Độc đáo tàu vượt “thiên hạ đệ nhất hùng quan”
“Toa tàu hiện đại, trên tàu có bán cà phê, ẩm thực xứ Huế. Nếu lên tàu vào buổi sáng tại Đà Nẵng, thì có thể ăn sáng, thưởng thức cà phê luôn trên tàu. Đi tàu này không chỉ là di chuyển mà còn là kết nối văn hóa nữa. Một trải nghiệm rất đáng thử…”, một vlogger du lịch chia sẻ trên YouTube về trải nghiệm đi tàu kết nối di sản Đà Nẵng – Huế.
Theo vlogger này, vừa thưởng thức cà phê trên tàu vừa ngắm cảnh núi, cảnh biển đèo Hải Vân được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, cảm giác rất “chill chill”.
Đây là cảm nhận của nhiều hành khách khi trải nghiệm tàu “Kết nối di sản miền Trung” giữa Huế – Đà Nẵng mà Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) mới khai trương vào cuối tháng 3/2024 vừa qua.
Điểm đặc biệt của đoàn tàu này là xuất phát vào các khung giờ đẹp vào đầu giờ sáng và chiều. Với hành trình khoảng 3 giờ, qua cửa sổ con tàu, hành khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của xứ Huế cổ kính, nên thơ; có thể ngắm nhìn cảnh thành phố biển Đà Nẵng hiện đại. Nhất là ngắm cảnh đẹp đèo Hải Vân hùng vĩ, bên núi, bên biển. Tàu còn dừng 10 phút tại ga Lăng Cô cho du khách chụp ảnh check-in.
Trên tàu có toa xe cộng đồng, trang trí hình ảnh “nhận diện” hai thành phố như hình ảnh cung đình Huế hay cầu rồng Đà Nẵng. Cùng đó phục vụ đặc sản, ẩm thực Huế và biểu diễn ca nhạc trực tiếp. Ngoài ra còn có kệ sách phục vụ các hành khách đam mê văn hóa đọc.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Chi nhánh Vận tải đường sắt Huế cho biết, với hành trình đẹp, cung đường đẹp và các sản phẩm, dịch vụ độc đáo trên tàu, tàu Huế – Đà Nẵng thu hút rất đông khách du lịch trải nghiệm. Như mùa du lịch hè tháng 6 vừa qua, các chuyến tàu thường xuyên kín chỗ. Còn tính trong cả giai đoạn từ khi khai trương đến nay, hệ số sử dụng chỗ trung bình trên 85%.
Hành trình kết nối văn hóa, di sản
Ông Huỳnh Thế Sơn, Phó trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, cùng với các dịch vụ cung cấp đến hành khách, đường sắt cũng đưa vào các tiện ích, dịch vụ gia tăng khác như: Dán mã QR code trên các toa xe để lấy ý kiến phản ánh của hành khách online; Lắp đặt wifi miễn phí trên mỗi toa xe; Tại các ga Huế, Đà Nẵng nâng cấp phòng đợi tàu VIP …
Về phía thành phố Huế, có kết nối điểm đón xe buýt qua ga Huế, dịch vụ thuê xe đạp qua app để đi đến các điểm du lịch trên địa bàn thành phố.
Qua 3 tháng khai thác, các đoàn tàu này đã nhận được nhiều nhận xét của hành khách: Hài lòng về phương tiện, chỗ ngồi, khu vực vệ sinh và thái độ phục vụ. Doanh thu cũng tăng trưởng tốt, bình quân trên 40%.
Tới đây, để thu hút khách du lịch theo đoàn, đường sắt đang tích cực kết nối với các công ty du lịch nhằm đưa vào tour dành cho khách du lịch trong nước và khách nước ngoài khi đến Huế, Đà Nẵng. Hiện Chi nhánh Vận tải đường sắt Huế đã kết nối với Hiệp hội du lịch Huế với 80 đơn vị du lịch, Hiệp hội du lịch Đà Nẵng với 49 đơn vị du lịch; bước đầu đã có khách đoàn du lịch trải nghiệm trên tàu Huế – Đà Nẵng.
Ngoài ra, nghiên cứu chính sách kêu gọi các đơn vị du lịch lữ hành tham gia xã hội hóa một cụm toa xe trên đoàn tàu này. Cụm toa xe do doanh nghiệp du lịch tự bỏ kinh phí đầu tư nâng cấp trang thiết bị nội thất theo nhu cầu, tự quản lý chất lượng, sản phẩm dịch vụ, giá vé, tự khai thác khách trên các toa tàu.
Ông Sơn cũng cho biết, cùng với tàu “Kết nối di sản miền Trung”, thời gian qua Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đã đẩy mạnh tổ chức các đoàn tàu charter “hành trình kết nối” – kết nối di sản, kết nối con người, phục vụ khách tập thể với hành trình, dịch vụ theo yêu cầu của khách hàng: Từ điểm đi, điểm đến, từ tổ chức sự kiện, có sân khấu, backdrop, kê bàn ghế lịch sự hay làm các hastag cầm tay, thậm chí cả băng rôn treo, dán ngoài thành toa xe.
Trên tàu tổ chức tiệc buffet ngọt, mặn, ngâm chân lá thuốc, cả trang trí góc check-in sống ảo, hay biểu diễn ca nhạc trên tàu…
Với nhiều dịch vụ đa dạng, độc đáo như vậy, đã ngày càng thu hút được khách đi tàu “hành trình kết nối”. Điển hình như đoàn khách quốc tế hơn 700 người đi tàu lập riêng từ ga Gia Lâm đến ga Hà Nội vào đầu tháng 5/2024. Trên hành trình, khách tham quan các nhà ga, cây cầu lịch sử của Đường sắt Việt Nam như ga Long Biên, cầu Long Biên, ga Hà Nội… Hay đoàn khách đi Thanh Hóa, chỉ hai toa ghế ngồi trong hành trình tàu Thống nhất nhưng thuê toa xe cộng đồng với buffet ngọt, biểu diễn nhạc cụ…
“Thời gian tới, đường sắt sẽ tiếp tục đẩy mạnh các đoàn tàu “hành trình kết nối”, đồng thời phối hợp các đơn vị du lịch xây dựng các sản phẩm hướng đến phân khúc khách hạng sang…”, ông Sơn chia sẻ.