Chi bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức sinh hoạt chuyên đề tại di tích đình Háng Pài, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. |
Chọn đúng người, bố trí đúng việc
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn. Đội ngũ cán bộ của địa phương phần lớn đủ phẩm chất, năng lực, đoàn kết, thống nhất; tuy nhiên, chất lượng chưa đồng đều; tư duy cục bộ địa phương, thói quen trông chờ, ỷ lại vẫn còn tồn tại, nhất là cấp cơ sở. Đánh giá đúng tình hình thực tiễn, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tháng 4/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn ban hành Chỉ thị số 04-CT/TU, về nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025.
Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cơ bản bảo đảm gắn kết với nhu cầu đào tạo và yêu cầu chuẩn hóa trình độ cán bộ. Nhiều cấp ủy chú trọng đổi mới công tác đào tạo lý luận, chính trị kết hợp tuyên truyền, nghiên cứu với tham quan, về nguồn. Hằng năm, Khu tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ tại xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng đón hàng nghìn cán bộ, đảng viên đến tham quan, học tập, tổ chức báo công, tuyên dương các điển hình tiên tiến. Qua đó lan tỏa tinh thần yêu nước, trau dồi, bồi dưỡng đạo đức lý tưởng cách mạng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên.
Theo đồng chí Giáp Thị Bắc, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, nhằm tạo môi trường rèn luyện thực tiễn cho cán bộ, Tỉnh ủy Lạng Sơn tăng cường triển khai công tác điều động, luân chuyển. Toàn tỉnh đã điều động, luân chuyển đối với 79 lượt cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và 588 lượt cán bộ diện ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy quản lý. Những cán bộ được điều động, luân chuyển tiếp cận nhanh với công việc, phát huy năng lực, cùng tập thể địa phương, cơ quan, đơn vị phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ và có bước trưởng thành trong công tác.
Cùng với luân chuyển, Tỉnh ủy cũng triển khai mạnh chủ trương bí thư cấp ủy huyện không phải người địa phương. Đến nay, Lạng Sơn đã thực hiện bố trí tất cả 11 đồng chí bí thư huyện ủy, thành ủy không là người địa phương và 10 trong số 11 đồng chí chủ tịch UBND cấp huyện, thành phố không là người địa phương. Hiệu quả rõ nét từ bố trí cán bộ đã khắc phục cơ bản tình trạng cục bộ, phát huy tính năng động, sáng tạo, trách nhiệm của cán bộ không phải người địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.
Nhằm xây dựng phong cách làm việc gần dân, nâng cao trách nhiệm với nhân dân, tháng 5/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn ban hành Nghị quyết số 77-NQ/TU, phân công cấp ủy viên, lãnh đạo, quản lý các cấp phụ trách, theo dõi, hỗ trợ xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố, hộ gia đình. Theo đó, các đồng chí tỉnh ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các sở, ban, ngành tỉnh phụ trách, theo dõi 200/200 xã, phường, thị trấn; các huyện ủy, thành ủy phân công cán bộ phụ trách, theo dõi, hỗ trợ đến tất cả thôn, tổ dân phố; đảng ủy viên, cán bộ, đảng viên ở xã, phường, thị trấn, ở thôn, tổ dân phố; đảng ủy viên, cán bộ, đảng viên ở xã, phường, thị trấn, ở thôn, tổ dân phố theo dõi, hỗ trợ các tổ nhân dân tự quản và từng hộ gia đình.
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy Lạng Sơn đổi mới nhiều quy trình, nội dung công tác cán bộ như thí điểm đánh giá cán bộ qua giao việc theo đề án về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; thu hút nguồn nhân lực chất lượng… Đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh cơ bản được bảo đảm số lượng, chất lượng.
Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đại học trở lên chiếm 76,4%; cán bộ người dân tộc thiểu số chiếm 73,9%; cán bộ nữ chiếm tỷ lệ 62,4%. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh đã có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt; bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức tổ chức kỷ luật, trình độ, năng lực, trách nhiệm, hiệu quả công việc được nâng lên. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở được kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu của chức danh và vị trí việc làm. Đây là những tiền đề quan trọng giúp Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn trong triển khai hiệu quả nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Ghi nhận từ thực tiễn
Khai thác thế mạnh, tiềm năm để định hướng quá trình phát triển, Lạng Sơn đã chủ động chọn hướng đi đúng, trong đó, du lịch bước đầu đã phát huy hiệu quả. Năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp cơ quan, đơn vị, cấp ủy chính quyền tám huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh xây dựng, thành lập Công viên địa chất Lạng Sơn với chủ đề “Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng”, bao gồm 38 điểm tham quan thuộc bốn tuyến du lịch. Vượt qua nhiều khó khăn trong công tác khảo sát, bảo tồn, sau hai năm, đội ngũ cán bộ văn hóa tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh Lạng Sơn hoàn thiện hồ sơ đề nghị Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Mới đây, Công viên địa chất Lạng Sơn đã được Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu, đánh giá, biểu quyết công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, tạo cơ hội cho du lịch địa phương thành ngành mũi nhọn theo định hướng nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.
Lạng Sơn hiện có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm gần 80% diện tích tự nhiên. Thời gian gần đây, các cán bộ nông nghiệp của tỉnh tích cực vận động, giúp đỡ nhân dân áp dụng nhiều phương thức sản xuất mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nổi bật là mô hình tận dụng diện tích đất dưới tán rừng để trồng cây dược liệu như sa nhân, lan kim tuyến, ba kích… Với hơn 100 mô hình sản xuất dưới tán rừng cho thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm giúp tăng thu nhập cho người dân và bảo đảm phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Niềm tự hào đã được khơi dậy trong quá trình phát triển để xứng danh quê hương cách mạng. Đội ngũ cán bộ trên mảnh đất quê hương của đồng chí Hoàng Văn Thụ là huyện Văn Lãng đã noi gương các bậc tiền bối, nỗ lực vì sự phát triển chung. Đồng chí Nguyễn Văn Trường, Bí thư Huyện ủy Văn Lãng cho biết, năm 2024, huyện được giao giải phóng mặt bằng hai dự án trọng điểm quốc gia là hai tuyến đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh và Hữu Nghị-Chi Lăng. Đây là những dự án quan trọng, góp phần đồng bộ mạng lưới cao tốc, kết nối các cửa khẩu lớn của phía bắc đến các trung tâm kinh tế lớn trên cả nước, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương.
Những buổi đầu hết sức khó khăn do người dân chưa đồng thuận với các phương án bồi thường. Huyện ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban. Các thành viên Ban Chỉ đạo tích cực nắm bám các lĩnh vực, địa bàn được phân công, tăng cường đối thoại và phối hợp các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời mọi thắc mắc, kiến nghị của người dân. Với sự vào cuộc quyết liệt của đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở, đến nay huyện đã hoàn thành việc bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ.
Huyện Tràng Định cũng đã ghi nhận chuyển biến sau khi đồng chí Nông Anh Đức, Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy được luân chuyển về giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Chi Lăng, đầu năm 2022. Từ xã đạt 9/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, đồng chí cùng Đảng ủy và các bộ phận chuyên môn rà soát các tiêu chí chưa đạt và đặt lộ trình thực hiện. Đồng chí trực tiếp tuyên truyền, vận động, đối thoại tạo đồng thuận, nhất trí trong dân để hiến đất và đóng góp tiền mở rộng nhà văn hóa, làm sân thể thao. Với tinh thần trách nhiệm cao của người đứng đầu cấp ủy và sự vào cuộc quyết liệt của đội ngũ cán bộ cơ sở, xã Chi Lăng đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao không lâu sau đó.
Tinh thần gương mẫu, đi đầu của đội ngũ cán bộ tỉnh Lạng Sơn đang lan tỏa và trở thành giải pháp đột phá thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Tỉnh ủy Lạng Sơn xác định tiếp tục đặt trọng tâm vào đội ngũ cán bộ, tạo sức bật sẵn sàng cho những mục tiêu cao hơn trong nhiệm kỳ mới.
Nguồn: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/xay-dung-doi-ngu-can-bo-vung-vang-san-sang-trong-nhiem-ky-moi-147672.html