Thời gian qua, cùng với hoạt động chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực thì thương mại điện tử (TMĐT) trở thành một kênh mua sắm được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, không ít đối tượng đã lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả.
Chị Nguyễn Thị Hà, ở thị trấn Lương Bằng (Kim Động) cho biết: Do không có nhiều thời gian đi mua sắm trực tiếp nên thời gian gần đây, tôi thường “đi chợ” qua điện thoại. Cần mua gì, tôi vào các trang chuyên bán hàng hoặc trang cá nhân của bạn bè, người quen để tìm hiểu từ đồ ăn, thức uống hằng ngày đến thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng, điện tử… Tuy vậy, việc mua trực tuyến rủi ro hơn so với mua trực tiếp, do nhiều sản phẩm có mẫu mã và chất lượng không như quảng cáo. Chính vì thế, tôi chỉ chọn mua hàng ở những trang bán hàng của người quen, có uy tín hoặc chỗ nào đồng ý cho khách xem hàng trước khi thanh toán…
Hiện nay, những người có thói quen mua sắm online như chị Hà ngày càng nhiều, đặc biệt là giới trẻ. Phần vì tiện lợi, phần vì tin vào những lời quảng cáo về chất lượng hàng hoá, các chương trình giảm giá, khuyến mại mà người bán đưa ra… Trong đó, những mặt hàng: Quần áo, giày dép, mỹ phẩm; thiết bị, đồ dùng gia đình; đồ công nghệ và điện tử; sách, quà tặng và thực phẩm… là những loại hàng hóa được người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều.
Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hưng Yên, hiện nay, hoạt động TMĐT và ứng dụng công nghệ số vào kinh doanh trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển. Bên cạnh những lợi ích đem lại, xuất hiện nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng đặc thù của hình thức mua bán online để đưa hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ra thị trường.
Việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT và các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, TikTok, Youtube… gặp nhiều khó khăn, bởi các đối tượng bán hàng trên mạng không có kho hàng hay cửa hàng cụ thể, mà đặt hàng, lấy hàng ở nhiều nơi khác nhau sau đó sử dụng các đơn vị vận chuyển, chuyển hàng và thu tiền hộ; nhiều đối tượng chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian. Đặc biệt, việc các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại khiến lực lượng chức năng rất khó kiểm soát…
Từ năm 2022 đến nay, Cục QLTT tỉnh Hưng Yên đã kiểm tra 12 vụ, xử lý 2 vụ vi phạm về lĩnh vực TMĐT; xử phạt vi phạm hành chính số tiền là 48 triệu đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là: Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp phải đăng ký theo quy định; buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; kinh doanh hàng hóa nhập lậu…
Điển hình, ngày 13/1/2023, Đội QLTT số 5 phối hợp với Đội 2, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) đã kiểm tra đột xuất cửa hàng M.H. Store, tại xã An Vĩ (Khoái Châu). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng đang kinh doanh hơn 100 đôi giày thể thao ghi nhãn hiệu Nike, 77 đôi giày thể thao ghi nhãn hiệu Adidas và 44 hộp phấn nước ghi nhãn hiệu Dior loại 4g có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Lực lượng chức năng tiến hành xác minh với đại diện các chủ thể quyền sở hữu nhãn hiệu Adidas, Nike và Dior tại Việt Nam, đã chứng minh toàn bộ số giày thể thao ghi nhãn hiệu Nike, Adidas nói trên là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; 44 hộp phấn nước Dior là hàng hóa nhập lậu. Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Hưng Yên ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ cửa hàng M.H. Store về hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và kinh doanh hàng hóa nhập lậu tổng số tiền 30,5 triệu đồng; tịch thu 44 hộp phấn nước Dior; buộc tiêu hủy toàn bộ số giày thể thao giả mạo nhãn hiệu Nike, Adidas.
Hiện nay, TMĐT đang phát triển mạnh mẽ, vì vậy, việc ngăn chặn hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường TMĐT, Cục QLTT tỉnh Hưng Yên tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị có liên quan, tăng cường kiểm tra về nội dung, điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực TMĐT. Theo đó, triển khai thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh thông qua các ứng dụng trên internet, website bán hàng, các trang mạng xã hội… nhằm chủ động ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng gian lận về mẫu mã, giá cả, chất lượng của hàng hóa. Đặc biệt là các mặt hàng cấm kinh doanh, hàng giả, hàng lậu, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm…
Bên cạnh đó, Cục QLTT khuyến cáo người tiêu dùng nên mua sắm trực tuyến tại các website TMĐT uy tín, đã được thông báo hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; hàng hóa kinh doanh phải có đầy đủ thông tin theo quy định, nhất là thông tin của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và khi có thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa phải có các giấy tờ, chứng từ chứng minh việc giao dịch. Người tiêu dùng kịp thời thông tin, tố giác đến các cơ quan chức năng các trường hợp mua bán hàng hóa qua mạng vi phạm các quy định của pháp luật để kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật.
Hương Giang