Đà Nẵng:
TPO – Giữa đô thị hiện đại Đà Nẵng, làng cổ Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang níu chân du khách bởi sự bình yên, hồn hậu với những nét cổ kính được gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Làng cổ Phong Nam nằm cách trung tâm TP. Đà Nẵng khoảng 10km với diện tích khoảng 1,62 km2. Dù trải qua cả trăm năm kể từ lúc lập làng, nơi đây vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính, hồn hậu của làng quê. Ảnh: Giang Thanh. |
Địa danh Phong Lệ xuất hiện từ đời nhà Hồ vào năm 1404 thuộc xứ Đà Ly (gần như bao trọn địa bàn huyện Hòa Vang bây giờ). Đến Năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), tên Đà Ly được đổi thành Phong Lệ, có thể xem là “ngôi làng tiên phong trong khai hoang vỡ hóa, mở rộng đất đai về phương Nam”. |
Đến năm Thành Thái thứ VIII (1896), làng Phong Lệ thành 2 làng nhỏ là Phong Lệ Bắc (Phong Bắc), Phong Lệ Nam (Phong Nam). Tên làng Phong Nam (nay là thôn Phong Nam) chính thức được hình thành. |
Ngay trục đường chính vào làng chính là nhà thờ Tiền hiền chư phái tộc đã có công khai khẩn lập làng và xây dựng làng Phong Lệ. Đây là một trong những công trình văn hóa tín ngưỡng lâu đời của xứ Đàng Trong. |
Ngày nay, đến ngày giỗ tiền hiền hằng năm, đại diện chư phái tộc đều tề tựu về nhà thờ tiền hiền Phong Lệ để cúng tế tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân. Nhà thờ Tiền hiền là nơi thờ tự tổ tiên của gần 30 tộc họ, trong đó, có 17 tộc họ được tôn xưng là tiền hiền và hậu hiền. |
Ngoại thất nhà thờ Tiền hiền chư phái tộc làng Phong Lệ được xây dựng với các hình ảnh: Long, Lân, Quy, Phụng, Mặt Nguyệt, Trúc, Liễu, Tùng, Mai, mái ngói âm dương… Đây là không gian tâm linh, tín ngưỡng và văn hóa của các chư phái tộc tại đây, lưu giữ hồn cốt của một vùng đất có bề dày lịch sử và đậm đà bản sắc văn hóa. |
Làng cổ Phong Nam cũng còn rất nhiều đình, chùa, miếu có tuổi đời hàng trăm tuổi. Trong đó, có 5 ngôi nhà cổ đã tồn tại ngót nghét 2 thế kỉ và vẫn được các thế hệ dân làng gìn giữ, bảo tồn theo thời gian. |
Đến làng cổ Phong Nam, dễ dàng bắt gặp những mái nhà cổ kính nằm rợp bóng dưới rặng tre, hàng cau xanh mát chạy dài tít tắp. Dù chịu ảnh hưởng của thời gian nhưng những ngôi nhà cổ vẫn trường tồn để kể câu chuyện về lịch sử, văn hóa độc đáo của ngôi làng. |
Ngày nay, dù đời sống người dân khấm khá và ổn định hơn, nhưng những mái nhà cổ vẫn được gìn gìn, nằm sừng sững bên cạnh những ngôi nhà mới khang trang, hiện đại, tạo nên nét độc đáo riêng có của vùng đất này. |
Theo ông Ngô Văn Xí (Trưởng thôn Phong Nam), nhiều năm qua, các thế hệ người dân ở đây vẫn tích cực bảo tồn, phát huy những giá trị kiến trúc độc đáo của làng quê thuần hậu này, tạo ra điểm đến du lịch hút khách ngay giữa đô thị Đà Nẵng sôi động, hiện đại. |
Ở đây, nhiều nhà thờ tiền hiền, nhà thờ tộc, đình, miếu… vẫn còn giữ nét kiến trúc cổ kính, nguyên bản từ hàng trăm năm trước như miếu Âm Linh, miếu Tam Vị, miếu Thái Giám (trong ảnh), miếu Bà Hỏa, miếu Thần Nông… |
Ở làng Phong Lệ có nghi lễ rước Thần Nông do các mục đồng trong làng thực hiện với tên gọi lễ hội Mục đồng. Đến nay, lễ hội này vẫn tiếp tục được người dân ở đây duy trì đều đặn qua các năm, trở thành một lễ hội văn hóa độc đáo, riêng có của miền quê này. |
Mới đây, UBND huyện Hòa Vang đã có đề án Xây dựng “Làng văn hóa đặc trưng” tại thôn Phong Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa truyền thống của địa phương, thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ làng nghề truyền thống. “Với tiền đề đó, những nét đẹp vốn có của làng cổ sẽ tiếp tục được giữ gìn. Chúng tôi cũng mong muốn có thể phát triển du lịch làng quê gắn với nông nghiệp, du lịch sinh thái để tạo sinh kế bền vững cho bà con”, ông Xí nói. |
Ngắm hàng cây sao cổ thụ cùng nét đẹp cổ kính Tiểu chủng viện Làng Sông
Vẻ đẹp nguyên sơ hàng trăm năm tuổi của làng cổ Phước Tích xứ Huế