Mỗi làng quê Việt Nam luôn chứa đựng những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc, những di sản giá trị – yếu tố làm nên tính vững bền, là linh hồn của mỗi ngôi làng Việt.
Giờ đây, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, hài hoà giữa truyền thống và hiện đại, giữa cũ và mới, những di sản văn hoá ngàn đời của người dân nông thôn luôn là tài nguyên vô giá để xây đắp nên những làng quê đổi mới ngày nay.
Tiếng hát của các nghệ nhân quan họ làng Niềm, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh không chỉ là di sản văn hoá phi vật thể mà UNESCO công nhận mà hơn thế nữa, đó đã trở thành mạch sống của ngôi làng cổ vùng Kinh Bắc này suốt cả ngàn năm qua. Người dân của làng đã gìn giữ và truyền lại cho con cháu giọng hát lời ca đó như một báu vật để làm nên giá trị khác biệt của ngôi làng, để hấp dẫn những du khách đến đây, đắm chìm trong những làn điệu dân ca và cùng cảm nhận sự thanh bình, đẹp đẽ của cảnh sắc nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ. Những giá trị đó đã làm nên một làng quê đáng sống, đáng tìm về khi xây dựng nông thôn mới ngày nay.
Vì thế, PGS.TS Bùi Xuân Đính, Viện dân tộc học Việt Nam cho rằng, một nông thôn mới cần vừa chứa đựng những giá trị truyền thống, vừa cập nhật, phát triển theo xu thế hiện đại một cách hài hoà: “Tôi nghĩ một nông thôn mới cần có một cuộc sống vật chất sung túc và ổn định, một đời sống tinh thần phong phú lành mạnh, có một môi trường sống trong lành, trên cơ sở bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hoá truyền thống, kết hợp với các yếu tố hiện đại”…
Sức mạnh của cộng đồng cùng những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc sẽ làm nên những giá trị bền vững cho những vùng quê nông thôn mới.
Thời gian gần đây, việc phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới đã mang lại những lợi ích kép, tận dụng được lợi thế cảnh quan tự nhiên, văn hoá truyền thống, sản phẩm đặc trưng vùng miền, những điểm du lịch ở nông thôn đã trở thành điểm tìm về hấp dẫn của nhiều du khách, đồng thời mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân, làng quê cũng bừng dậy, khởi sắc hơn. Phát triển đa giá trị từ những sản phẩm sản xuất nông nghiệp, những giá trị văn hoá ở nông thôn sẽ mang lại thu nhập cho người dân và nguồn lực để xây dựng nông thôn mới.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng: “Văn hoá làng có thể khai thác đa giá trị, những giá trị văn hoá đời sống của bà con các vùng miền đều có thể khai thác làm du lịch, thu hút du khách đến thăm quan và làm tăng thu nhập cho người dân địa phương”.
Mô hình “Nông thôn năng động, cộng đồng sáng tạo, di sản gắn kết” đã được Thủ tướng Chính phủ đề ra trong Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 27/2/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành TW Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc chọn mô hình này triển khai thực hiện trong xây dựng nông thôn mới hiện nay nhằm phát huy các giá trị cốt lõi trong nông thôn, trong đó người dân phát huy năng lực, tính cộng đồng. Việc xây dựng mô hình này là một đòi hỏi cấp bách nhằm xây dựng nông thôn mới bền vững, đi vào chiều sâu.
Ông Lam nói: “Mô hình nông thôn năng động, cộng đồng sáng tạo, di sản gắn kết được đưa ra nhằm phát triển du lịch nông thôn, phát những giá trị văn hoá, di sản của mỗi vùng miền để xây dựng nông thôn mới bền vững”…
Bảo tồn và phát triển giá trị di sản gắn với xây dựng nông thôn mới được xác định vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược vì văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh bảo đảm cho sự phát triển toàn diện. Đến hôm nay, khi các vùng quê của những di sản đó đang xây dựng nông thôn mới, các địa phương cần khai thác những di sản văn hoá đó, coi nó như một thứ tài nguyên vô giá làm nguồn lực phát triển nông thôn mới.