Ngày 15/8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững.
Tại hội nghị, các đại biểu nghe báo cáo Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ (Nghị quyết số 82) về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030; Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm.
Nghị quyết số 82 chỉ rõ, để ngành Du lịch Việt Nam thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực thiện tốt 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia; phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực; đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.
Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Bộ VHTTDL phê duyệt ngày 2/3/2023 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, ngành Du lịch đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa 8-9%/năm. Đến năm 2023, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng 13-15%/năm; phục vụ 160 triệu lượt khách nội địa. Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 nêu ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm do Bộ VHTTDL ban hành ngày 14/7/2023. Theo đó, một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm gồm: mô hình hoạt động biểu diễn văn hoá, nghệ thuật; mô hình hoạt động thể thao, chăm sóc sức khoẻ, sắc đẹp; mô hình mua sắm, giải trí đêm; mô hình tham quan, du lịch đêm; mô hình giới thiệu văn hoá ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm. Để phát triển sản phẩm du lịch đêm cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: giải pháp quy hoạch và quản lý đô thị, giải pháp về cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực, đầu tư, định hướng thị trường và xúc tiến quảng bá….
Theo báo cáo tại hội nghị, trong 7 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6,6 triệu lượt, trong đó lần đầu tiên đón được trên 1 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023 vào tháng 7; khách du lịch nội địa ước đạt 76,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 416,6 nghìn tỷ đồng.
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 82; Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 và mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm…
Vũ Huế