Thời gian qua, cùng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu, các địa phương trong tỉnh luôn quan tâm thực hiện tiêu chí số 13- hình thức tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Đây là tiêu chí quan trọng nhằm định hướng, hỗ trợ cho người dân phát triển hình thức sản xuất phù hợp, bền vững và nâng cao giá trị sản xuất.
Thực hiện tiêu chí số 13, những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Theo đó, tỉnh đã ban hành và triển khai nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM. Tỉnh huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và bố trí nguồn lực lớn cho phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM; đẩy mạnh triển khai Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Các cơ chế, chính sách đã góp phần chuyển dịch sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn toàn diện và đúng hướng. Đến hết tháng 7, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt trên 7,3 nghìn tỷ đồng, tăng gần 2,3% so với cùng kỳ năm trước; trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 45 mô hình sản xuất lúa tập trung với diện tích 930 héc-ta; 199 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP…
Tại xã Minh Tiến (Phù Cừ), xác định việc xây dựng NTM có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, xã chú trọng thực hiện phát triển sản xuất gắn với xây dựng NTM kiểu mẫu; tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế gắn với phát triển cây trồng chủ lực của địa phương; tích cực áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất gắn với thực hiện chương trình OCOP và xây dựng các vùng sản xuất tập trung. Đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành 8 vùng sản xuất tập trung với diện tích gần 300 héc-ta; thu nhập bình quân 1 héc-ta trồng cây ăn quả đạt từ 250 triệu đồng/năm trở lên. Năm 2022, xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về tổ chức sản xuất.
Không chỉ phát triển sản xuất gắn với thế mạnh của địa phương, tỉnh, ngành chức năng tuyên truyền, vận động người dân phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX). Theo đó, tỉnh tập trung hỗ trợ các HTX chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012; quan tâm hỗ trợ thành lập mới nhiều HTX. Đến nay, toàn tỉnh có 480 HTX. Các HTX đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập.
Đồng chí Lưu Quang Phúc, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu cho biết: Xác định kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX có vai trò quan trọng trong việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM bền vững tại địa phương, những năm qua, huyện luôn chú trọng thực hiện các giải pháp phát triển mô hình kinh tế HTX. Đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập được 1 liên hiệp HTX; có 88 HTX, 150 tổ hợp tác lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX, tổ hợp tác đã xây dựng và duy trì 30 liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giúp các thành viên, hộ nông dân tham gia liên kết phát triển sản xuất, từ đó, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, hướng đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung quy mô lớn.
Đến thăm HTX nông sản sạch Minh Bảo, xã Bình Kiều (Khoái Châu), trên cánh đồng trồng nhãn, các thành viên đang miệt mài chăm sóc với hy vọng một mùa nhãn bội thu. Ông Phạm Đức Long, Giám đốc HTX cho biết: Góp sức xây dựng NTM, HTX không ngừng đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, liên kết sản xuất, bảo đảm ổn định đầu ra cho thành viên. Hiện nay, 100% diện tích trồng nhãn của HTX áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật và liên kết đã giúp HTX hoạt động hiệu quả. Đến nay, HTX có sản phẩm nhãn quả tươi được chứng nhận sản phẩm OCOP, doanh thu trung bình của HTX đạt trên 1 tỷ đồng/năm.
Phát huy tiềm năng, lợi thế, các địa phương tích cực phát triển sản xuất gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, từ đó giúp kinh tế – xã hội tại các địa phương ngày thêm khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 120/139 xã đạt tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Tuy nhiên, sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; khâu liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều, thiếu bền vững; tỉ lệ cơ giới hóa trong khâu gieo trồng, chế biến chưa cao; tỉ lệ HTX thực hiện ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất còn thấp… Nhằm hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, hiện đại, thời gian tới, bên cạnh công tác tuyên truyền, mỗi ngành, địa phương đề ra những giải pháp tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; tiếp tục khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị; đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, tổ hợp tác; đa dạng hóa các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP…
Minh Hồng