Câu chuyện phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội của Quốc hội ngày 4/11.
Đúng vai nghĩa là không nhầm vai, không lấn sân
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách bày tỏ ấn tượng sâu sắc với bài phát biểu chỉ đạo sâu sắc, trí tuệ của Tổng Bí thư: “Đúng là chỉ có đổi mới thì mới có thể phát triển, chỉ khi mạnh dạn đi qua lối mòn tư duy mới có thể mở ra cánh cửa đưa đất nước tiến về phía trước”.
Từ đó, đại biểu đồng tình với việc đổi mới hoạt động lập pháp theo hướng luật chỉ quy định những vấn đề khung để tạo căn cứ cho việc thực hiện theo đúng nguyên tắc Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Khi đổi mới theo hướng luật chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc thì trách nhiệm xây dựng pháp luật sẽ đặt lên vai Chính phủ nhiều hơn, số lượng văn bản hướng dẫn sẽ tăng lên rất nhanh và tính chất cũng phức tạp hơn.
Vì vậy, đại biểu kiến nghị về mặt tiến độ, cần đề cao hơn nữa trách nhiệm cá nhân trong đảm bảo tính kịp thời. Về chất lượng văn bản, cần đề cao tính khách quan, tránh lợi ích cục bộ và cần thực hiện nghiêm Quy định 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về nhận diện những điểm nghẽn, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát, nhận diện chính xác, đầy đủ. Nếu như thuộc chức năng của Quốc hội thì Quốc hội sẵn sàng xử lý kịp thời nhưng đồng thời cần nhận diện chính xác những hạn chế do tổ chức thực hiện.
Liên quan đến yêu cầu “đúng vai thuộc bài”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách hoàn toàn tán thành quan điểm của Tổng Bí thư và cho rằng đây là chỉ đạo hết sức đúng đắn.
“Đúng vai nghĩa là không nhầm vai, không lấn sân nhưng cũng không bỏ vai, cần thực hiện đúng trách nhiệm mà Hiến pháp đã quy định, làm tròn bổn phận mà Đảng đã trao và Nhân dân gửi gắm”, nữ đại biểu phân tích.
Bà Mai cho rằng cần rà soát các quy định liên quan về tổ chức bộ máy, trong đó có Luật Tổ chức Quốc hội và các quy định liên quan khác để xác định cụ thể phạm vi ranh giới trách nhiệm, quyền hạn, từ đó có căn cứ pháp lý thực hiện “đúng vai” và khi đã đúng vai thì nhất định phải “thuộc bài”. Vì nếu như đúng vai mà không thuộc bài thì nhất định sẽ tạo ra những sản phẩm kém chất lượng.
Tháo gỡ rào cản điều kiện kinh doanh
Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) lưu ý, việc giải quyết thủ tục hành chính ở một số cơ quan vẫn còn tình trạng kéo dài, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, nhất là trong quá trình phối hợp, trao đổi, lấy ý kiến khi giải quyết thủ tục hành chính giữa các bộ, ngành.
Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường giám sát, kiểm tra chuyên đề về giải quyết thủ tục hành chính để tạo sự lan truyền mạnh mẽ về đổi mới, cải cách từ Trung ương đến địa phương…
Đặc biệt, ông Nam lưu ý việc thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp”.
Đại biểu Đào Hồng Vận (Hưng Yên) cũng đề nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng phân cấp, phân quyền, làm rõ trách nhiệm và gắn liền với việc kiểm soát quyền lực và trách nhiệm công vụ.
“Vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội một số dự thảo luật để tăng tính phân cấp, phân quyền cho chính quyền các cấp. Tuy nhiên, bằng các thể chế pháp luật, chúng ta phải tăng cường công tác kiểm soát để triển khai công việc hanh thông, thuận lợi, đi vào đúng quỹ đạo, vào đúng khuôn khổ pháp luật”, đại biểu tỉnh Hưng Yên nói.
Lưu ý mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp đang là một thách thức rất lớn, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho rằng, cùng với các giải pháp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cắt giảm thủ tục hành chính doanh nghiệp rất cần những giải pháp đồng bộ, tạo sự đột phá và sự hậu thuẫn của Nhà nước để tạo sinh khí.
Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát các điều kiện kinh doanh để phân loại, có biện pháp xử lý, tháo gỡ rào cản trong thể chế.
Trong đó cần dứt khoát bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không được ban hành trong các văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ.
Lãng phí đất đai đang để ‘đất khóc người than’
Địa phương rất tích cực triển khai các dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt nhưng lại gặp nhiều rào cản, trở lực để “đất khóc, người than”.
Chống lãng phí như chống tham nhũng, đất nước sẽ vững vàng vào kỷ nguyên mới
“Nếu chúng ta chống lãng phí thành công như chống tham nhũng thời gian qua thì đất nước ta nhất định sẽ vững vàng bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình”, đại biểu Quốc hội nhận định.