Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước Việt Nam, người phụ nữ có vai trò to lớn và cũng luôn có những đóng góp lớn lao. Phụ nữ kiên cường, dũng cảm trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, họ là hậu phương vững chắc, là những người thông minh, lao động cần cù và sáng tạo, có vai trò đặc biệt quan trọng để gìn giữ bản sắc, tinh hoa văn hoá dân tộc. Họ còn là những người mẹ hiền, những người vợ đảm đang và trung hậu đã sinh ra những thế hệ anh hùng của dân tộc.
Tín ngưỡng tôn thờ nhân thần, anh hùng dân tộc nằm trong hệ thống tín ngưỡng của người Việt đã tồn tại song hành với các tín ngưỡng dân gian khác được lưu truyền qua nhiều thế hệ người Việt. Thờ cúng tổ tiên, tôn thờ nhân thần xuất phát từ tấm lòng biết ơn. Trong đó, các vị nhân thần được tôn thờ trong các chùa, đền, đình, miếu, phủ như: Hoàng Hậu, Hoàng Thái Hậu, Cung phi…, có vị xuất thân quyền quý, cũng có vị nguồn gốc bình dân, nhưng đều là những người có tài năng, đức độ và có công lao lớn đối với quê hương, đất nước sau khi mất được Nhân dân tôn thờ. Việc tôn thờ các bà hoàng, bà chúa, vua bà, thánh mẫu khá phổ biến ở một số địa phương vùng đồng bằng Bắc bộ. Người dân tôn vinh, tạc tượng và thờ Cung phi, Hoàng hậu xa xưa ở nhiều địa phương trong tỉnh Hưng Yên, điển hình như ở huyện Văn Lâm: có Đền Ghênh (đền Bà Tấm), di tích lịch sử cấp quốc gia tại thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh, thờ Linh Nhân Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, vợ vua Lý Thánh Tông; tại Đình Hoàng Nha, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh, thôn Hoàng Nha, xã Minh Hải; đình Thanh Miếu, di tích lịch sử cấp tỉnh, thôn Thanh Miếu, xã Việt Hưng; chùa Hương Lãng, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia tại thôn Chùa, xã Minh Hải. Huyện Phù Cừ có đền Cảm Nhân Linh Từ (Chùa Bà), di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh tại thôn Tân An, xã Nhật Quang tôn thờ Linh Nhân Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan. Câu chuyện về Đức Nguyên Phi Ỷ Lan hay Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, cho đến nay lưu truyền nhiều giai thoại, nhưng những công lao và đóng góp của bà cho đất nước thì không ai có thể phủ nhận. Bà đã hai lần nhiếp chính, thay vua trị nước, những đóng góp của bà đều được các nhà sử học khen ngợi. Bà là vợ vua Lý Thánh Tông, là mẹ của vua Lý Nhân Tông. Năm 1069, Vua đi đánh Chiêm Thành giao bà nhiếp chính, coi sóc việc triều đình. Nhờ có tài trị quốc đúng đắn, quyết đoán, bà đã dẹp yên loạn lạc, cứu đói dân nghèo, khắp nơi ca ngợi. Năm 1072, vua Lý Thánh Tông mất đột ngột, triều đình rối ren, bà trở thành Hoàng hậu nhiếp chính kịp thi hành nhiều biện pháp kiến quốc, yên dân, khiến nước nhà hưng thịnh. Năm 1117, Hoàng Thái hậu Ỷ Lan mất tại quê nhà (làng Ghênh phủ Thuận An xưa, nay là thôn Ngọc Quỳnh, huyện Văn Lâm). Nhớ ơn công lao to lớn của bà, Nhân dân đã lập đền, tạc tượng tôn thờ.
Trên địa bàn huyện Văn Lâm còn có lăng Từ Vũ (Từ Vũ họ Trương), di tích lịch sử cấp quốc gia cũng tại thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh, thờ bà Trương Thị Ngọc Chử, vợ chúa Trịnh Bính, mẹ chúa Trịnh Cương.
Ở huyện Yên Mỹ, có đền Bà Chúa, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tại thôn Tổ Hỏa, xã Lý Thường Kiệt, thờ bà Trịnh Quý Thị Hoa, Cung tần của vua Lê Thế Tông.
Ở huyện Văn Giang, có Đền Nhân Vực (đền Hoàng Thái Hậu Đào Thị), di tích lịch sử cấp tỉnh tại thôn Nhân Vực, xã Nghĩa Trụ, thờ bà Đào Thị Ngọc Liễu, vợ vua Lê Thuần Tông (1732-1735), mẹ vua Lê Hiển Tông (1740-1786).
