Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra nhiệm vụ “Tích cực huy động mọi nguồn lực để phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa”. Ngày 8/12/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về Đề án phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (viết tắt là Nghị quyết số 18-NQ/TU). Với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, đến nay đã có nhiều địa phương hoàn thành xây dựng thiết chế văn hóa, qua đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân và hoàn thiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Đầu năm 2022, nhà văn hóa thôn Canh Hoạch, xã Trung Dũng (Tiên Lữ) và công trình phụ trợ được xây mới bằng nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và đóng góp của Nhân dân địa phương với tổng kinh phí 5,8 tỷ đồng. Từ khi đi vào hoạt động, nhà văn hóa trở thành điểm đến thường xuyên của người dân trong thôn, trong xã. Ông Nguyễn Duy Long, người dân thôn Canh Hoạch chia sẻ: Trước kia người dân mải lo phát triển kinh tế, không quan tâm nhiều đến sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, nhưng từ khi có nhà văn hóa, có cơ sở vật chất đầy đủ, tiện nghi, khuôn viên xanh, sạch, đẹp, họ rất quan tâm và tích cực tham gia hoạt động cộng đồng, hình thành nhiều phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao làm cho đời sống tinh thần ngày càng nâng cao.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tiên Lữ đã ban hành Đề án số 02-ĐA/HU ngày 28/6/2021 về tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thiết chế văn hóa cơ sở, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, huyện đã xây mới và nâng cấp, sửa chữa 4 trung tâm văn hóa xã, 3 nhà văn hóa thôn với tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các địa phương ưu tiên dành quỹ đất, tạo không gian vui chơi, tập luyện thể thao tại các khu dân cư phù hợp với quy hoạch và điều kiện từng địa phương.
Cùng với huyện Tiên Lữ, tại các địa phương khác, việc xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao các cấp được triển khai thực hiện phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh nguồn xã hội hóa đóng góp từ sức dân, các cấp chính quyền đã quan tâm xây dựng cơ chế, hỗ trợ kinh phí để chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp thiết chế văn hóa, thể thao tại các thôn, tổ dân phố; rà soát, bổ sung, lắp đặt các dụng cụ tập luyện thể thao ngoài trời. Tiêu biểu như: Huyện Văn Giang đã xây mới và sửa chữa 3 trung tâm văn hóa xã, 5 nhà văn hóa thôn với tổng kinh phí trên 55 tỷ đồng; huyện Kim Động xây mới 8 nhà văn hóa thôn, nâng cấp, cải tạo hàng chục sân, nhà thi đấu thể thao…
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh đã đầu tư 372 tỷ đồng xây dựng mới 22 trung tâm văn hóa cấp xã; 397 tỷ đồng xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp 75 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố. Đến nay, toàn tỉnh có 130/161 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hoá độc lập (chiếm 80,7%), 31/161 xã, phường, thị trấn sử dụng hội trường Đảng ủy, HĐND, UBND xã kiêm chức năng trung tâm văn hoá (chiếm 19,3%); 760/832 thôn, tổ dân phố có nhà văn hoá độc lập, 72/832 thôn, tổ dân phố dùng các thiết chế khác kiêm chức năng nhà văn hoá; 83% trung tâm văn hóa cấp xã, 74% nhà văn hóa thôn, tổ dân phố hiện có đạt chuẩn quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cơ sở vật chất, sân chơi, bãi tập, dụng cụ tập luyện, thi đấu thể thao ở cơ sở đã từng bước được quan tâm đầu tư tu sửa, nâng cấp và xây dựng mới. 100% số huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có thư viện; 100% số xã, phường, thị trấn có tủ sách pháp luật. Các thiết chế văn hoá, thể thao được đưa vào khai thác đều phát huy tốt công năng sử dụng, thu hút đông đảo người dân đến sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và rèn luyện thể dục thể thao. Nhờ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư, đã giúp cho các câu lạc bộ (CLB) văn nghệ, thể thao ra đời, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí của người dân. Trong 3 năm qua, số lượng các CLB văn nghệ, thể thao đã tăng lên đáng kể. Hiện nay, toàn tỉnh đã có hơn 800 CLB, đội văn hóa – văn nghệ quần chúng và 2.015 CLB, điểm nhóm thể dục thể thao duy trì hoạt động thường xuyên. Qua đó, góp phần củng cố sự đoàn kết của cộng đồng dân cư, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, nâng cao ý thức của Nhân dân trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy dân chủ, tinh thần đoàn kết, rút ngắn khoảng cách văn hóa giữa các vùng, khu vực trong tỉnh.
Đồng chí Đỗ Hữu Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Để hệ thống thiết chế văn hóa ngày càng phát huy hiệu quả hoạt động, thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển thiết chế văn hóa trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Các cấp, các ngành tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa gắn với triển khai thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025; quan tâm xây dựng, thực hiện cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội trong xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao, cộng tác viên ở cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát việc xây dựng, khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao, đặc biệt ở cấp cơ sở; tạo điều kiện để người dân tham gia sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, góp phần xây dựng môi trường văn hóa an toàn, lành mạnh…
Lê Hiếu