Ngày 10/9 đến 11/9 tới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Đây cũng là dịp Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 10 năm xác lập mối Quan hệ đối tác toàn diện (2013-2023). Trong khoảng thời gian đó, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước đã đạt được nhiều bước tiến mới. Để làm rõ điều này, phóng viên VOV.VN đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Nguyễn Quốc Cường (nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao).
Để khép lại quá khứ đòi hỏi những nỗ lực rất lớn của cả hai bên
PV: Năm nay, Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 10 năm xác lập Quan hệ đối tác toàn diện (2013-2023). Xin đại sứ cho biết, nỗ lực của hai bên trong việc đi đến thỏa thuận hợp tác này?
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Nhìn lại 10 năm trước đây, khi hai bên chuẩn bị cho chuyến thăm của Chủ tịch nước, lúc đó là ông Trương Tấn Sang, cả hai bên đã có nhiều nỗ lực để đi tới quyết định thiết lập Quan hệ đối tác toàn diện nhân chuyến thăm. Tôi nhớ rằng, chính phía Mỹ chủ động đề nghị nâng cấp quan hệ đối tác vào thời gian đó.
Hai nước đã từng trải qua chiến tranh, hậu quả chiến tranh sau bao nhiêu năm vẫn còn rất nặng nề. Vì thế, để khép lại quá khứ và hướng tới tương lai đòi hỏi những nỗ lực rất lớn của cả hai bên, đó là điều dễ hiểu. Tôi nhớ đã từng nói chuyện với cố vấn của Tổng thống Obama rằng: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang của chúng tôi từng tham gia chiến trận, thậm chí từng bị thương. Nhưng hôm nay, ông sang đây với thiện chí khép lại quá khứ để nâng tầm quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Đó thực sự là một sự kiện lịch sử.
Qua đó, phía Mỹ hiểu được nhiều hơn về quyết tâm, tầm nhìn của lãnh đạo Việt Nam. Vượt qua những khác biệt, những rào cản để tạo sự đồng thuận. Với sự kiện này (xác lập quan hệ Đối tác toàn diện), quan hệ hai nước bước vào một giai đoạn phát triển mới.
Hai quốc gia cựu thù trở thành đối tác
PV: Việc xác lập mối quan hệ đối tác toàn diện có ý nghĩa thế nào trong quan hệ hai nước?
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Việc xác lập mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hai nước. Từng là cựu thù, Việt Nam và Mỹ đã bình thường hóa quan hệ từ năm 1995 và nay lại trở thành đối tác toàn diện của nhau, đó là một bước tiến rất dài. Phía Mỹ đánh giá quan hệ Việt-Mỹ có thể coi là “mô hình kiểu mẫu” trong quan hệ quốc tế, giữa hai quốc gia từ cựu thù trở thành đối tác với nhau.
Nhìn rộng hơn, việc xác lập đối tác toàn diện với Mỹ là việc triển khai có hiệu quả chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ. Qua đó, chúng ta đã hoàn thành việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới. Điều này cũng góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Mối quan hệ hiệu quả cả về số lượng và chất lượng
PV: Nhìn lại 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, hai bên có đạt được kỳ vọng đề ra, thưa ông?
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Tôi nghĩ hai bên đã đạt được các kỳ vọng, thậm chí là trên cả kỳ vọng. Quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ trong những năm qua đã phát triển rất mạnh mẽ và hiệu quả, cả về số lượng và chất lượng. Những con số đã cho chúng ta thấy rõ điều đó.
Năm 2012, thương mại hai nước khoảng 25 tỷ USD. Sau 10 năm thì vào năm 2022, thương mại hai nước lên 139 tỷ USD. Như vậy là tăng khoảng hơn 5,5 lần. Việt Nam là một nước đang phát triển nhưng trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ, đó là một kỳ tích.
Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Hai năm vừa qua, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đều đạt mức kỷ lục trên 100 tỷ USD. Điều đó cũng góp phần rất quan trọng trong việc cân bằng cán cân thương mại quốc tế chung của Việt Nam với các nước.
Khi xác lập Quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, hai bên đã xác định được 9 lĩnh vực ưu tiên hợp tác. Từ chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, môi trường, y tế, giao lưu nhân dân… đều có những bước phát triển. Tôi cũng ấn tượng với con số du học sinh Việt Nam tại Mỹ (gần 30.000 lưu học sinh, sinh viên). Đây là nguồn lực rất quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong tương lai. Đồng thời họ cũng là những sứ giả để đóng góp vào quan hệ Việt Nam – Mỹ trong thời gian tới.
Tháng 9 năm 1945, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa ra đời. Chỉ vài tháng sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi Ngoại trưởng Mỹ, với mong muốn cử 50 thanh niên, sinh viên trí thức sang du học. Con số này hiện nay là hàng chục nghìn người, có thể nói đây là bước tiến rất lớn.
Quan trọng hơn các con số nêu trên, đó chính là sự chuyển biến về chất trong quan hệ hai nước 10 năm qua. Theo đánh giá của cá nhân tôi, quan hệ hai nước từ khi bình thường hoá năm 1995 đến nay được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu từ 1995-2013 là giai đoạn bắt đầu xây dựng lòng tin giữa hai bên, sau một thời gian dài là cựu thù và Mỹ bao vây, cấm vận Việt Nam.
