Kính thưa: Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương;
Kính thưa các đồng chí chủ trì Hội thảo;Kính thưa: Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Thưa: các đồng chí đại diện lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương;
Thưa các chuyên gia, các nhà khoa học;
Thưa quý vị đại biểu, khách quý.
Hôm nay, tỉnh Hưng Yên rất vinh dự được lựa chọn làm địa điểm tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước”.
Thay mặt Tỉnh ủy Hưng Yên, tôi nhiệt liệt chào mừng, trân trọng cảm ơn và xin gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học và các quý vị đại biểu, khách quý về dự Hội thảo khoa học quan trọng và đầy ý nghĩa này.
Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!
Kính thưa các đồng chí!
Hội thảo này đề cập đến 2 vấn đề then chốt của phát triển nhân loại và dân tộc, quốc gia. Đó là con người và quyền con người. Giải phóng và phát triển con người; bảo vệ và bảo đảm quyền con người gắn với quyền công dân, quyền làm chủ của Nhân dân và quyền dân tộc là mục tiêu cao nhất của mọi phong trào cách mạng tiến bộ của thế giới và dân tộc, của mọi quá trình xây dựng, phát triển chính thể dân chủ, chế độ của dân, do dân vì một xã hội ngày càng tốt đẹp, công bằng, bình đẳng, dân chủ, văn minh mà người dân là trung tâm, là động lực và mục tiêu phát triển. Bởi vì, xét cho cùng mục tiêu phát triển cũng là để phục vụ con người có cuộc sống ngày càng tốt hơn về vật chất, tinh thần, được đối xử tử tế, công bằng, bình đẳng và bảo vệ, phát huy các lợi ích chân chính và giá trị nhân phẩm trong xã hội.
Bảo đảm quyền con người là thành quả phát triển lâu dài của lịch sử nhân loại, là giá trị chung của các dân tộc. Một trong những thành tựu lớn nhất của nhân loại trong thể kỷ 20 là đã tạo dựng được một hệ thống pháp luật, cam kết, công ước quốc tế về con người và quyền con người. Đó là Hiến chương Liên hợp quốc (1945), Tuyên ngôn Nhân quyền (1948) và hai Công ước quốc tế về quyền con người năm 1966 (Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hoá và xã hội và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị), các Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử với phụ nữ, quyền trẻ em và rất nhiều văn kiện quốc tế khác được ban hành dưới nhiều cấp độ pháp lý hình thức khác nhau được các quốc gia thừa nhận và tôn trọng.
Trải qua hàng chục năm kiên trì thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững vì sự tiến bộ của con người và xã hội, Liên hợp quốc và các thành viên của tổ chức này nỗ lực không ngừng nghỉ. Từ Chương trình nghị sự 21 (năm 1992) đến Tuyên bố Thiên niên kỷ (năm 2000) với 8 mục tiêu, 18 chỉ tiêu và Chương trình nghị sự 2030 (năm 2015) vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu, 169 chỉ tiêu, trong đó hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu đều liên quan đến con người và quyền con người.
Con người với vai trò là chủ thể sáng tạo mọi giá trị vật chất, tinh thần của xã hội, tác động ý nghĩa quyết định đến toàn bộ tiến trình vận động, phát triển lịch sử. Vì vậy, phát triển toàn diện con người là mục tiêu cao nhất, quan trọng nhất của mỗi quốc gia, là động lực để phát triển xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định con người là động lực to lớn quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, trong suốt tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam, Người đã quan tâm chăm lo, bồi dưỡng “sức dân”, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân phát huy tài năng, trí tuệ của mình và truyền thống yêu nước, giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc để làm nên thắng lợi của cuộc trường chinh đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đưa nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trước khi giành được độc lập, quyền con người là khẩu hiệu để tập hợp quần chúng đi theo Đảng, làm cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập, thống nhất đất nước. Trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quyền con người: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và quyền con người gắn liền với độc lập dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Có nhiều khái niệm về quyền con người, nhưng xét chung, quyền con người thường được hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo đảm trong pháp luật quốc gia và các điều ước quốc tế. Nói cách khác, quyền con người là những quyền tự nhiên của con người và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay, bảo đảm quyền con người luôn là mục tiêu nhất quán, xuyên suốt trong suốt tiến trình cách mạng. Hiến pháp đầu tiên – năm 1946, đến Hiến pháp năm 2013, đều khẳng định quyền con người và quyền công dân đều được tôn trọng, bảo đảm phù hợp với thực tiễn nước ta và nhận thức chung của nhân loại tiến bộ.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) nêu: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo đảm quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân.”
Kế thừa, bổ sung và phát triển những quan điểm các kỳ đại hội trước, Đại hội lần thứ XIII của Đảng bổ sung mối quan hệ giữa lấy con người làm trung tâm – bảo đảm quyền con người – phát triển con người toàn diện gắn bó khăng khít với mối quan hệ giữa thực hành dân chủ, pháp quyền nhằm giữ gìn pháp chế, kỷ cương xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, nhấn mạnh: “Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển”.
Phát triển con người và bảo đảm quyền con người là một trong những đặc trưng quan trọng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân ta xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đó là: “Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện” (Cương lĩnh chính trị năm 2011).
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong bài viết “Một số lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” như sau:
“Xã hội xã hội chủ nghĩa là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người….Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm.”
Sau gần 40 năm đổi mới đất nước, với những thành tựu quan trọng mà Đảng, Nhân dân Việt Nam đã đạt được, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, Nhân dân ta được hưởng cuộc sống hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc.
