Ngày 7/10, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp trực tuyến Chính phủ với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự phiên họp tại điểm cầu Hưng Yên có đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Tháng 9 và 9 tháng năm 2024, nền kinh tế nước ta tiếp tục đối mặt với “tác động kép” từ các yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế nội tại kéo dài. Đặc biệt là bão số 3 đã gây ra hậu quả nghiêm trọng tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Tuy nhiên, Chính phủ cùng các cấp, các ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực, triển khai đồng bộ, hiệu quả trên các lĩnh vực. Nhờ đó, tình hình kinh tế – xã hội tiếp tục phục hồi tích cực. GDP quý III ước tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực công nghiệp và xây dựng – dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ bão số 3 nên tăng trưởng chậm so với cùng kỳ các năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2024, tăng trưởng GDP đạt 6,82%. Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,2%; công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%; dịch vụ tăng 6,95%…
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn cho phép. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng tăng 3,88% so với cùng kỳ trong bối cảnh đã thực hiện việc tăng lương từ ngày 1/7/2024 và điều chỉnh giá một số dịch vụ.
Sản xuất nông nghiệp duy trì tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Khu vực dịch vụ tăng khá, tích cực hơn qua từng tháng, từng quý. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhanh, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng kinh tế.
9 tháng qua, cả nước có hơn 183 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,7%, tuy nhiên có 163.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 tăng 7,6% so với cùng kỳ, 9 tháng tăng 8,8%. Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng, hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng cao.
Mục tiêu tăng trưởng quý IV đạt khoảng từ 7,6-8% sẽ giúp tăng trưởng cả năm 2024 đạt và vượt 7%. Để đạt mục tiêu trên, 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được đặt ra. Trong đó, tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả, kịp thời Nghị quyết số 143/NQ-CP của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ người dân, các trang trại, hộ kinh doanh, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt, nhất là trong khu vực nông nghiệp, thủy sản và du lịch nhằm nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh; tiếp tục ưu tiên nguồn lực để hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, tranh thủ cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2025; tháo gỡ triệt để khó khăn, vướng mắc, giải phóng tối đa nguồn lực đang bị tồn đọng trong các dự án, đất đai cho tăng trưởng và phát triển. Đồng thời, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…; đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy hiệu quả hoạt động của các hội đồng điều phối vùng…
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương sự nỗ lực, cố gắng vượt khó của các bộ, ngành, địa phương. Đánh giá khái quát, tình hình kinh tế – xã hội tháng 9, quý III và 9 tháng năm 2024, đồng chí đã chỉ ra những nguyên nhân chính của những kết quả đã đạt được cũng như chỉ ra những hạn chế và khó khăn, thách thức cần khắc phục.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước để có phản ứng chính sách phù hợp, có giải pháp kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp với tinh thần: Quyết tâm cao độ – Nỗ lực hết mình – Hành động quyết liệt – Phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024, tạo đà cho năm 2025. Đồng thời nhấn mạnh cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ theo yêu cầu của Hội nghị Trung ương 10 với quan điểm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nêu rõ, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cần chú ý lắng nghe các ý kiến, khuyến nghị của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư; trên cơ sở đó tiếp thu cầu thị, có giải pháp, nhiệm vụ kịp thời, phù hợp, hiệu quả. Đồng thời thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu quý IV cũng như cả năm 2024 đã đề ra.
Phương Minh
Nguồn: https://baohungyen.vn/phien-hop-truc-tuyen-chinh-phu-voi-cac-tinh-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-3175975.html