Sau thời gian thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), hiện nay, một số sản phẩm OCOP của tỉnh vẫn chưa có vùng nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất, sự liên kết giữa chủ thể OCOP với người sản xuất trong cung cấp nguyên liệu chưa bền chặt, việc tiêu chuẩn hóa nguồn nguyên liệu chưa được quan tâm… khiến việc phát triển sản phẩm OCOP mới hoặc duy trì sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Năm 2020, sản phẩm dầu lạc của Hợp tác xã (HTX) thương mại – dịch vụ, sản xuất nghệ Đại Hưng, xã Đại Hưng (Khoái Châu) được công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao của tỉnh. Tuy nhiên, trong đợt đề nghị đánh giá lại sản phẩm OCOP hồi cuối tháng 12/2022, HTX không thực hiện hồ sơ đánh giá lại do không bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất nên khó cạnh tranh trong tiêu thụ sản phẩm. Anh Nguyễn Văn Quân, Giám đốc HTX thương mại – dịch vụ, sản xuất nghệ Đại Hưng cho biết: Ở tỉnh ta, lạc chủ yếu được trồng ở khu vực vùng bãi hoặc xen canh tại các khu dân cư; sản xuất mang tính nhỏ lẻ, xen vụ chứ không phải sản xuất hàng hóa. Do đó, để đáp ứng nhu cầu sản xuất dầu lạc, HTX phải nhập thêm nguyên liệu từ các địa phương khác trong cả nước. Tuy nhiên, việc không chủ động được nguồn nguyên liệu khiến HTX gặp phải một số khó khăn như: Tăng chi phí sản xuất, khó kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào… Do đó, sản phẩm dầu lạc sau khi hết thời gian chứng nhận sản phẩm OCOP, HTX không làm hồ sơ đề nghị đánh giá lại mà tập trung phát triển các sản phẩm OCOP từ nghệ như: Tinh nghệ mật ong corri, tinh bột nghệ corri, bột nghệ corri…
Vụ nhãn năm nay, Công ty TNHH sản xuất- thương mại và xuất khẩu nông sản Việt Vinagri (Khoái Châu) có nhu cầu tiêu thụ khoảng 100 tấn nhãn quả tươi. Doanh nghiệp phải liên hệ, hợp tác với một số HTX trong tỉnh để bảo đảm số lượng, chất lượng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu. Anh Trần Minh Đức, Phó Giám đốc Công ty TNHH sản xuất- thương mại và xuất khẩu nông sản Việt Vinagri cho biết: Hiện nay, công ty có 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao gồm: Long nhãn sấy điện và long nhãn ôm sen. Bên cạnh tiêu thụ trong nước, công ty ký kết với một số doanh nghiệp xuất khẩu long nhãn sang thị trường Nga. Do đó, chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào đóng vai trò quan trọng, quyết định đến hoạt động xuất khẩu. Để đáp ứng nhu cầu thu mua, công ty sẽ gửi mẫu nhãn quả tươi để đánh giá, kiểm tra các hàm lượng theo yêu cầu của đơn vị nhập khẩu. Nếu nguồn nguyên liệu đáp ứng các chỉ tiêu, doanh nghiệp sẵn sàng thu mua với mức giá cao hơn trung bình cùng khu vực. Tuy nhiên, quá trình kiểm soát khâu chăm sóc cho thấy một số HTX còn lạm dụng sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất, chưa tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP… nên khó đáp ứng yêu cầu về chất lượng.
Có thể khẳng định, nguyên liệu đầu vào là vấn đề sống còn đối với nhiều doanh nghiệp, chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP. Nếu thiếu nguyên liệu, hoạt động sản xuất cầm chừng, không mở rộng được quy mô. Trong khi đó, không phải doanh nghiệp nào cũng thuê được đất để sản xuất hoặc phải thuê với chi phí cao, thời gian thuê ngắn. Hiện nay, toàn tỉnh có 25 sản phẩm OCOP đã khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận như: Nghệ Chí Tân (Khoái Châu), chuối tiêu hồng Khoái Châu, vải lai chín sớm Phù Cừ, nhãn lồng Hưng Yên, mật ong hoa nhãn Hưng Yên… Tuy nhiên, theo đánh giá của các chủ thể, vùng nguyên liệu trong tỉnh còn manh mún, nhỏ lẻ. Việc xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn theo tiêu chí hữu cơ, an toàn, VietGAP, GlobalGAP, HACCP còn hạn chế, gây trở ngại cho việc xuất khẩu sản phẩm OCOP. Ngoài ra, việc liên kết giữa chủ thể OCOP và người dân trong việc cung ứng nguyên liệu đầu vào còn thiếu bền vững khi không tuân thủ quy trình sản xuất theo yêu cầu hoặc khi giá thị trường lên cao, người sản xuất sẵn sàng bán cho thương lái mà không cung ứng cho chủ thể OCOP theo cam kết.
Để nâng cao hiệu quả của Chương trình OCOP, trở thành đòn bẩy trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm thúc đẩy hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tích tụ, tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; khuyến khích phát triển các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của địa phương, sản xuất theo hướng hàng hóa… Đồng thời, tập trung chỉ đạo các địa phương phát triển các sản phẩm mới trên cơ sở lợi thế vùng nguyên liệu; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để phát triển và kiểm soát chất lượng các vùng nguyên liệu của sản phẩm OCOP. Cùng với đó, các chủ thể nâng cao năng lực về tài chính, hệ thống kho bãi, dây chuyền sản xuất, chế biến, chủ động
đầu ra của sản phẩm khi mở rộng vùng nguyên liệu để phát huy tiềm năng, lợi thế nông nghiệp của từng địa phương.
Hoa Phương