Thời gian qua, nhiều hộ trồng nhãn tại xã Tiền Phong (Ân Thi) chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường, mạnh dạn áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật trong canh tác, điển hình là phương pháp ghép cải tạo giống nhãn siêu ngọt. Nhờ đó, sản phẩm nhãn quả tươi đạt chất lượng cao, có đầu ra thuận lợi, bán được giá, mang lại thu nhập ổn định cho người sản xuất.
Gia đình ông Nguyễn Văn Lẫm ở thôn Bình Xá là hộ đã gắn bó với cây nhãn Miền Thiết được hơn 10 năm. Tuy nhiên, đến đầu năm 2020, ông quyết định ghép cải tạo vườn nhãn có diện tích 0,6ha của gia đình sang giống nhãn siêu ngọt. Theo đó, ông cho cưa toàn bộ ngọn cây nhãn Miền Thiết, chờ cây lên cành rồi mua mắt giống nhãn siêu ngọt từ cây đầu dòng tại huyện Khoái Châu và thuê thợ ghép. Công đoạn này được thực hiện vào thời gian từ tháng 4 đến tháng 8, thời tiết thuận lợi cho cành ghép khả năng sống cao và mầm nhãn phát triển khỏe.
Chỉ sau 2 năm thực hiện việc ghép cải tạo, nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn nhãn gốc Miền Thiết, ngọn siêu ngọt của gia đình ông Lẫm cho bói quả được 3 tấn, giá bán đạt 30.000 – 40.000 đồng/kg, thu về khoảng 100 triệu đồng. Từ năm thứ 3 sau khi ghép, vườn nhãn cho thu hoạch với năng suất ổn định hơn, mang lại hiệu quả cao gấp 2 – 3 lần so với giống nhãn cũ. Ông Lẫm cho biết: Nhãn siêu ngọt thường được khách hàng chọn mua làm quà biếu nên giá bán cao hơn các loại thông thường như Miền Thiết hay Hương Chi. Ngoài ra, cây phát triển khỏe, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, không bị mất mùa cách năm, chất lượng cùi giòn và ngọt sắc, thời vụ thu hoạch vào trà muộn và kéo dài khoảng 1 tháng nên ít bị áp lực về tiêu thụ, giá cả.
Ở xã Tiền Phong, còn nhiều hộ dân khác đã thực hiện thành công cách làm này. Điển hình như tại Hợp tác xã Nhãn lồng Bảo Tiến, thôn Bình Lăng. Ông Nguyễn Ngọc Hân, Giám đốc hợp tác xã cho biết: Hợp tác xã có 20 hộ thành viên sản xuất trên diện tích 15ha nhãn đạt tiêu chuẩn VietGAP. Không chỉ chú trọng sản xuất nhãn sạch, những năm qua, các hộ thành viên luôn quan tâm, nghiên cứu nâng cao chất lượng quả nhãn bằng các biện pháp như ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật; tìm hiểu, phát triển những giống nhãn đặc sản có giá trị kinh tế cao phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương. Đến nay, diện tích nhãn siêu ngọt đạt khoảng 80%, phần lớn được các hộ thành viên cải tạo bằng phương pháp ghép mắt thay thế diện tích nhãn Miền Thiết.
Theo chia sẻ của các hộ trồng nhãn tại địa phương, nếu như trồng mới thì phải mất từ 4 năm cây nhãn mới cho thu hoạch, còn ghép cải tạo lên gốc cây có sẵn sẽ rút ngắn thời gian, cây nhanh ra hoa quả, đạt năng suất cao nhờ bộ tán phát triển nhanh và cây gốc ghép có bộ rễ khoẻ.
Về lý do chọn giống nhãn siêu ngọt, chị Vũ Thị Thoan, hộ dân ở thôn Bình Xá cho biết: Giống nhãn này không chỉ có chất lượng thơm ngon mà còn rất “ngoan”, mắt ghép có thể tương thích với nhiều giống nhãn khác, nếu chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật thì sau 2 đến 3 năm có thể cho thu hoạch và cho năng suất ổn định những năm tiếp theo. Chỉ cần lựa chọn cây gốc có tuổi 7 – 8 năm để tiến hành ghép mắt thì cây ghép sẽ phát triển ổn định và chất lượng quả ngon.
Mô hình ghép nhãn siêu ngọt trên cây gốc Miền Thiết tại xã Tiền Phong được một số hộ dân triển khai thực hiện 6 – 7 năm trước. Nhận thấy hiệu quả mang lại, nhiều chủ vườn cải tạo, thay thế vườn nhãn tạp, cây già cỗi cho năng suất, chất lượng thấp.
Ông Phan Văn Đàm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiền Phong cho biết: Những năm gần đây, nắm bắt nhu cầu của thị trường, các hộ trồng nhãn có kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất chuyển hướng sang trồng các giống nhãn đặc sản, trong đó phương pháp ghép nhãn siêu ngọt trên gốc cây nhãn Miền Thiết được nhiều hộ áp dụng. Hiện nay, toàn xã có trên 80ha trồng nhãn các loại, trong đó diện tích nhãn siêu ngọt đạt khoảng 80%. Qua theo dõi đánh giá, tại các mô hình ghép cải tạo vườn nhãn đạt kết quả rất tốt, cây ghép nhanh cho thu hoạch, cung cấp ra thị trường sản phẩm quả nhãn chín muộn có chất lượng, đầu ra thuận lợi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình ghép cải tạo nhãn tại xã Tiền Phong không chỉ giúp các hộ dân nhận thức việc thay thế giống nhãn kém hiệu quả sang giống nhãn có giá trị kinh tế là rất cần thiết, từ đó góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên.
Dương Miền