Khu du lịch Suối Tiên (thành phố Thủ Đức) cũng là địa điểm thu hút nhiều người thân và khách tham quan. Ảnh: TTXVN phát 

Cụ thể, khảo sát xu hướng du lịch 2025 của Nền tảng du lịch số Agoda (Agoda) vừa công bố cho thấy, du khách ngày càng chú trọng du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm cùng gia đình và khám phá những điểm đến mới lạ. Những xu hướng này đang thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch khu vực châu Á.

Du khách Việt ngày càng dành thời gian cho gia đình và tìm kiếm sự thư giãn sau nhịp sống bận rộn, khám phá những điểm đến mới hơn. Đáng chú ý, công viên giải trí trở thành lựa chọn phổ biến trong kế hoạch du lịch của du khách Việt. Theo khảo sát, có 39% du khách Việt Nam lên kế hoạch du lịch cùng người thân trong năm 2025, mỗi chuyến đi cùng gia đình là cơ hội để gắn kết yêu thương.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, du lịch một mình và du lịch cặp đôi cũng được du khách Việt ưa chuộng. Nhu cầu thoát khỏi nhịp sống bận rộn là lý do chính thúc đẩy du khách Việt Nam xách ba lô lên đường. Cùng với các chuyến công tác truyền thống, xu hướng du lịch kết hợp làm việc từ xa đang ngày càng phổ biến khi ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng chính sách làm việc linh hoạt. Nguồn cảm hứng du lịch của du khách Việt có thể đến do sở thích cá nhân, đam mê, ngân sách hiện có và lời khuyên từ bạn bè, gia đình.

Báo cáo nghiên cứu khảo sát của một số đơn vị khác công bố gần đây cho thấy, công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc lên kế hoạch du lịch của du khách Việt Nam khi nhiều gia đình chuyển dần sang thói quen sử dụng ứng dụng để tổ chức chuyến đi. Mạng xã hội ngày càng cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với các quyết định du lịch… 

Báo cáo của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho thấy, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cũng tăng 33% so với năm 2023, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt đạt 91,14%, tỷ lệ hài lòng đạt 98,64%… Trong đó, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ du lịch không chỉ tạo điều kiện thuận tiện cho du khách, đóng góp vào tăng trưởng cho doanh nghiệp, còn là giải pháp giúp ngành du lịch đạt được kết quả đáng khích lệ trong năm 2024. Tổng lượng khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh đạt 6 triệu lượt (tăng 20% so cùng kỳ năm 2023), khách nội địa ước đạt 38 triệu lượt (tăng 8,6% so cùng kỳ năm 2023). Tổng thu du lịch năm 2024 ở Thành phố đạt 190.000 tỷ đồng (tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023).

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho hay, để đa dạng hóa thị trường khách, Thành phố đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số trong quản lý ngành, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp du lịch, nhất là truyền thông quảng bá điểm đến, xây dựng phát triển thương hiệu, triển khai chiến dịch truyền thông ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; kết hợp xúc tiến trong và ngoài nước. Cùng đó, Thành phố đã và đang tập trung nâng chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác tối đa thế mạnh đặc trưng phù hợp với những xu hướng du lịch mới.

Ông Nguyễn Văn Dũng cũng nêu rõ, Thành phố tiếp tục thúc đẩy liên kết du lịch vùng hiệu quả, thực chất trên cơ sở khai thác thế mạnh của từng vùng, liên vùng và đặc trưng của từng địa phương. Doanh nghiệp, cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, phát triển sản phẩm mới phù hợp với tâm lý, thị hiếu của du khách. Đồng thời thường xuyên chủ động tự đào tạo, nâng cao chất nguồn nhân lực, mạnh dạn hiến kế, đề xuất những giải pháp, cơ chế chính sách để phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo baotintuc.vn