Làng Ông Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ) mùa Tết Trung thu rộn ràng tiếng lách cách của nhà làm trống, sặc sỡ màu mặt nạ giấy bồi…
Những người thợ chăm chút cho từng sản phẩm của mình. Ảnh: Thanh Bình
Làng Ông Hảo vào mùa Tết Trung thu sặc sỡ sắc màu xanh, đỏ, vàng rực rỡ của mặt nạ ông địa, chú Tễu, đầu múa lân… Bên cạnh đó là tiếng xè xè của máy tiện, tiếng bộp bộp chát chát của búa và mùi sơn mài đặc trưng.
Nghề thủ công như chăm con mọn
Để tìm hiểu nghề làm trống ở làng Ông Hảo, du khách có thể ghé thăm nhà ông Vũ Văn Hởi, người đã lớn lên cùng tiếng trống từ năm 13 tuổi. Hiện nay, người nghệ nhân ở cái tuổi thất thập cổ lai hy tiếp tục nghề truyền thống của gia đình.
Những chiếc trống ở làng Ông Hảo được chế tác thủ công hoàn toàn từ gỗ bồ đề – chất liệu bền bỉ, dễ đẽo, dễ tạo hình và có độ vang âm tốt. Quy trình làm trống ngày nay có sự tham gia của máy móc nên đã rút ngắn nhiều thời gian. Dù vậy, sức khoẻ, sự tỉ mẩn, khéo léo, chịu khó của những người thợ vẫn là yếu tố tiên quyết.
“Nghề làm trống thủ công cũng giống như chăm con mọn. Năm nào mưa nhiều, tang trống sẽ ẩm và gần như trống không vang. Khi ấy, lấy dùi gõ vào trống chỉ kêu những tiếng bèn bẹt.
Còn nếu thời tiết khô ráo, phải phơi tới chục nắng tang trống mới chuyển sang màu vàng hanh, tiếng kêu sẽ giòn, thanh, đạt tiêu chuẩn. Cái nghề này cứ giữa trưa nắng thì cả nhà lại rồng rắn nhau ra phơi trống là vậy”, ông Hởi nói.
Từng lớp, từng lớp tang trống đang được “tắm nắng“. Ảnh: Khánh Linh
Anh Hưng, con trai ông Hởi, là người nối nghề của cha. Anh tâm sự: “Nghề nào cũng có nỗi vất vả riêng nên nghề truyền thống của cha ông để lại thì mình cố mà phát huy, giữ lấy” – anh Hưng chia sẻ.
Anh Hưng chịu trách nhiệm tiện tang trống ở máy, tuỳ vào từng kích thước của trống, anh sẽ vừa kết hợp với máy và đầu dao nhọn để làm đúng số vòng cho tang trống (thân trống).
Sự tham gia của máy móc đã hỗ trợ người thợ tiện được nhiều tang trống hơn, nhiều chuyến hàng được lăn bánh. Ảnh: Thanh Bình
Tiếp đó là phần căng mặt trống. Bà Nguyễn Thị Lành, vợ ông Hởi, đồng hành cùng chồng giữ nghề suốt bao năm qua khi đảm nhiệm phần căng mặt trống. Người phụ nữ nhỏ nhắn thoăn thoắt xoay từng vòng tang trống để căng và cố định mặt da.
Ngày nay, người làng đã chuyển từ đinh vầu sang bắn ghim. Công đoạn căng mặt trống nhanh hơn nhưng chi phí cũng đội lên rất nhiều – bà Lành cho biết.
Bưng da cho trống phải căng thật kỹ, tiếng mới vang, trong, rền – cô Lành cho biết. Ảnh: Khánh Linh
Cuối cùng là bước quét từng lớp sơn đỏ lên tang trống rồi tiếp tục mang đi phơi khô. Dưới ánh nắng gay gắt, những chiếc trống hoàn chỉnh ánh lên màu sắc tươi sáng. Những thùng hàng chất đầy trống sẽ tiếp tục nối nhau đến tận tay các em nhỏ tại nhiều tỉnh thành như: Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, xuống tận Nghệ An, Huế, Đà Nẵng.
Sáng tạo trong từng nét vẽ cổ truyền
Làng Ông Hảo còn một nghề truyền thống khác gắn liền với Trung thu là nghề làm mặt nạ giấy bồi. Địa chỉ du khách có thể ghé thăm là nhà nghệ nhân Vũ Huy Đông.
Để một chiếc mặt nạ giấy bồi được đưa ra thị trường phải trải qua 3 công đoạn thủ công cơ bản: Tạo khuôn, bồi khô và sơn vẽ. Sau khi chọn khuôn tương ứng với một nhân vật cụ thể, người thợ sẽ tiếp tục tạo hình bằng cách bồi giấy bìa, giấy tái chế lên từng khuôn có sẵn.
Khi đã bồi khô, những chiếc mặt nạ sẽ được mang đi phơi nắng để biến hóa thành những hình hài duyên dáng, hóm hỉnh mang đậm chất thuần Việt. Toàn bộ các công đoạn làm mặt nạ bồi giấy, nguyên liệu hoàn toàn thiên nhiên, tái sử dụng từ những tấm giấy, báo cũ.
Khuôn mặt nạ được tạo nên từ bột sắn pha loãng, 3 lớp giấy bồi khô cùng sự nắn nót, tỉ mỉ của người thợ. Ảnh: Khánh Linh
“Bước cuối cùng phác hoạ lên mặt nạ là bước quan trọng nhất bởi người “hoạ sĩ” phải làm sao truyền tải tâm hồn của từng con vật lên từng chiếc mặt nạ, phải cảm tưởng mình và con vật đồng điệu, hoà vào làm một”, ông Đông nói.
Bên cạnh mẫu mã truyền thống, xưởng sản xuất của ông Đông đã cải tiến, sáng tạo thêm 20 hình mẫu mã đa dạng, gắn với các hình tượng 12 con giáp hay nhân vật dân gian gần gũi. Những chiếc mặt nạ vừa phải dung hòa giữa yếu tố truyền thống, giữ gìn bản sắc, vừa bắt kịp xu thế hiện đại.
“Hiện nay chỉ còn khoảng 7-8 nhà còn duy trì nghề truyền thống nên chúng tôi liên tục phải mày mò, sáng tạo, làm mới mình để tiếp cận với các em nhỏ trong thời đại ngày nay”, ông nói.
Nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đã từng đặt chân tới làng Ông Hảo tham quan và trải nghiệm làm mặt nạ truyền thống. Ảnh: NVCC.
Với mong muốn lan toả nghề truyền thống tới đông đảo công chúng, ông Đông cũng kết nối với các tổ chức văn hoá, công ty lữ hành biến cơ sở sản xuất đồ chơi của mình trở thành địa điểm đón khách trong nước và quốc tế về tham quan, trải nghiệm.
Cứ tới cuối tuần, khoảng sân nhà ông lại đầy ắp tiếng cười đùa của nhiều em nhỏ, du khách trong và ngoài nước tham gia trải nghiệm làm đồ chơi cổ truyền Việt Nam.
Những chiếc mặt nạ bồi giấy đã thành hình. Ảnh: Thanh Bìn
Thanh Bình
Nguồn: https://dulich.laodong.vn/kham-pha/sac-mau-tet-trung-thu-co-truyen-o-lang-ong-hao-1394865.html