Trong những ngày mùa Thu lịch sử, kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, chúng tôi có dịp đến thăm Bến Nhà Rồng, nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với tên gọi Văn Ba, khi ấy mới 21 tuổi đã xuống tàu Amiral Latouche Tréville ra đi tìm đường cứu nước với một quyết tâm cháy bỏng: Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi.
Vào ngày 5/6/1911, tại Bến Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành bắt đầu cuộc hành trình ra đi tìm đường cứu nước. Suốt thời gian lênh đênh trên biển cả, Người xin làm phụ bếp với tên gọi mới là Văn Ba. Trên con tàu viễn dương, người thanh niên yêu nước đó có điều kiện đến nhiều nước khác nhau; tiếp nhận được những tư tưởng tiến bộ ở khắp năm châu bốn biển. Đó là nhận thức về Tự do – Bình đẳng – Bác ái ở châu Âu và châu Mỹ; được tiếp xúc với tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người trong Bản Tuyên ngôn độc lập của cách mạng Mỹ và Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của nước Pháp. Qua đó, đã giúp Người tìm đến tư tưởng đấu tranh giành tự do, dân chủ, mưu cầu hạnh phúc cho Nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, Người tiếp cận với chủ nghĩa Mác – Lênin, tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người trở về nước và trực tiếp dẫn dắt phong trào cách mạng Việt Nam, làm nên những thắng lợi vang dội và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), mở ra những trang sử huy hoàng trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Đặt chân đến Bến Nhà Rồng, tận mắt chứng kiến những kỷ vật đã gắn bó với Bác trong suốt thời gian ra đi tìm đường cứu nước; tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác, mỗi chúng tôi càng hiểu hơn về phong cách sống giản dị, tư tưởng, đạo đức cao đẹp mà Người để lại cho thế hệ đời sau.
Bến Nhà Rồng nằm bên sông Sài Gòn, trước kia là trụ sở của hãng vận tải Messageries Mari-times (từ năm 1864-1955) được xây dựng từ giữa năm 1862, là một trong những công trình đầu tiên thực dân Pháp xây dựng sau khi chiếm được vùng đất này. Công trình có lối kiến trúc công sở phương Tây với hành lang bao quanh và những vòm cuốn, nhưng lại có mái mang nét kiến trúc phương Đông. Đặc biệt, trên đỉnh mái có trang trí đôi rồng kiểu lưỡng long chầu nguyệt – một lối trang trí phổ biến trên các kiến trúc truyền thống Việt Nam. Và kiến trúc ấy được gọi là Nhà Rồng hay Bến Nhà Rồng. Sau khi thực dân Pháp thất bại ở Đông Dương năm 1954, Bến Nhà Rồng được chính quyền miền Nam Việt Nam quản lý, sử dụng phục vụ cảng đường thủy của chính quyền Sài Gòn. Sau năm 1975, đất nước thống nhất, Bến Nhà Rồng được tu sửa, trang trí lại. Để ghi nhớ sự kiện ngày 5/6/1911, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, Bến Nhà Rồng được cải tạo làm Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau này, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được đổi tên thành Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (người dân vẫn gọi với tên gọi thân quen Bến Nhà Rồng).
Hiện nay, nơi đây lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan tới tiểu sử, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, tầng 1 có phòng trưng bày “Hồ Chí Minh – Dấu ấn một chặng đường”; phòng trưng bày “Bác Hồ với miền Nam – miền Nam với Bác Hồ”. Tầng 2 có các khu trưng bày theo các chủ đề: Thời thơ ấu và thanh niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bước đầu hoạt động yêu nước và cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhận Chủ nghĩa Mác – Lênin và khẳng định con đường cách mạng Việt Nam (1890 – 1920); Chủ tịch Hồ Chí Minh đấu tranh bảo vệ và vận dụng sáng tạo đường lối của V.I.Lê nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam (1920 – 1930); Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người tổ chức và lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thắng lợi và sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đấu tranh giữ vững chính quyền cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1930 – 1954); Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước (1954 – 1969)…
Các phòng trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác được xem là điểm nhấn quan trọng, ở đó, ngoài những hiện vật, hình ảnh còn có những câu nói ý nghĩa, thể hiện tấm lòng suốt đời vì nước, vì dân của Bác. Trong suốt hành trình bôn ba tìm đường cứu nước của mình, Bác đi nhiều nơi, lưu lại nhiều địa điểm. Các mô hình thu nhỏ mô phỏng một số địa điểm Bác ở đặt tại các phòng trưng bày, góp phần giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về hành trình đi tìm chân lý của Bác. Trong đó, ấn tượng nhất có lẽ là mô hình ngôi nhà số 9, ngõ Compoint, quận 17, thủ đô Paris (Pháp) – nơi đồng chí Nguyễn Ái Quốc ở từ ngày 14/7/1921 đến ngày 14/3/1923. Qua cánh cửa sổ mở hờ, du khách có thể nhìn thấy nội thất trong nhà chỉ có chiếc tủ nhỏ, giường ngủ và 1 chiếc bàn. Ánh sáng từ bóng đèn vàng hắt ra cửa sổ mô hình tạo cho người xem cảm giác đang thực sự đứng trước không gian sống của Người những năm tháng bôn ba nơi đất khách.
Đó là mô hình hang Pác Bó, nơi Người ở và làm việc sau 30 năm bôn ba trở về Tổ quốc. Ngắm mô hình, chúng tôi xúc động và cảm phục trước sự giản dị mà vĩ đại của Bác trong những tháng ngày Người lãnh đạo cách mạng ở nơi núi rừng Pác Bó. Hang đá sâu thẳm, cây lá um tùm đã che chở, bao bọc Người những ngày kháng chiến đầy cam go, gian khổ. Tuy thiếu thốn về cơ sở vật chất nhưng tinh thần của Bác luôn lạc quan, luôn tin tưởng vào tương lai tươi sáng của cách mạng.
Từng hiện vật được trưng bày như: Viên gạch mà Nguyễn Ái Quốc dùng để sưởi ấm trong những ngày đông giá lạnh tại ngôi nhà số 9, ngõ Compoint, quận 17, thủ đô Paris (Pháp); áo ka-ki; dép cao su; mũ cối… đều mang đến những cảm xúc đặc biệt cho người xem. Ngoài ra còn có những tác phẩm, những lá thư của Người viết, những bức ảnh miêu tả cuộc sống của Bác trong suốt hành trình bôn ba tìm đường cứu nước và chèo chống con thuyền đưa dân tộc đến bến bờ tự do, độc lập.
Bước xuống sân bảo tàng là không gian xanh mát, đẹp mắt với cây cảnh được chăm sóc cẩn thận. Giữa sân, hướng ra sông Sài Gòn là tượng Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước do điêu khắc gia Phạm Mười thực hiện. Bức tượng bằng kim loại cao 3,3m, nặng 1 tấn, là nơi khách tham quan thường chụp ảnh lưu niệm khi đến với bảo tàng.
Mùa thu trời trong xanh vời vợi, kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, Quốc khánh 2/9, thật vinh dự và tự hào khi được đến thăm Bến Nhà Rồng để thêm biết ơn quá khứ, thêm tự hào về Bác kính yêu và thêm trân trọng những thành quả cách mạng… Từ đó, mỗi người có thêm động lực ra sức thi đua, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đạo, phong cách Hồ Chí Minh; nỗ lực phấn đấu, cống hiến sức mình xây dựng quê hương, đất nước…
PV