Với những ưu điểm như dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh gây hại… thời gian qua nhiều hộ nông dân xã Thụy Lôi (Tiên Lữ) canh tác cây dược liệu bạch chỉ đem lại thu nhập cao.
Trong Đông y, bạch chỉ còn có tên gọi khác là bách chiểu, chỉ hương… là loại dược liệu phổ biến có công dụng giảm đau, tán phong trừ thấp, thông khiếu, tiêu thũng trừ mủ… Bộ phận được sử dụng làm vị thuốc là phần rễ củ, có màu vàng hoặc nâu nhạt.
Những ngày này, tranh thủ thời tiết nắng ráo, ông Nguyễn Văn Hưởng ở thôn Lệ Chi huy động thêm 3 người để thu hoạch bạch chỉ ngoài đồng. Nhanh tay cuốc đất, thu gom những rễ củ ngả đầy trên mặt ruộng, ông Hưởng phấn khởi cho biết: Gia đình tôi trồng cây này nhiều năm nay trên diện tích 4 sào ruộng. Năm ngoái, thương lái đến tận nhà thu mua với giá 68.000 đồng/kg khô. Năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi nên năng suất bảo đảm, nếu giá cả ổn định tương đương như năm trước thì mỗi sào sẽ cho thu lãi trên 10 triệu đồng.
Theo những hộ trồng bạch chỉ ở xã Thụy Lôi, giống cây dược liệu này “bén duyên” với đồng đất nơi đây từ hơn 10 năm trước. Đến nay, diện tích trồng trên địa bàn xã có trên 10 mẫu, tập trung chủ yếu ở 2 thôn Lệ Chi và Thụy Dương. Các hộ dân trong xã thường tận dụng vườn nhà hoặc kết hợp trồng bạch chỉ xen kẽ với các loại cây hoa màu khác trên các cánh đồng bãi.
Bạch chỉ được trồng bằng phương pháp gieo hạt. Từ tháng 9 – 10 âm lịch năm trước, người dân tiến hành làm đất gieo hạt, sau khoảng 6 tháng sinh trưởng cây cho thu hoạch vào tháng 4 – 5 âm lịch năm sau. Khi thu hoạch, người dân cắt phần lá, sau đó đào rễ lên, rửa sạch, ủ chín sau đó đem phơi hoặc sấy khô.
Thời điểm này, nông dân trong xã đang tập trung thu hoạch bạch chỉ. Dừng chân tại những cánh đồng, mùi thơm của dược liệu toả ra trong không khí khiến bất cứ ai đi qua đều cảm thấy dễ chịu. Chị Nguyễn Ngọc Hồi ở thôn Lệ Chi cho biết: Gia đình tôi có 6 năm trồng cây dược liệu này. Thời gian thu hoạch diễn ra trong khoảng 1 tháng. Đặc tính rễ củ bạch nếu đến kỳ thu hoạch mà gặp nước mưa sẽ dễ thối nhũn. Vì vậy, tranh thủ ngày tạnh ráo chúng tôi thường đổi công lao động để bảo đảm tiến độ.
Theo chia sẻ của các hộ trồng bạch chỉ ở Thụy Lôi, ưu điểm của giống dược liệu này là chi phí đầu tư thấp, không tốn nhiều công chăm sóc, đặc biệt là ít sâu bệnh nên gần như không tốn chi phí thuốc bảo vệ thực vật và tận dụng được lao động nông nhàn. Tuy nhiên, để bảo đảm năng suất ổn định, người trồng cần có kinh nghiệm và nắm chắc đặc tính sinh trưởng của cây. Chị Thêu ở thôn Thụy Dương có hơn 10 năm kinh nghiệm trồng bạch chỉ chia sẻ: Nhiều năm nay, gia đình tôi luôn duy trì trồng trồng 1,2 mẫu. Giống cây này ưa nắng, sợ ngập úng nên tôi chọn chân ruộng cao và dễ thoát nước để canh tác. Khi trồng tôi lên luống giống như trồng các loại rau màu khác, nhưng trước khi gieo hạt tôi chú trọng làm đất sạch cỏ, diệt trừ các loại mối mọt, sâu bệnh trong đất, đặc biệt là bón lót nhiều phân chuồng ủ mục để rễ củ phát triển tốt.
Trung bình mỗi sào bạch chỉ thu hoạch 2,0 – 2,5 tạ rễ củ khô. Việc tiêu thụ sản phẩm rất dễ dàng. Thương lái cung cấp hạt giống và bao tiêu đầu ra sản phẩm ngay từ lúc bà con trồng. “Chúng tôi sơ chế, phơi khô bạch chỉ xong là thương lái từ các huyện Văn Giang, Văn Lâm… về thu mua tận nhà. Với giá bán dao động từ 40.000 đến 65.000 đồng/kg khô tùy thời điểm, trừ mọi chi phí đầu tư và công lao động cho thu lãi trung bình 6 đến 10 triệu đồng/sào. “So sánh với cây lúa hay một số cây rau màu khác, cây dược liệu giảm công chăm sóc, sau khi trồng không phải bón phân nhiều lần, hầu như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên đem lại nhiều giá trị cho nông dân”, chị Thêu cho biết thêm.
Sau khi kết thúc vụ thu hoạch bạch chỉ, nông dân xã Thụy Lôi lại tận dụng diện tích đất trồng dược liệu để canh tác các loại cây rau màu như: cây ngô, su hào, cải bắp vụ đông… cho thu nhập thêm khoảng 4 – 6 triệu đồng/sào sau khi đã trừ mọi chi phí.
Ông Phạm Tuấn Hải, Chủ tịch UBND xã Thụy Lôi cho biết: Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương phù hợp để gieo trồng cây bạch chỉ. Cùng với ưu điểm dễ trồng, dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa và một số loại rau màu, trồng cây dược liệu đã trở thành giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, bền vững. Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất của địa phương chính là việc tiêu thụ sản phẩm do hiện nay chưa có sự liên doanh, liên kết bao tiêu sản phẩm nên các hộ chưa dám mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất; việc tiêu thụ sản phẩm dược liệu đều qua các thương lái cơ bản thuận lợi song giá cả chưa ổn định. Vì vậy, địa phương đang tích cực phối hợp tìm kiếm doanh nghiệp liên kết để bảo đảm đầu ra của cây dược liệu, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân.
Dương Miền