Trên địa bàn tỉnh có nhiều giống nhãn đặc sản nổi tiếng như: PHM99-1.1 (nhãn chín muộn Khoái Châu), PHM99-2.1 (nhãn Hương Chi), các giống nhãn chín muộn (HTM1, HTM2 HTM6), nhãn đường phèn, nhãn cùi cổ… Trong số 50 nguồn gen nhãn đang sản xuất ở các địa phương trong tỉnh, có trên 40 nguồn gen có nguồn gốc bản địa. Mỗi hộ gia đình thường trồng từ 3 đến 4 nguồn gen nhãn, tuy nhiên có nhiều hộ trồng 20 nguồn gen nhãn. Số lượng cá thể của các nguồn gen này cũng rất khác nhau, các giống nhãn PHM99-1.1 và PHM99-2.1 được trồng với số lượng lớn nhất, chiếm hơn 80%.
Mặc dù nguồn giống nhãn của tỉnh khá phong phú, tuy nhiên việc bảo tồn, khai thác và phát triển các giống nhãn đặc sản còn nhiều hạn chế. Nhiều giống nhãn đặc sản, quý hiếm của tỉnh như: Nhãn đường phèn, nhãn cùi cổ… đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt do việc bảo tồn, khai thác và phát triển những giống nhãn này chưa được quan tâm đúng mức; việc khai thác, sử dụng nguồn gen nhãn còn tự phát, quy mô nhỏ dẫn đến sản lượng không ổn định, giá cả biến động…
Với mong muốn lưu giữ vị ngọt ngon đặc trưng của nhãn lồng Phố Hiến, không ngừng nâng cao giá trị và chất lượng quả nhãn, nhiều nông dân ở thành phố Hưng Yên đã nhiều năm gắn bó với cây nhãn vẫn không ngừng tìm tòi, học hỏi, ngày đêm đau đáu để mỗi mùa nhãn chín, hương vị nhãn lồng lại bay xa, làm nức lòng thực khách bốn phương.
Ý thức lưu giữ giống nhãn cùi cổ đến với ông Bùi Xuân Tám, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) từ những năm 90, khi gia đình ông nhận thầu rặng nhãn cổ trên bờ đê của xã Hồng Nam. Vào vụ nhãn chín, ông nhận thấy một cây nhãn cổ cho quả thơm ngon đặc biệt. Mã quả tươi sáng, cùi giòn, vị ngọt mà thơm. Ông Tám tâm sự: Linh tính của người làm vườn đã mách bảo tôi phải gây giống, ươm trồng, phát triển giống nhãn quý này, kẻo ngày nào đó cây quá già cỗi sẽ chết và mất một giống nhãn ngon. Hạt của giống nhãn ngon ấy được tôi ươm trồng trong vườn nhà, mấy năm sau cây đã lớn và cho quả thơm ngon, không phụ công người chăm sóc. Từ cây nhãn cùi cổ đầu tiên ấy, tôi ghép mầm vào các cây khác để nhân rộng diện tích nhãn quý, cải tạo và nâng cao chất lượng vườn nhãn hàng hoá của gia đình. Đến nay, ông Tám đã có vườn nhãn cùi cổ gần 100 cây, sản lượng quả mỗi năm lại tăng lên, chất lượng quả thơm ngon nức tiếng gần xa, như một thành quả xứng đáng dành cho lão nông mến ruộng yêu vườn. Năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức bình tuyển cây nhãn đầu dòng và cây nhãn cùi cổ của ông Tám đã được cấp Giấy công nhận cây đầu dòng mang tên nhãn Cùi cổ Bùi Tám, mã hiệu nguồn giống: C.NHANHONGNAM.33.323.11977.22.19 (viết tắt HYT19).
Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo tồn, phát triển nguồn gen nhãn, đồng thời giúp cho việc khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên cây trồng đặc sản của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho nông dân; ngày 31/12/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2918/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển vùng trồng nhãn, vải đặc sản tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của đề án đối với cây nhãn, đến năm 2025, cơ bản bảo đảm nguồn gen nhãn hiện có của tỉnh được kiểm kê, đánh giá; xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gen nhãn. Xây dựng mới khu bảo tồn và duy trì bảo tồn hiện trạng cây nhãn tổ; bảo tồn nguyên trạng đối với các cây nhãn có chất lượng ngon, quý hiếm tại vườn của các chủ hộ sở hữu; thành lập vườn bảo tồn chuyển vị các nguồn gen nhãn của tỉnh. Tập trung cải tạo, thay thế các vườn nhãn tạp, cây già cỗi cho năng suất, chất lượng thấp bằng các giống nhãn đặc sản, có giá trị kinh tế cao, trong đó mở rộng diện tích trồng các giống nhãn đường phèn, nhãn cùi cổ chiếm 15 – 20% diện tích nhãn của tỉnh. Giai đoạn 2026 – 2030, tiếp tục duy trì các hoạt động bảo tồn nguồn gen nhãn của tỉnh; chăm sóc, khai thác hiệu quả vườn cây bảo tồn bảo đảm đủ nguồn cung cấp giống nhãn phục vụ công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như cải tạo chất lượng nhãn của tỉnh.
Thực hiện đề án trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện cơ sở giữa liệu và xây dựng bản đồ phân bố nguồn gen nhãn của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, quản lý, bảo tồn và phát triển 45 nguồn gen nhãn để lưu giữ tại Trung tâm Tài nguyên thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT). Tổ chức cấp phát kinh phí hỗ trợ bảo tồn nguyên trạng theo định mức cho các hộ là chủ sở hữu các cây nhãn trong danh mục bảo tồn; đồng thời hướng dẫn các hộ kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ và khai thác các cây bảo tồn. Cấp kinh phí cho Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh mua phân bón, vật tư để chăm sóc 1 héc-ta bảo tồn chuyển vị đối với 250 cây nhãn. Cùng với đó, sở chỉ đạo xây dựng mô hình thâm canh nhãn với diện tích 2,5 héc-ta tại các xã Hồng Nam, Tân Hưng (thành phố Hưng Yên); tổ chức hỗ trợ trồng mới, ghép cải tạo các giống nhãn đặc sản với diện tích 65 héc-ta. Năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức bình tuyển và ra quyết định công nhận 51 cây nhãn đạt tiêu chuẩn cây đầu dòng, gồm 13 cây nhãn chín sớm, 30 cây nhãn chính vụ, 8 cây nhãn chín muộn. Đối với vườn cây ăn quả, qua đánh giá các chỉ tiêu, Sở Nông nghiệp và PTNT quyết định công nhận 31 vườn cây đạt tiêu chuẩn vườn cây ăn quả đầu dòng.
Việc tổ chức bình tuyển và công nhận cây, vườn cây nhãn đầu dòng tạo ra nguồn cung cấp giống tốt, ổn định phục vụ việc phát triển trồng mới, cải tạo vườn tạp, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhãn của tỉnh; hình thành các vùng sản xuất tập trung, sản phẩm có thương hiệu, giá trị kinh tế, tính cạnh tranh cao và phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đồng thời, việc bình tuyển nhằm tạo điều kiện để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo, nghiên cứu khoa học và giáo dục môi trường, phát triển du lịch sinh thái, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Với những ý nghĩa của việc bình tuyển, sau khi các vườn, cây được công nhận đầu dòng, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cần tăng cường phối hợp để tổ chức theo dõi, quản lý, hướng dẫn các chủ hộ thực hiện bảo tồn, chăm sóc, quản lý và khai thác hiệu quả nguồn giống, mầm ghép theo quy định; tăng cường công tác kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nói chung và giống cây ăn quả nói riêng. Các tổ chức, cá nhân có cây, vườn cây đầu dòng đã được công nhận thực hiện việc bảo tồn, chăm sóc, quản lý, khai thác cây, vườn cây đầu dòng theo quy định.
Nhóm phóng viên