Lấy mẫu giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm nhằm đánh giá nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm (ATTP) được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thực hiện thường xuyên. Từ đó, đưa ra cảnh báo cho các nhà quản lý, sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm. Ðồng thời phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, có giải pháp nâng cao chất lượng quản lý công tác bảo đảm ATTP, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm lấy mẫu hậu kiểm giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm
Trong 3 tháng đầu năm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành lập 5 đoàn lấy mẫu giám sát mối nguy ô nhiễm ATTP với gần 1.000 mẫu thực phẩm gồm: Bánh tẻ, rau, củ quả, giò lợn, bánh đúc, bánh mì, bánh phở, nước phở, bún, giá đỗ, măng chua, thịt vịt, thịt lợn, xúc xích, thủy sản... Chỉ tiêu kiểm nghiệm gồm hàn the, chất bảo quản, thuốc trừ sâu, nấm mốc, vi sinh, phẩm màu, tinopal, foocmol, chất tạo nạc sabutamol, chất tăng trưởng... Trong số 328 mẫu thực phẩm đã được kiểm nghiệm nhanh tại Chi cục, có 29 mẫu không đạt. Trong 128 mẫu gửi labo kiểm nghiệm đánh giá chất lượng thực phẩm (gồm 29 mẫu kiểm nghiệm nhanh không đạt), kết quả 33 mẫu không đạt, trong đó 19 mẫu bánh tẻ phát hiện có hàn the, 6 mẫu giò, chả có hàn the, 1 mẫu bánh đúc có hàn the, 6 mẫu giá đỗ có dư lượng chất kích thích sinh trưởng 6-Benzylaminopurine, 1 mẫu măng chua có diêm sinh...
Ðáng lưu ý một số mẫu thực phẩm không đạt chiếm tỉ lệ cao: 19/26 mẫu bánh tẻ chứa hàn the, 6/15 mẫu giá đỗ có dư lượng chất kích thích sinh trưởng, bánh đúc và măng chua mỗi loại lấy một mẫu đều không đạt. Số mẫu còn lại đang được tiếp tục kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, vấn đề bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến thực phẩm bị xem nhẹ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
Ðồng chí Ðỗ Mạnh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, việc lấy mẫu giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm thường xuyên giúp kịp thời phát hiện, ngăn chặn thực phẩm không bảo đảm an toàn đang lưu thông trên thị trường. Việc lấy mẫu giám sát mối nguy nhiễm thực phẩm được tiến hành lấy theo nhóm trên thị trường, lấy mẫu qua các đợt thanh tra, kiểm tra và giám sát các lễ hội, sự kiện trên địa bàn tỉnh. Ðối với các cơ sở có mẫu không đạt, Chi cục tiến hành thanh tra, kiểm tra điều kiện bảo đảm ATTP theo quy định, đề nghị xử lý các vi phạm về ATTP nếu có. Các mẫu thực phẩm có kết quả giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm không đạt đều được Chi cục đưa ra các thông tin cảnh báo đến người tiêu dùng qua phương tiện thông tin đại chúng...
Thực tế việc lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm còn nhiều khó khăn do việc xây dựng, hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn, chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ còn chậm. Việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch hạn chế. Các cơ sở chăn nuôi, giết mổ động vật nhỏ lẻ tồn tại trong các khu dân cư, phân tán. Ngoài ra, việc lấy mẫu tại các cơ sở thức ăn đường phố, chợ nhỏ lẻ nên khó xử lý khi mẫu không đạt...
Ðể bảo đảm ATTP cho người sử dụng, đưa việc sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đúng quy định của pháp luật về ATTP, cần tăng cường tuyên truyền về tác hại của thực phẩm có chứa chất cấm tới người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng. Xử lý, ngăn chặn triệt để thói quen sử dụng hàn the trong chế biến các sản phẩm truyền thống như: Giò, chả, bánh tẻ, bánh đúc. Tuyến huyện, xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền cho các cơ sở thực phẩm thuộc địa bàn quản lý tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; phối hợp, chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm khi phát hiện các trường hợp vi phạm quy định về ATTP. Mỗi người dân cần nêu cao cảnh giác, tránh mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kịp thời thông tin tới các cơ quan chức năng khi phát hiện thực phẩm bẩn, không bảo đảm an toàn.
Ðào Doan
Nguồn: https://baohungyen.vn/hung-yen-25-7-so-mau-thuc-pham-duoc-gui-kiem-nghiem-khong-dat-3180569.html
Bình luận (0)