Giai đoạn hai được tính từ sau khi hai nước xác lập đối tác toàn diện năm 2013 đến nay, lòng tin giữa hai bên đã được tăng cường và củng cố một cách đáng kể trên cơ sở hai bên cam kết các nguyên tắc cơ bản là tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng thể chế chính trị của nhau.
Phía Mỹ tôn trọng nguyên tắc, tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam
PV: Được biết, trong giai đoạn ông làm Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm Mỹ vào năm 2015. Theo ông đánh giá, đây có phải là sự kiện lịch sử trong quan hệ hai nước?
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng. Lần đầu tiên, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm chính thức Mỹ theo lời mời của Tổng thống Mỹ. Phía Mỹ đã đón tiếp rất trọng thị Tổng Bí thư và Đoàn. Tổng thống Mỹ Obama hội đàm, Phó Tổng thống lúc đó là ông Biden chiêu đãi chính thức, và hàng loạt các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Quốc hội và các chính giới, học giả của Hoa kỳ…
Việc Mỹ mời và đón tiếp trọng thị Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam cũng thể hiện phía Mỹ thực hiện đúng cam kết tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam, tôn trọng vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hệ thống chính trị ở Việt Nam.
Trong chuyến thăm đó, hai bên cũng ra Tuyên bố về tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam – Mỹ. Nhìn lại, chúng ta thấy những bước phát triển trong mối quan hệ với Mỹ đã đi đúng hướng mà lãnh đạo hai bên đã xác định trong Tuyên bố chung 2013 và Tuyên bố về Tầm nhìn chung 2015.
PV: Sắp tới Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đại sứ đánh giá như thế nào về sự kiện này?
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Tổng thống Joe Biden không phải là Tổng thống Mỹ đầu tiên sang thăm Việt Nam. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1995, Tổng thống Mỹ các đời đều đã thăm Việt Nam. Nhưng đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam theo lời mời của người lãnh đạo cao nhất là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này là chưa có tiền lệ và cũng nói lên tính chất đặc biệt của chuyến thăm.
Dư luận cũng kỳ vọng qua chuyến thăm này, quan hệ hai nước sẽ được tiếp tục làm sâu sắc hơn và nâng lên một tầm cao mới, đúng như những gì mà lãnh đạo hai bên đã trao đổi với nhau.
PV: Hai bên đã thông qua Tuyên bố về Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam-Mỹ, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Từ đó đến nay, ông thấy chủ trương này được thực hiện như thế nào trên thực tế?
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Tôi nghĩ rằng đến nay, trên thực tế hai nước đang tôn trọng các nguyên tắc mà hai bên đã thỏa thuận với nhau, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tôn trọng thể chế chính trị của nhau.
Ví dụ như việc Tổng thống Mỹ mời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm chính thức, hay Tổng thống Mỹ thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Điều đó thể hiện hai bên tôn trọng thể chế chính trị của nhau, tạo tiền đề cho hai bên tăng cường lòng tin chính trị, phát triển mối quan hệ.
Trong Tuyên bố chung về việc xác lập mối quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013, hai bên lần đầu tiên xác định được 9 lĩnh vực ưu tiên hợp tác, về chính trị, ngoại giao, an ninh quốc phòng, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo… Đối với 9 lĩnh vực đó, tôi nghĩ rằng quan hệ hai nước đang phát triển đúng theo những định hướng chung như vậy trong thời gian qua.
PV: Theo Đại sứ, Việt Nam và Mỹ có tiềm năng hợp tác phát triển những lĩnh vực nào mới trong thời gian sắp tới?
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Tình hình thế giới và khu vực đã có những chuyển biến nhanh chóng. Nhiều vấn đề mới, cả thách thức và cơ hội mới, đòi hỏi sự hợp tác nhiều hơn nữa giữa các quốc gia, trong đó có hai nước Việt Nam và Mỹ.
Đại hội XIII của Đảng đã xác định những mục tiêu rất lớn, rất quan trọng. Đó là đến 2030 Việt Nam trở thành nước có ngành công nghiệp phát triển; nước đang phát triển nhưng có thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành một nước phát triển có thu nhập cao, theo định hướng XHCN. Để đạt được điều đó, sự huy động, tận dụng tất cả các nguồn lực bên ngoài để phục vụ mục tiêu đặt ra là một thách thức, đòi hỏi lớn.
Phía Mỹ qua chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cũng khẳng định rằng: Hiện nay Mỹ đang phải ưu tiên rất cao cho việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, phòng ngừa những rủi ro “đứt gánh” chuỗi cung ứng. Tăng cường quan hệ giữa hai bên sẽ tạo ra những cơ hội mới để hai bên hợp tác với nhau nhiều hơn trong các lĩnh vực.
Họ mong muốn Việt Nam tham gia nhiều hơn và phía Mỹ sẵn sàng hỗ trợ, nâng cao năng lực của Việt Nam. Một số lĩnh vực mới mà cách đây 10 năm chưa có, thì nay có tiềm năng hợp tác giữa hai nước như: Hợp tác chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo, công nghệ cao; hợp tác trong việc đa dạng hoá chuỗi cung ứng toàn cầu…
PV: Vâng, xin cảm ơn Đại sứ.