Phố Hiến – đô thị cổ một thời, nức danh với câu ca: “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, đã từng là thương cảng lớn, trung tâm thương mại giao lưu quốc tế sầm uất và phồn thịnh trong suốt hai thế kỷ XVI – XVII.
Các tài liệu lịch sử như: “Đại việt sử ký toàn thư“, “Đại nam nhất thống chí“ đều cho biết từ thế kỷ XIII đã có người Trung Quốc sang lánh nạn ở Phố Hiến và cùng với người bản địa lập nên làng Hoa Dương, điều này còn được lưu lại trong thần tích, thần phả của đền Mẫu và ở đình Hiến. Với những làng xóm tụ cư ngày càng đông, chợ và bến buôn bán cũng xuất hiện. Người Trung Quốc và người Nhật Bản là những người ngoại quốc đầu tiên có mặt ở Phố Hiến. Tuy nhiên, những dấu tích về sự cư trú của người Nhật ở đây rất mờ nhạt, trong khi đó người Trung Quốc lại được thấy như một bộ phận không thể thiếu của đô thị cổ Phố Hiến. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của Phố Hiến luôn có mặt của người Hoa, dấu ấn của họ in đậm nét trong các di tích hiện tồn tại và trong đời sống sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng. Đến khi Hiến ty trấn Sơn Nam chọn làm trị sở thì vùng Phố Hiến trở thành một địa phương có dinh thự, quan lại, quân lính. Tên Phố Hiến xuất phát từ chữ Hiến với các tên gọi là Hiến Nam hay Hiến Doanh, vốn là cơ quan hành chính của trấn Sơn Nam. Mặt khác, tình hình loạn lạc, rối ren ở Trung Quốc càng tạo điều kiện cho người Trung Quốc phiêu bạt xuống phương Nam ngày càng đông. Họ đã theo thuyền xuống Phố Hiến và nhiều người đã ở lại đây, ngưởi Hoa chiếm ưu thế tuyệt đối, họ vừa buôn bán, vừa tham gia sản xuất một số mặt hàng thủ công, vừa làm môi giới cho thuyền buôn nước ngoài.
Khởi đầu, Phố Hiến chỉ là một địa điểm tụ cư và diễn ra những sự trao đổi mua bán của cư dân trong vùng và các vùng lân cận. Đến thế kỷ XV-XVI nông nghiệp và thủ công nghiệp phát triển tạo ra những sản phẩm hàng hóa, lúc đầu là các hoạt động buôn bán qua mạng lưới chợ, sau đó, thương nghiệp ngày càng phát triển và trở thành hoạt động kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là ngoại thương. Với sự thuận lợi là đầu mối giao thông trên trục sông Hồng, đồng thời là một tiền cảng của kinh thành Thăng Long thông ra biển, chính vì vậy đến thế kỷ XVI, Phố Hiến đã dần nổi lên như một đô thị và cảng buôn sầm uất “trên bến, dưới thuyền”. Nhờ chính sách hợp lý của triều đình, nhờ thu hút được vai trò kích thích của ngoại thương và đông đảo các thương lái nước ngoài, nhờ sự phát triển của bộ phận kinh tế hàng hoá trên địa bàn, Phố Hiến đã đạt tới sự thịnh vượng bậc nhất của một đô thị vào thế kỷ XVII. Các thương nhân Trung Quốc, Nhật Bản, Xiêm, Mã Lai,… và sau đó, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Pháp, Anh,… đến bờ biển Việt Nam ngày càng nhiều, mà nhà Lê – Trịnh thì chủ trương ngăn cấm việc ra vào tự do của ngoại kiều ở kinh đô, cho nên Phố Hiến đã trở thành một nơi trú chân của thương nhân nước ngoài. Đến giai đoạn này, hai trung tâm thương nghiệp lớn hình thành, Phố Hiến ở Đàng Ngoài và Hội An ở Đàng Trong. Thời kỳ đó, Phố Hiến không chỉ có hơn 2000 nóc nhà, phong cảnh phồn thịnh, hơn 20 phường mà còn xuất hiện hàng loạt khu phố người Hoa, thương điếm của thương lái ngoại quốc. Hàng xuất khẩu lấy từ Phố Hiến và vùng lân cận gồm sản phẩm như: tơ tằm, đồ gốm, quế, trầm,… Hàng nhập khẩu là các mặt hàng thiết yếu cho vua chúa như vàng bạc, thuốc súng đồ trang sức,… Tại sân chùa Hiến còn có bia ký dựng năm 1625 ca ngợi: “Hiến Nam danh thị tứ phương đô hội tiểu Tràng An dã” nghĩa là Phố Hiến nổi tiếng là tiểu Tràng An nơi bốn phương tụ hội. Vào thế kỷ sau, do sự thay đổi địa lý tự nhiên, sông Hồng đổi dòng không còn cảng sông ở Phố Hiến, một thời phồn hoa đô hội chính thức đi vào lịch sử. Phố Hiến đã đánh dấu cho việc mở cửa ra thị trường ngoại thương thúc đẩy nền kinh tế trong nước phát triển rực rỡ trong hai thế kỷ.
Qua những biến cố thăng trầm, thương cảng sầm uất không còn nữa, chỉ để lại cho hậu thế quần thể di tích Phố Hiến rêu phong, cổ kính và Nguyệt Hồ thơ mộng là minh chứng cho một quá khứ phồn thịnh, vang bóng một thời. Phố Hiến vẫn còn bảo tồn, giữ gìn được hơn 100 di tích lịch sử văn hóa có giá trị, trong đó có nhiều di tích được xếp hạng di tích tích lịch sử văn hóa quốc gia, 16 di tích tiêu biểu trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến như: Đền Mây, Văn Miếu Xích Đằng, đền Kim Đằng, đền Trần, đến Mẫu, đền Thiên Hậu, Võ Miếu, chùa Phố, đền Bà Chúa Kho, chùa Chuông, đình An Vũ, đền Nam Hòa, đền Cửu Thiên Huyền Nữ, đình – chùa Hiến, Đông Đô Quảng Hội, chùa Nễ Châu. Các di tích là sự kết tinh, hội tụ và giao thoa giữa phong cách kiến trúc thuần Việt và kiến trúc mang đậm dấu ấn và màu sắc Trung Hoa, là tư liệu vô cùng quý giá về lịch sử văn hóa. Cả một quần thể đã vẽ lên tầm vóc của một cảng thị Phố Hiến xưa, đồng thời phản ánh nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của một vùng đất cổ với nhiều cộng đồng cư dân chung sống. Phố Hiến đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ gắn với du lịch tại Quyết định số 744/QĐ-TTg ngày 27/5/2010. Tiếp tục khẳng định những giá trị về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, ngày 31/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2408/QĐ-TTg xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt cho Khu di tích Phố Hiến. Đây chính là sự quan tâm quý báu của các cấp, ngành tạo đà cho ngành du lịch Hưng Yên phát triển.
Văn hóa tâm linh là cây cầu vô hình kết nối giữa hiện tại và quá khứ, hãy về với Hưng Yên để bạn có thể tự do chiêm bái và thưởng thức đặc sản nhãn lồng, chè sen long nhãn thấm vị đất trời,… Người Hưng Yên với nụ cười hồn hậu, chất phác luôn mở rộng vòng tay chào đón du khách.
Nguồn trích dẫn: hungyentourism.com.vn