“Ao cá quân dân” là mô hình thử nghiệm tại hộ anh Nghĩa, chị Cau để nhân rộng trên địa bàn |
Thường thì 3 giờ sáng, khi bản làng vẫn còn đang say giấc, vợ chồng anh Nghĩa đã trở dậy, nai nịt gọn gàng rồi băng đồng lên rẫy cạo mủ cao su. Chị Cau kể, nhiều năm trước, vợ chồng chị khai hoang vỡ đất. Được địa phương hỗ trợ, họ mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để mua giống cao su, phân bón, phủ xanh đồi trọc. Cần mẫn chăm sóc, 3ha cao su giờ đã cho thu hoạch. Những ngày tạnh ráo, hai vợ chồng túc tắc cạo hết hơn 1 ngàn gốc cao su, đến 6 giờ sáng thì xong. Khi mặt trời vừa lên và bản làng cũng rộn ràng thức giấc, họ thu dọn trở về nhà để tiếp tục công việc khác. Cứ hai ngày cạo mủ thì nghỉ một ngày; mỗi tháng thu nhập từ vườn cao su khoảng hơn chục triệu đồng, đủ giúp gia đình trẻ vùng sơn cước trang trải cuộc sống.
“Nhà mình còn trồng 2ha keo tràm, làm 2 sào ruộng và trồng 6 sào sắn. Cũng trồng xen canh thêm nhiều loại cây như chuối, atiso nên không lúc nào là không có việc”, người phụ nữ vùng cao mắt lấp lánh khi nói về ruộng đồng, cây cối. Nhọc nhằn với nương rẫy, nhưng tình yêu với đất, với cây khiến họ thấy yên vui. Bởi sau mỗi giọt mồ hôi rớt xuống đồng, hạt lúa hạt ngô lại chắc mẩy, củ sắn, củ khoai lại to tròn, buồng chuối, buồng cau lại sai trái, và cuộc sống gia đình mỗi ngày lại thêm ấm no, đủ đầy.
Cầm chiếc nắp xoong đứng bên ao cá trong vườn gõ đôi ba cái, đàn cá dưới ao đã quẫy nước lội đến chờ được cho ăn. Đàn gà đang chăm chỉ kiếm mồi sau vườn cũng lục tục chạy đến bên chân chủ đợi nắm lúa, nắm ngô vung xuống. Người đàn ông Cơ Tu nói: Mấy hồ cá bên hông nhà đã đào nhiều năm nay nhưng nuôi chưa hiệu quả, chỉ đủ cung cấp trong gia đình và bán cho dân bản xung quanh những khi nhà ai có cưới hỏi. Nhờ sự hỗ trợ của bộ đội Đồn Biên phòng Hương Nguyên và cơ quan chuyên môn 30kg cá giống gồm trắm cỏ, cá chép, cá rô phi cùng sự chuyển giao về kỹ thuật chăm sóc, đến nay, đàn cá phát triển rất tốt.
Trung tá Nguyễn Hữu Trí, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Hương Nguyên cho biết, đây là mô hình “Ao cá quân dân” mà đơn vị đang triển khai trên địa bàn. Đơn vị chọn gia đình anh Nghĩa vì họ là những đảng viên trẻ dám nghĩ, dám làm, có tinh thần trách nhiệm. Thử nghiệm thành công, đơn vị sẽ nhân rộng để càng thắt chặt thêm tình quân dân, đồng thời, giúp bà con tăng nguồn thu, góp phần hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Kênh mương thủy lợi dẫn nước từ trên núi về chạy ngang bên hông nhà vợ chồng anh Nghĩa; hai hồ cá của gia đình dù ngày mưa hay ngày nắng hạn cũng đều ăm ắp nước. Anh Nghĩa nói: Khi kênh mương này được Nhà nước xây dựng, gia đình anh đã hiến 500m2 đất vườn nhà. Ngoài ra, gia đình anh cũng hiến hơn 100m2 đất canh tác để mở rộng đường liên thôn. “Nếu không tự nguyện hiến đất, kênh thủy lợi không đi ngang qua được, ruộng đồng của bà con phía dưới sẽ không nhận được nước tưới tiêu. Mình là đảng viên, càng phải nêu gương, bước tiếp tinh thần của thế hệ trước” – vợ chồng đảng viên trẻ vui vẻ nói.
Ở địa phương, rất nhiều gia đình như hộ anh Nghĩa tình nguyện hiến đất để kênh mương thủy lợi được thông suốt. Nhờ vậy, những mùa nắng hạn, nguồn nước tưới tiêu của bà con dân bản vẫn ăm ắp, cây cối, ruộng đồng vẫn xanh mướt tốt tươi.
Nguồn: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/vo-chong-dang-vien-tre-neu-guong-trong-san-xuat-148569.html