Được phục dựng lần đầu tiên vào năm 2022, năm nay là năm thứ hai xã Dạ Trạch (Khoái Châu) tổ chức Lễ hội Triệu Việt Vương để tưởng nhớ vị vua duy nhất của tỉnh Hưng Yên đã góp phần đem lại một thời kỳ tự chủ của dân tộc. Lễ hội được tổ chức từ ngày 26 đến 28/9 (tức từ ngày 12 đến 14/8 âm lịch) tại Đền thờ Triệu Việt Vương, thôn Yên Vĩnh.
Theo tư liệu lịch sử, danh nhân Triệu Việt Vương tên huý là Triệu Quang Phục sinh ra trong một gia đình nhiều đời làm hào trưởng, cha là Thái phó Triệu Túc, người huyện Chu Diên (huyện Khoái Châu ngày nay). Ông là người uy nghi, giỏi võ nghệ, từ sớm cùng cha theo Lý Nam Đế (Lý Bí) khởi nghĩa, lật đổ chính quyền đô hộ nhà Lương, giành độc lập, lập nên nước Vạn Xuân năm 544. Triệu Việt Vương được ban chức Tả tướng. Năm 545, nhà Lương tiếp tục huy động đại binh, cử tướng tài Trần Bá Tiên dồn sức mở cuộc tấn công xâm lược nước Vạn Xuân. Cuộc kháng chiến chống quân Lương xâm lược lần này là một cuộc chiến tranh kéo dài 5 năm (545 – 550) và chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn đầu (545 – 546) do Lý Nam Đế chỉ huy; giai đoạn sau (547 – 550) do Triệu Quang Phục chỉ huy.
Triệu Quang Phục thực hiện đường lối đánh địch lâu dài ngay giữa vùng đồng bằng bằng chiến tranh du kích, vừa tiêu hao sinh lực địch mà vẫn bảo toàn lực lượng. Ngài lập căn cứ ở đầm Dạ Trạch. Đây là vùng đất lau sậy rậm rạp, cỏ cây um tùm, ở giữa có nền đất cao có thể ở được, bốn mặt bùn lầy, người ngựa khó đi, chỉ có thể dùng thuyền độc mộc nhẹ lướt. Ban ngày không để lộ khói lửa và dấu người, đêm đến dùng thuyền độc mộc đem quân ra đánh doanh trại của Trần Bá Tiên, giết và bắt sống rất nhiều quân lính, lấy được lương thực, làm kế cầm cự lâu dài. Không những thế, ngài còn tổ chức cho dân vùng Dạ Trạch và nghĩa quân trồng lúa, lấy nguồn thức ăn từ vùng đất này. Qua 4 năm chiến đấu (547 – 550) quân ta càng đánh càng mạnh, quân giặc càng ngày càng suy yếu. Năm 548, Lý Nam Đế mất, tướng sĩ tôn Triệu Quang Phục lên thay Lý Nam Đế, nhưng ông chỉ xưng Vương, lấy hiệu là Triệu Việt Vương. Sau đó lợi dụng thời cơ tổ chức một loạt cuộc tấn công lớn vào quân giặc, quân Lương tan vỡ. Triệu Việt Vương vào đóng ở thành Long Biên, kế tục sự nghiệp của nhà Tiền Lý đến năm 571.
Ghi nhận công lao, cống hiến của Triệu Việt Vương, Nhân dân trong vùng đã lập đền thờ. Năm 2018, huyện Khoái Châu cùng với Nhân dân địa phương xây dựng ngôi đền mới trên nền ngôi đền cũ bị hư hại. Ngôi đền thờ Triệu Việt Vương được hoàn thành với diện tích trên 13.700m2 gồm các hạng mục: Nghi môn, bình phong, đền chính, nhà tả vu, hữu vu và các công trình phụ trợ. Toàn bộ công trình được làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài kết hợp với hoa văn trang trí đặc thù. Các kiến trúc được thiết kế đồng bộ, hòa hợp với không gian, cảnh quan làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ngôi đền là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân trong vùng và là địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau. Ngày 20/1/2020, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 177/QĐ-CTUBND về xếp hạng di tích đền thờ Triệu Việt Vương là di tích lịch sử – văn hoá cấp tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Tiến Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Dạ Trạch cho biết: Năm 2022 là năm đầu tiên xã Dạ Trạch tổ chức phục dựng Lễ hội Triệu Việt Vương, tái hiện lại những hình ảnh của đội quân Triệu Việt Vương và căn cứ Dạ Trạch. Năm nay, Lễ hội được tổ chức từ ngày 12 đến 14 tháng Tám (âm lịch). Lễ hội Triệu Việt Vương bao gồm phần lễ và phần hội kết hợp vừa trang trọng, tôn nghiêm, vừa rộn ràng, tươi mới. Chính hội bắt đầu tổ chức vào ngày 12 tháng Tám, tương truyền là ngày Triệu Quang Phục tế cờ ra quân đánh giặc. Mở đầu là các nghi lễ trang trọng: Rước kiệu từ đền Triệu Việt Vương ra đầm Dạ Trạch; tế lễ; khai hội, múa rồng, múa lân… Trong 3 ngày hội, sau các hoạt động tế, lễ trang nghiêm còn có các trò chơi dân gian của phần hội như: Cầu kiều, đập niêu đất, hát trống quân, chầu văn… Năm nay Ban tổ chức lễ hội tổ chức thi đua thuyền tại đầm Dạ Trạch giữa 2 đội ở 2 thôn Yên Vĩnh và Đức Nhuận. Để lễ hội được tổ chức chu đáo, UBND xã xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức Lễ hội Triệu Việt Vương; thành lập các tiểu ban phục vụ lễ hội từ tháng 8. Những ngày này, các đội hình rước, văn nghệ đang tích cực tập luyện như: Múa rồng, múa lân, bát âm, múa sênh tiền…
Lễ hội Triệu Việt Vương là lễ hội mang đậm giá trị văn hóa sâu sắc, đây không chỉ là dịp tưởng nhớ công lao của danh tướng họ Triệu mà còn là dịp giáo dục cho những thế hệ sau về ý chí vươn lên, về lòng yêu nước, minh chứng về nền văn hiến lâu đời của dân tộc…
Hương Giang