Hụi, họ, biêu, phường được xem là một hình thức góp vốn, tích lũy vốn để hỗ trợ nhau và nó cũng được hình thành từ lâu trong đời sống xã hội ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung. Khi kinh tế – xã hội phát triển thì hụi, họ, biêu, phường cũng tồn tại như một thực tế khách quan, bất chấp những quy định và chế tài xử lý cũng như sự cảnh báo, răn đe của pháp luật.
Người dân xã Quảng Bình (Quảng Xương) cung cấp thông tin về vụ vỡ hụi tại địa phương. Ảnh: P.V
Điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ: “Họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là hụi) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh hụi và quyền, nghĩa vụ của các thành viên…”. Chính phủ cũng đã ban hành nghị định quy định cụ thể về thể thức hoạt động của hình thức góp vốn này.
Về mặt tích cực, đây có thể xem là một hình thức huy động vốn, hỗ trợ lẫn nhau trong Nhân dân để phát triển kinh tế gia đình. Và, nếu hoạt động đúng quy định, nó cũng là một cách góp vốn và vay vốn dễ dàng, phù hợp với điều kiện sinh hoạt ở những vùng nông thôn. Người chơi hụi cần vốn thì có thể hốt hụi để xoay sở công việc, với một ít lãi suất, còn người có tiền thì coi đây là một hình thức tiết kiệm có lãi. Chủ hụi được nhận hoa hồng như một hình thức trả công khi đứng ra gom hụi, chịu trách nhiệm trước các hụi viên. Về thể thức hoạt động, khi chơi hụi sẽ có một người đứng ra làm chủ và mời các thành viên khác cùng chơi. Chủ hụi có trách nhiệm thu tiền hoặc tài sản của “con hụi”. Mỗi một “dây hụi” không giới hạn người chơi và tự thỏa thuận về số tiền, thời gian góp và kỳ mở hụi… Cơ sở pháp lý cho một “dây hụi” chỉ là niềm tin giữa những người chơi với nhau, tự thỏa thuận và cam kết mỗi tháng bỏ ra một khoản tiền để tiết kiệm bằng hình thức góp hụi và đợi đến lượt mình lấy hụi theo chu kỳ vòng tròn.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để chủ hụi lợi dụng lòng tin của các “con hụi” để “ôm” số tiền do các thành viên đóng góp cao chạy, xa bay hoặc tuyên bố vỡ hụi nhằm chiếm đoạt tài sản. Thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian qua đã có hàng chục vụ vỡ hụi với số tiền hàng chục tỷ đồng nhưng vẫn không thể tạo ra hồi chuông cảnh báo, mà ngược lại không ít người vẫn lao vào những dây hụi chỉ dựa trên nền tảng bằng một chữ “tín” mà không có các chế tài pháp luật bảo vệ. Rủi ro là thế, song hụi, họ, biêu, phường vẫn là một hoạt động hấp dẫn đối với nhiều người, trong đó chủ yếu là những đối tượng có thu nhập thấp, ở khu vực nông thôn, miền núi, những người khó tiếp cận với vốn vay ngân hàng, trong khi hụi, họ, biêu, phường và tín dụng đen lại len lỏi trong đời sống thực tại và dễ dàng tiếp cận bằng những thủ tục đơn giản, không ràng buộc về những pháp lý. Bởi vậy, hụi, họ, biêu, phường tồn tại như một thực tế khách quan trong cuộc sống, bất chấp những cảnh báo, răn đe từ các cơ quan chức năng. Những hệ lụy của hụi, họ, biêu, phường đã làm cho hàng trăm người dân rơi vào cảnh bần cùng, khó khăn chồng chất, thậm chí có người vì quá cùng cực, uất ức, túng quẫn mà tự tử.
Qua rà soát của cơ quan chức năng huyện Quảng Xương, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện có 10 chủ phường, hụi và có 199 người tham gia. Mỗi dây phường, hụi đều có số tiền trên 100 triệu đồng. Thời gian qua, trên địa bàn huyện đã có nhiều trường hợp “vỡ hụi”, điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo cho người dân phải hết sức cảnh giác, tìm hiểu kỹ càng các quy định của pháp luật trước khi quyết định tham gia.
