Phát huy tinh thần “Tuổi cao chí càng cao”, người cao tuổi huyện Hưng Hà vẫn luôn cần mẫn, mạnh dạn đầu tư để phát triển kinh tế. Từ đây đã xuất hiện nhiều tấm gương ông chủ, bà chủ tuổi “lục tuần” với những mô hình hiệu quả và giúp hàng nghìn người vươn lên thoát nghèo.
Cơ sở làm sợi đay của ông Bùi Huy Toan, thôn Bùi Minh, xã Duyên Hải (Hưng Hà).
Ông “Toan đay”
Đây là biệt danh người dân xã Duyên Hải dành cho ông Bùi Huy Toan, thôn Bùi Minh 30 năm qua. Ở tuổi 66, ông Toan vẫn miệt mài gắn bó với nghề làm sợi đay với thu nhập khoảng 5 tỷ đồng/tháng. “Tôi làm công việc này từ năm 1993 đến nay. Trước đây tôi phải đạp xe chở sợi đay đến khắp nơi trong và ngoài tỉnh để xây dựng thương hiệu. Sau nhiều năm lặn lội, tôi đã kết nối thành công với nhiều công ty lớn. Tuy nhiên, tôi cũng từng không ít lần đốt bỏ hàng chục tấn sợi đay vì không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Hiện tại có khoảng 400 nhân công trong xã đang làm việc cùng tôi, chủ yếu là người cao tuổi. Trung bình mỗi năm tôi có thể cung cấp cho các công ty khoảng 100 tấn sợi đay, sợi cói và bèo tây” – ông Toan cho biết.
Nhờ có ông Toan nên hơn 20 năm nay bà Nguyễn Thị Dị, 70 tuổi, thôn Khả Tân có nghề tay trái trong những ngày nông nhàn. Bà chia sẻ: Công việc này không chỉ giúp tôi có thêm thu nhập trang trải cuộc sống mà còn mang lại niềm vui, sức khỏe. Mỗi tháng tôi có thêm nguồn thu khoảng 3 triệu đồng từ việc làm sợi đay.
Làm giàu từ nghề truyền thống
Sau nhiều năm ngược xuôi ra Bắc vào Nam, ông Hoàng Văn Nghênh, 64 tuổi, tổ dân phố Tây Xuyên, thị trấn Hưng Nhân quyết định trở về quê hương lập nghiệp với nghề làm mành tre, trúc truyền thống của cha ông. Năm 2013, ông mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy chẻ, máy dệt để phát triển sản xuất. Ông cho biết: Hiện tại, mỗi tháng tôi cung cấp cho thị trường khu vực miền Nam trên 20.000m2 mành tre, trúc, thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Tôi luôn mong muốn giúp đỡ người dân địa phương có công việc ổn định, tạo thêm thu nhập bằng chính tay nghề của mình. Vì vậy, trên 200 lao động làm việc cùng tôi hầu hết đều là người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn.
Xưởng sản xuất mành tre, trúc của ông Hoàng Văn Nghênh, tổ dân phố Tây Xuyên, thị trấn Hưng Nhân (Hưng Hà).
Điển hình là hoàn cảnh của ông Hoàng Văn Mẽ, tổ dân phố Tây Xuyên bị khiếm thị, sống một mình. “Tôi rất vui vì có được công việc phù hợp với sức khỏe bản thân. Nhờ được ông Nghênh giúp đỡ nên cuộc sống của tôi đã tốt hơn trước rất nhiều” – ông Mẽ chia sẻ.
Họa sĩ già trồng bưởi
Từ bỏ niềm đam mê với cây cọ, màu nước, ông Trần Hữu Khang, 75 tuổi, thôn Nam Tiến, xã Hồng An quyết tâm trở về phát triển kinh tế từ vườn bưởi. Ông kể lại, năm 2013 vợ chồng ông quyết định chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả và đầu tư 85 triệu đồng để cải tạo đất, mua giống cây. Trên 1 mẫu vườn ông trồng 200 cây bưởi Quế Dương và bưởi Tân Lạc.
“Thời gian đầu do thiếu kinh nghiệm nên cây bưởi phát triển chậm, quả nhỏ. Sau nhiều lần thất bại, tôi đã rút ra kinh nghiệm cho mình. Hiện tại, sau 10 năm chăm sóc, vườn bưởi cho thu nhập mỗi vụ khoảng 50 triệu đồng. Đến tháng 11 hàng năm gia đình tôi không còn bưởi để bán” – ông Khang cho biết.
Ông Trần Hữu Khang, thôn Nam Tiến, xã Hồng An (Hưng Hà) chăm sóc vườn bưởi rộng 2ha.
Ông Nguyễn Văn Tưởng, Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Hưng Hà đánh giá: Trong những năm qua, không chỉ có ông Toan, ông Nghênh, ông Khang, trên địa bàn huyện còn có rất nhiều tấm gương người cao tuổi làm kinh tế giỏi, góp phần tích cực giảm hộ nghèo, phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Thời gian tới, Hội Người cao tuổi huyện cùng các tổ chức thành viên sẽ tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ cán bộ, hội viên nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, khẳng định vị thế của người cao tuổi trong xã hội.
Nguyễn Triệu