Trong công cuộc đổi mới và phát triển, Đảng và Nhà nước ta không ngừng nỗ lực xây dựng và hoàn thiện thể chế về con người, quyền con người. Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong bảo đảm quyền con người trên các phương diện của đời sống xã hội.
Những kết quả, thành tựu to lớn trên lĩnh vực thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm quyền con người mà Việt Nam đã đạt được trong 40 năm qua là minh chứng sinh động cho thấy chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta.
Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý!
Tỉnh Hưng Yên nằm ở tả ngạn sông Hồng, trung tâm của đồng bằng Bắc Bộ, là vùng đất được hình thành từ lâu đời bởi sự kiến tạo, xâm thực, tiến lui của biển cả. Văn hoá Hưng Yên được hình thành, kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử lao động sáng tạo, chiến đấu anh dũng, kiên cường trong công cuộc dựng nước và giữ nước cùng dân tộc Việt Nam cũng như được tôi luyện, thử thách trước thiên tai, thiên nhiên khắc nghiệt. Hưng Yên là vùng đất văn hiến, giàu truyền thống văn hoá, có lịch sử vẻ vang, cách mạng anh hùng, thể hiện bản sắc, cốt cách, khí phách, những giá trị bền vững, tinh hoa của con người Hưng Yên và con người Việt Nam với những phẩm chất cao đẹp.
Ngay từ khi được tái lập năm 1997, mặc dù điều kiện kinh tế – xã hội có nhiều khó khăn, song tỉnh Hưng Yên luôn quan tâm phát triển con người, bảo đảm quyền con người và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Văn kiện các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên từ lần thứ XIV đến XIX đều có những chủ trương, nhiệm vụ quan trọng về phát triển con người, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của Nhân dân và phát huy các giá trị con người, giá trị văn hóa truyền thống Hưng Yên. Nhiều chủ trương, nghị quyết, chính sách xã hội quan trọng, đúng đắn, công bằng vì con người của tỉnh đã được ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả đã trở thành động lực phát huy sức mạnh của Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công cuộc đổi mới và phát triển tỉnh Hưng Yên.
Thưa các quý vị đại biểu, khách quý!
Trong những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã đạt nhiều thành tựu phát triển to lớn, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử. Kinh tế tăng trưởng nhanh, xã hội ổn định, hài hòa; hạ tầng kinh tế – xã hội phát triển đồng bộ; nguồn lực xã hội to lớn được huy động, phẩn bổ và sử dụng hiệu quả; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội không ngừng được nâng cao; cuộc sống hạnh phúc, bình yên của Nhân dân được bảo vệ; an ninh chính trị, trật tự xã hội được bảo đảm. Nay, tỉnh Hưng Yên đang vững bước trên con đường phát triển theo định hướng chiến lược trở thành tỉnh công nghiệp mạnh, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của cả nước, phấn đấu đến năm 2030 cơ bản đạt tiêu chuẩn thành phố trực thuộc Trung ương, đến năm 2050 là thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa, phồn vinh, hạnh phúc.
Chúng tôi xác định rằng tất cả những thành tựu đạt được đến nay và việc hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng phát triển nói trên là nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt, quyết định của Đảng và có vai trò đóng góp to lớn của Nhân dân. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển con người toàn diện, phát huy giá trị con người, văn hóa truyền thống đi đôi với bảo đảm quyền con người; lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể, nguồn lực và động lực phát triển nhanh, bền vững quê hương, đất nước.
Thưa các quý vị đại biểu, khách quý!
Phát triển con người toàn diện và bảo đảm quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển – Đây là một trong những giá trị tiến bộ, nhân văn cao đẹp của xã hội xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhân dân ta đang xây dựng.
Hội thảo hôm nay về con người và quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước có ý nghĩa quan trọng, góp phần khẳng định các chủ trương, quan điểm đúng đắn của Đảng ta và những thành tựu đạt được về vấn đề con người, quyền con người; đồng thời cung cấp thêm các luận cứ khoa học và bằng chức thực tế để thống nhất nhận thức và hỗ trợ quá trình hoạch định, hoàn thiện các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, trước hết là Văn kiện Đại hội XIV của Đảng về nội dung con người và quyền con người.
Về phía tỉnh Hưng Yên, qua Hội thảo này các cấp ủy đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên trong tỉnh nhận thức thống nhất, sâu sắc, toàn diện hơn và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả hơn các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vấn đề con người, quyền con người, đồng thời có thêm cơ sở để xây dựng nội dung về con người, quyền con người trong Văn kiện Đại hội XX của Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2025-2030.
Chúng tôi tin tưởng rằng dưới sự chủ trì, chỉ đạo sát sao của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học việc Chính trị uốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, sự chuẩn bị công phu của Ban Tổ chức Hội thảo, các cơ quan phối hợp, các tổ giúp việc, đặc biệt là sự tham gia tích cực, trách nhiệm của đại diện lãnh đạo các Ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học, Hội thảo Khoa học của chúng ta nhất định sẽ thành công tốt đẹp.
Cuối cùng, kính chúc quý vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể các đồng chí sức khỏe và hạnh phúc.
Xin trân trọng cảm ơn!
Nguồn: https://baohungyen.vn/bai-phat-bieu-chao-mung-hoi-thao-khoa-hoc-cap-quoc-gia-chu-de-con-nguoi-quyen-con-nguoi-la-trung-tam-3176193.html