Người dân dùng lưới che nắng, tránh mất nước cho hoa màu |
Dẫn chúng tôi đến tham quan diện tích trồng hoa màu tại thôn Nhất Đông, xã Điền Lộc, anh Hồ Xuân Lộc, Trưởng thôn cho biết, Điền Lộc nói riêng và vùng Ngũ Điền nói chung, mùa mưa lũ năm nào cũng có vài đợt nước dâng cao ngập các cánh đồng. Vì thế, các diện tích trồng hoa màu ở ruộng thấp đều phải ngừng sản xuất vào khoảng thời gian này. Trong khi thu nhập chủ yếu tại thôn phụ thuộc vào nông nghiệp, nên thời gian qua, thôn Nhất Đông đã triển khai mô hình trồng rau vượt lũ tại vùng rú cát.
Khu vực trồng rau vượt lũ nằm ở giữa hai thôn Nhất Đông và Nhì Đông, với tổng diện tích gần 7ha. Thời điểm mà chúng tôi đến, các loại rau đang trong giai đoạn phát triển tốt. Một số diện tích vừa mới được thu hoạch, người dân tranh thủ trời tạnh mưa để tiếp tục gieo giống mới.
Ông Lê Hợi, một trong số các hộ dân có diện tích trồng rau vượt lũ nhiều ở thôn Nhất Đông, Điền Lộc cho biết, quy trình sản xuất rau vượt lũ trên vùng rú cát tương tự như sản xuất ở vùng ruộng thấp. Thậm chí, quá trình làm đất có phần dễ dàng hơn, vì ở đây là đất cát, tơi xốp hơn. Trong khi đó, giá hoa màu vào thời điểm mưa lũ cao gấp đôi, có khi gấp ba so với ngày thường. Chẳng hạn như đối với cải, xà lách, rau tần ô… ngày thường có giá khoảng 10 nghìn đồng/kg, thì nay có giá từ 20 – 30 nghìn đồng/kg tùy theo ngày. Nếu mưa lũ kéo dài, giá rau càng tăng cao. Tổng thu nhập từ sản xuất rau vượt lũ của gia đình ông mỗi năm ước đạt 70 triệu đồng, trừ các chi phí ông lãi được khoảng 30 triệu đồng.
Anh Hồ Xuân Lộc phấn khởi, với nông dân, vào mùa mưa lũ thường không thể sản xuất, nuôi trồng được. Nhận thấy vùng rú cát trong thôn bằng phẳng, phù hợp để trồng hoa màu nên xã và thôn định hướng trong giai đoạn mưa lũ chuyển sang trồng rau ở vùng rú cát. Sau thời gian chăm, trồng, rau phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thu nhập từ trồng rau vượt lũ đạt 180 – 200 triệu/ha. Trừ mọi chi phí sản xuất, lợi nhuận từ trồng rau của người dân đạt khoảng 100 triệu đồng/ha.
Theo người dân, dù là trong mùa mưa lũ, thường xuyên có mưa, nhưng do khu vực trồng hoa màu là đất cát nên không giữ nước được lâu. Nếu trời có nắng hoặc không mưa một vài ngày thì buộc phải tưới nước cho rau. Đây cũng chính là khó khăn lớn nhất hiện nay đối với việc trồng rau vượt lũ ở Điền Lộc. Để có nguồn nước tưới, buộc phải có điện để vận hành hệ thống máy bơm. Do lâu nay điện chưa được đấu nối đến khu vực trồng rau nên người dân không thể chủ động nguồn nước tưới cho rau. Trước khó khăn này, người trồng rau đã đề xuất với chính quyền địa phương sớm có phương án, hỗ trợ kéo hệ thống điện đến vùng sản xuất.
Rau vượt lũ ở Điền Lộc chủ yếu phục vụ người dân địa phương và được một số thương lái thu mua đi tiêu thụ tại các địa phương lân cận. Rau vượt lũ có tiềm năng lớn, nhưng chưa “chen chân” vào được các thị trường tiềm năng như siêu thị, nhà hàng, khách sạn.
Ông Trần Đình Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Lộc cho biết, sản xuất hoa màu vượt lũ ở Điền Lộc đã xây dựng được quy trình khá ổn định. Vì thế, thời gian tới, xã sẽ chủ động kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ cho người dân. Trong định hướng của địa phương, cũng sẽ chuyển dần sản xuất bình thường sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nguồn rau này có thể vào các siêu thị, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn. Đối với khó khăn về nguồn điện phục vụ nước tưới, xã đã làm việc với ngành điện và thống nhất sẽ đấu nối điện ra vùng sản xuất cho người dân trong thời gian sớm nhất.
Nguồn: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/trong-rau-vuot-lu-147946.html