổi (thí dụ một bản truyện Tấm Cám ít phổ biến hơn nhưng dễ được đón nhận hơn)” – chị Thúy cho biết.
Việc lựa chọn minh họa sách theo hướng nào cũng là một bài toán đối với nhóm làm sách. Phải tìm họa sĩ minh họa phù hợp với nội dung sách dân gian mà vẫn có nét tươi sáng trẻ trung, hợp với phong cách truyện thiếu nhi. Không những vậy, minh họa phải có nét riêng, không bị lẫn vào những mảng sách dân gian đã ra được xuất bản trước đó.
“Những yêu cầu này khiến chúng tôi tìm họa sĩ khá khó khăn, bởi được yếu tố này lại mất yếu tố khác. Tuy nhiên cuối cùng chúng tôi cũng gặp được những cộng tác viên minh họa nhiệt tình, sáng tạo để rồi những “đứa con tinh thần” cứ nối nhau chào đời và giờ đây, chúng tôi có thể giới thiệu bộ sách này cùng bạn đọc cả nước” – biên tập viên kể lại.
Những bức tranh minh họa cũng được cân nhắc: Tranh đôi, tranh đơn hay những hình trang trí nhỏ xinh thôi, để sao cho không vượt quá chi phí sản xuất dự tính, giữ giá bán trong tầm vừa phải. Và bộ sách đã mang một diện mạo trẻ trung, tươi mới với sự tham gia của các họa sĩ minh họa, từ người đã thành danh như Kim Duẩn, có kinh nghiệm về phong cách dân gian như Nguyễn Ngọc Thủy, hay họa sĩ trẻ như Bích Ngọc. Phần tranh minh họa đều được các họa sĩ đầu tư, thực hiện tỉ mỉ, với màu sắc sinh động, phong phú.
Mảng sách thiếu nhi xưa nay luôn được các đơn vị xuất bản quan tâm, nhưng lâu nay phần lớn là khai thác các dòng sách kiến thức, kỹ năng mua bản quyền từ nước ngoài. Mảng văn học trong nước, trong đó có văn học dân gian chưa được khai thác nhiều, nếu có cũng chưa có nhiều sáng tạo để tăng độ hấp dẫn đối với bạn đọc ở lứa tuổi thiếu nhi còn chịu nhiều ảnh hưởng từ các loại hình giải trí công nghiệp khác.
Với Tủ sách dân gian dành cho thiếu nhi, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam mong muốn không chỉ giúp các em nhỏ tiếp cận kho tàng tri thức dân gian của cha ông để lại, mà còn góp phần mở rộng việc đưa sách tới trẻ em nhiều vùng trong cả nước, đặc biệt là trẻ em vùng sâu, vùng xa.
Báo nhân dân