Ông Trần Kiêm Thuận, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 8, phường Trường An, TP. Huế:

Tiếp tục bảo tồn và phát huy văn hóa Huế

 Ông Trần Kiêm Thuận

Bản thân tôi nói riêng và người dân Huế nói chung đều phấn khởi trước dấu mốc lịch sử này. Thời gian qua, Trung ương đã có những cơ chế đặc thù và tạo điều kiện để Thừa Thiên Huế đầu tư phát triển hạ tầng. Điều này không chỉ giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn góp phần khẳng định vị thế của vùng đất Cố đô.

Với tên gọi mới, vị thế mới, người dân mong muốn thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ tiếp tục được đầu tư về hạ tầng đô thị, các dự án phát triển kinh tế, để từ đó tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn nữa, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Việc bảo tồn văn hóa Huế cũng được đông đảo người dân đặc biệt quan tâm; từ đó tiếp tục xây dựng đời sống văn hóa có nét riêng và đặc thù, để mỗi người dân đều có thể tự hào là con người Huế.

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Ngọc Bình, nguyên Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Thừa Thiên Huế:

Nghệ thuật truyền thống song hành cùng xây dựng quê hương

 Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Ngọc Bình

Huế xưa kia là kinh đô của triều đại nhà Nguyễn trải dài mấy trăm năm, là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước. Đây là nơi sản sinh ra nhiều di sản văn hóa có giá trị được thế giới ghi danh. Và ngày nay, Huế vẫn là một trung tâm văn hóa và du lịch cùng với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ…, từng bước phát triển mạnh mẽ về chính trị, kinh tế và xã hội.

Ngày 1/1/2025 này, Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là sự kiện trọng đại; sự công nhận xứng đáng về sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn thể cán bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế trong thời gian qua.

Việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương cũng đặt ra trách nhiệm cho mỗi công dân thành phố Huế là làm gì để thúc đẩy cho sự đi lên về mọi mặt để xứng tầm với danh xưng này.

Các loại hình nghệ thuật truyền thống Huế cũng phát triển theo nhịp đập cùng xã hội trên cơ sở bảo tồn vào phát triển. Nhưng bảo tồn chứ không “bảo thủ”, phát triển trên cơ sở nguồn gốc, phát triển nhưng không làm biến chất truyền thống. Phát huy nghệ thuật truyền thống Huế như một sản phẩm văn hóa đặc sắc của Huế sẽ góp phần xây dựng thành phố Huế trở thành trung tâm văn hóa và du lịch, phát triển toàn diện, xứng tầm là thành phố trực thuộc Trung ương.

Chị Lê Thị Lệ Thủy, Phó Bí thư Huyện đoàn A Lưới:

Cơ hội để thanh niên vùng cao “chuyển mình”

Chị Lê Thị Lệ Thủy 

Là người cán bộ Đoàn, bản thân tôi cảm thấy rất xúc động khi thế hệ trẻ của chúng tôi đã được góp một phần công sức xây dựng thành phố Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của cả nước.

Là huyện miền núi phía tây của thành phố Huế, mang trong mình rất nhiều giá trị di sản, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, thanh niên A Lưới đang nỗ lực thi đua để tạo nên một “mảnh ghép văn hóa đẹp” trong bức tranh thành phố Huế – thành phố di sản, văn hóa trực thuộc Trung ương.

Hy vọng rằng, sẽ có thêm nhiều chính sách đặc thù đầu tư cho huyện miền núi, cho thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số để mở ra những cơ hội cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, làm giàu chính đáng. Đặc biệt, kỳ vọng trong tương lai, cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa sẽ được đầu tư nhiều hơn để thanh niên A Lưới có thêm cơ hội tiếp cận và đem các giá trị truyền thống của quê hương đến với bạn bè muôn phương.

MINH NGUYÊN – PHƯỚC CHÂU (Thực hiện)