Ở huyện Phù Cừ, có đền – chùa – đậu Xanh, di tích lịch sử cấp tỉnh tại xóm Xanh, thôn Duyên Linh, xã Đình Cao, thờ Đức Bà, Cung phi thời Hậu Lê; đền Lê Xá, di tích lịch sử và kiến trúc cấp quốc gia tại thôn Lê Xá, xã Tống Trân, thờ Tây Cung Hoàng Hậu, vợ thứ của vua Ngô Quyền. Tương truyền bà là Nàng Cả ở thôn An Cầu, được Ngô Vương chọn làm cung phi, khi đất nước loạn lạc, bà cùng quan quân xung trận bảo vệ triều đình và đã anh dũng hy sinh. Người dân An Cầu vô cùng thương tiếc về tấm lòng và sự hy sinh cao cả của bà, để tỏ lòng thành kính đã dựng ngôi đền tôn thờ bà.
Ở huyện Kim Động, có Đền Mụa, di tích nghệ thuật cấp quốc gia tại làng Mụa, thôn Cộng Vũ, xã Vũ Xá, thờ bà Chúa Mụa Trần Thị Cư, sau đổi sang họ chúa là Trịnh Thị Ngọc Am, (1580-1648), vợ thứ của chúa Trịnh Tráng. Bà là kỳ nữ, có sắc đẹp và đối đáp thông minh, giúp chúa Trịnh trông nom việc học tập trong phủ của các cung tần, mỹ nữ, củng cố mối đoàn kết giữa phủ chúa với triều đình nhà Lê. Bà giúp dân mở mang ruộng vườn, khai sông dẫn thủy nhập điền, bà giàu lòng nhân đức hay giúp đỡ mọi người. Nhờ có công lao, Chúa Trịnh Tráng lại quý mến tài sắc của bà đã cho tạc tượng bà bằng đá khi đang sống, tượng to bằng người thật ngồi trên tòa sen, đầu đội vương miện. Khi bà mất, nhân dân tôn bà làm thần và lập đền thờ ngay tại quê nhà.
Huyện Kim Động còn có Miếu Mái, di tích Lịch sử, nghệ thuật cấp quốc gia tại làng Dưỡng Phú, xã Chính Nghĩa, thờ Cung phi Nguyễn Thị La, vợ vua Trần Anh Tông.
Ở huyện Khoái Châu, có đền Thông Quan Hạ, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia tại thôn Quan Hạ, thị trấn Khoái Châu, thờ Bảo Quốc Từ Lương Hoàng Thái Hậu Lê Thị Lương, vợ Vua Trần Nhân Tông.
Thành phố Hưng Yên có Đền Phủ Vị, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia tại thôn Phương Thượng, xã Phương Chiểu, thờ Hoàng Điện Thái Chiêu Nghi Nguyễn Thị Ngọc Toản, Cung phi triều Mạc. Bà xuất thân từ một tiểu thư con quan trong triều, thông minh, học cao hiểu rộng, đoan trang, thùy mị, bà dạy học cho con cháu hoàng tộc, có lòng yêu nước thương dân, khi xét công lao của bà, vua đã phong “Trung đẳng Tôn Thần Điện Thái Chiêu Nghi”.
Chùa Nễ Châu, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia tại thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên), thờ Phật và phối thờ bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, vợ vua Lê Hoàn.
Trên đất Hưng Yên xưa và nay, các giá trị truyền thống tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và tôn thờ nhân thần được lưu truyền, đặc biệt là giá trị về lịch sử, về những điển tích của các nhân vật được tôn thờ được cộng đồng quyết tâm gìn giữ, bảo tồn. Những tấm gương được nhân dân tôn thờ đã góp phần khích lệ mọi người sống hướng thiện, đoàn kết và khuyên răn mỗi người phải biết vươn lên, biết nỗ lực phấn đấu làm rạng danh cho gia đình, đóng góp xây dựng quê hương.
Hưng Yên, tháng 10 năm 2024
Bằng Cao
———————————————————-
Tài liệu tham khảo:
– GS.TS. Ngô Đức Thịnh (2019). Đạo Mẫu Việt Nam. Nxb Tri Thức;
– Bảo tàng Hưng Yên (2008). Di tích Lịch sử – Văn hóa Hưng Yên;
– Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên (2018). Di tích lịch sử văn hóa.
Nguồn: https://baohungyen.vn/cung-phi-hoang-hau-dat-hung-yen-xua-3176323.html