Thượng tá Hoàng Văn Bình, Phó trưởng Công an huyện Quảng Xương cho rằng, việc tham gia hụi, họ, biêu, phường được quy định rõ tại Nghị định số 19/NĐ-CP, ngày 19-2-2019 của Chính phủ, thế nhưng việc nhận thức, hiểu biết của chủ hụi và người dân còn rất hạn chế. Việc tham gia phường, hụi có nhiều rủi ro và những hệ lụy khó lường; việc xử lý để thu hồi tài sản trả lại cho người dân là hết sức khó khăn. Vì vậy, cơ quan công an khuyến cáo người dân nên chọn lựa các hình thức đầu tư, tiết kiệm, tích góp phù hợp, an toàn. Nếu chọn hình thức chơi hụi thì phải hết sức cân nhắc và thận trọng trong việc lựa chọn chủ hụi, đồng thời nắm vững các quy định của pháp luật liên quan đến chơi hụi, góp vốn, vừa để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, vừa phòng tránh rủi ro. Cùng với đó, nếu người dân quyết định tham gia phường, hụi thì cần phải lưu ý: Không lợi dụng việc tổ chức hụi để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về hình thức hoạt động, chủ hụi và hụi viên cần phải thỏa thuận bằng văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực nếu các bên có yêu cầu. Về trách nhiệm của chủ hụi, khi mở một dây hụi có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên hoặc mở từ 2 dây hụi trở lên bắt buộc phải làm thông báo đến UBND cấp xã nơi cư trú, nếu chủ hụi không thực hiện sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật…
Trên địa bàn huyện Bá Thước đến thời điểm này có 7 chủ phường, hụi. Riêng xã Điền Lư có tới 5 chủ hụi, năm 2022 có 1 chủ hụi thông báo vỡ nợ và đến tháng 5-2023 thêm 1 chủ hụi nhảy sông tự tử, còn lại 3 chủ hụi với 7 dây hụi, mỗi dây hụi có khoảng 20 người tham gia.
Nhận định về hoạt động hụi, họ, biêu, phường trên địa bàn, Thượng tá Lê Quang Hiền, Phó trưởng Công an huyện Bá Thước cho rằng, thời gian tới vẫn còn diễn biến phức tạp. Vỡ hụi để lại hậu quả rất nghiêm trọng về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống gia đình và an ninh trật tự tại địa phương. Bởi vậy, để chấn chỉnh tình trạng này, Công an huyện phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và các tầng lớp Nhân dân bằng các hình thức trực tiếp, trên loa phát thanh, trên zalo, facebook, fanpage… để cảnh báo các nguy cơ vỡ nợ, gây mất an ninh trật tự trong hoạt động hụi, họ, biêu, phường và nguồn phát sinh các loại tội phạm khác, như: tội phạm lừa đảo, hoạt động tín dụng đen, cưỡng đoạt tài sản… Đối với vai trò của UBND cấp xã phải quản lý chặt chủ hụi, hụi viên tại địa phương, yêu cầu người dân khi tổ chức, tham gia góp hụi phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về họ, hụi, biêu, phường; thường xuyên phản ánh phương thức, thủ đoạn của đối tượng lợi dụng việc góp hụi để phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản để người dân cảnh giác, đấu tranh; yêu cầu 100% các chủ hụi tại địa phương khi tổ chức góp hụi phải thông báo cho UBND xã, phường theo đúng quy định của pháp luật; cương quyết xử phạt vi phạm đối với trường hợp chủ hụi không thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 19 của Chính phủ…
Nhằm nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trước hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán, năm 2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2006/NĐ-CP quy định về quyền và nghĩa vụ của những người tham gia chơi hụi. Thế nhưng, văn bản pháp lý này vẫn chưa đủ căn cứ để bảo vệ lợi ích hợp pháp của những người chơi trong trường hợp xảy ra vỡ hụi. Để khắc phục, ngày 19-2-2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2019/NĐ-CP quy định cụ thể về nguyên tắc tổ chức hụi, điều kiện tham gia, đến văn bản thỏa thuận cũng như lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của các bên tham gia… Tuy nhiên, trong thực tế, để không phải trở thành nạn nhân của “con ma hụi” giật hụi, vỡ hụi, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác bảo vệ tiền và tài sản của chính bản thân mình; nên xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định tham gia vào các dây hụi, tránh tâm lý ham lợi trước mắt mà mắc “bẫy” thủ đoạn lừa đảo của chủ hụi dẫn đến tiền mất, tật mang.
Gia Bảo