Những ý tưởng sáng tạo, những cống hiến tiêu biểu cho ngành Quảng cáo Việt Nam sẽ được ghi nhận và tôn vinh bởi một giải thưởng danh giá. Từ đó hướng đến triển khai hiệu quả Đề án xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia “Giải thưởng Quảng cáo sáng tạo Việt Nam” giai đoạn 2020-2030.
Như đã đề cập, sự phát triển của ngành Quảng cáo Việt Nam gắn liền với sự phát triển của công nghiệp văn hóa. Ngành quảng cáo đã, đang và sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế đất nước, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế; thể hiện tài năng, trí tuệ và bản lĩnh của con người Việt Nam. Điều này đã được hiện thực hóa trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp quảng cáo Việt Nam giai đoạn 2020-2030.
Đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới, mang thế giới về Việt Nam
Trên thế giới, tùy vào thế mạnh mỗi nước sẽ xây dựng hình ảnh thương hiệu quốc gia: Mỹ nổi tiếng ngành công nghiệp giải trí, công nghệ thông tin với loạt thương hiệu toàn cầu (Hollywood, Microsoft, IBM, Apple, Google…); Thụy Sỹ dẫn đầu thế giới về đồng hồ Rolex, Longin, Omega…; Đức chinh phục công nghiệp chế tạo ô tô thế giới (BMW, Mercedes…); Nhật Bản nổi danh thương hiệu điện tử toàn cầu (Honda, Suzuki, Toshiba, Panasonic, Yamaha…)
Nói đến thương hiệu quốc gia là nói đến uy tín và thương hiệu ở tầm quốc tế, chứ không chỉ chỉ một thương hiệu sản phẩm nổi tiếng ở tầm quốc gia (national brands). Tại Việt Nam, việc xây dựng thương hiệu quốc gia đã được khởi xướng từ những năm 2000 với mục tiêu xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, gia tăng niềm tự hào, sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam với thế giới.
Theo Báo cáo của Tổ chức Tư vấn quốc tế về định giá thương hiệu quốc gia Brand Finance, thứ hạng giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam liên tục được cải thiện trong những năm gần đây và luôn nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Đơn cử năm 2020, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tăng 29% so với năm 2019, lên tới 319 tỷ USD, tăng hạng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới. Mục tiêu đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ có được 1.000 sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Với lĩnh vực quảng cáo, Việt Nam có quyền tự hào về tốc độ phát triển thần tốc trong những năm trở lại đây. Theo Dentsu, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng xếp thứ 2 (chỉ sau Malaysia), hơn cả Thái Lan, Indonesia và Singapore. Còn theo dự báo của Vietnam Industry Research and Consultancy (VIRAC), trong giai đoạn 2022-2027, thị trường quảng cáo tại Việt Nam sẽ duy trì tốc độ phục hồi và tăng trưởng khá ấn tượng, ước đạt tỉ lệ tăng trưởng hằng năm khoảng 13%.
Nhờ quảng cáo, những thương hiệu “Made in Vietnam” như: Chỉ dẫn địa lý quốc tế với nông sản gạo ST25, nước mắm Phan Thiết, hồ tiêu Phú Quốc…; Điểm đến định danh thế giới như Phong Nha – Kẻ Bàng, Hội An, Vịnh Hạ Long, Huế…; Nền ẩm thực nổi tiếng năm châu bởi phở, bánh mỳ, bún chả Hà Nội,…; hay mới đây là những cái tên như Vinfast hiện diện trên sàn chứng khoán Mỹ, ca sĩ Mỹ Tâm trở thành nghệ sĩ Việt đầu tiên xuất hiện ở quảng trường Thời Đại tại New York (Mỹ);…
Từ đó có thể thấy rằng: “Giá trị của ngành quảng cáo ngoài đóng góp đáng kể vào GDP mỗi năm (trên 2 tỷ USD) còn là công cụ truyền tải thông điệp tích cực đến cộng đồng, đưa văn hóa Việt bước ra thế giới và mang thế giới về Việt Nam.” (Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam)
Vinh danh những cống hiến cho lĩnh vực quảng cáo
Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Nguyễn Trường Sơn khẳng định rằng, ngành công nghiệp quảng cáo đã, đang và sẽ góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế; thể hiện tài năng, trí tuệ và bản lĩnh của con người Việt Nam. Những ý tưởng, tác phẩm quảng cáo xuất sắc, đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam, mang đến cho các cá nhân, tập thể ưu tú của ngành quảng cáo sự công nhận xứng tầm từ một giải thưởng cấp quốc gia. Từ đó khuyến khích mọi người cùng sáng tạo, đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới, cộng hưởng với các ngành công nghiệp khác thực hiện chiến lược phát triển văn hóa theo chủ trương, đường hướng lâu dài.
Vì lẽ đó, từ năm 2020, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 1927/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt Đề án xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia: “Giải thưởng Quảng cáo sáng tạo Việt Nam” giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030 và tiếp đó là Chương trình phối hợp số 277/CTPH- BVHTTDL&HHQCVN của Bộ VHTTDL và Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam về việc triển khai tổ chức “Giải thưởng Quảng cáo sáng tạo Việt Nam” giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030.
Mục tiêu của Đề án xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia: “Giải thưởng Quảng cáo sáng tạo Việt Nam” giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030 là tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu của ngành quảng cáo đã có những ý tưởng, tác phẩm quảng cáo xuất sắc, có sức ảnh hưởng đến cộng đồng, xã hội, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam; đồng thời, thông qua “Giải thưởng Quảng cáo sáng tạo Việt Nam” thể hiện được vị thế, tiềm năng của ngành quảng cáo Việt Nam; truyền cảm hứng cho nhiều tầng lớp nhân dân, khuyến khích cùng sáng tạo để quảng bá hình ảnh của đất nước Việt Nam phù hợp xu thế hội nhập và phát triển.
Trong đó, Đề án này còn yêu cầu cần lựa chọn và tôn vinh các tác phẩm quảng cáo sáng tạo, độc đáo, ấn tượng, có tính thẩm mỹ cao, mang bản sắc văn hóa Việt Nam, thể hiện trách nhiệm với môi trường và cộng đồng. Thể hiện tính chuyên nghiệp, nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học, khách quan; được tổ chức rộng rãi trên quy mô toàn quốc, thu hút sự tham gia đông đảo của các tổ chức, cá nhân.
Đến nay, “Giải thưởng Quảng cáo sáng tạo Việt Nam” đã trải qua 2 mùa tổ chức quy mô và chuyên nghiệp, được đánh giá là một giải thưởng uy tín và danh giá hàng đầu về lĩnh vực quảng cáo sáng tạo tại Việt Nam. Ông Trần Việt Tân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Truyền thông Vinama – đơn vị thực hiện xác định đây là nhiệm vụ lớn và cũng là cơ hội để chứng minh năng lực, uy tín và kinh nghiệm cũng như khẳng định vị thế của mình trên thị trường và đóng góp vào sự phát triển của ngành quảng cáo sáng tạo nước nhà để cùng nhau thực hiện mục tiêu lớn đó là “tôn vinh giá trị sáng tạo Việt Nam”; từ đó lan tỏa, truyền cảm hứng, kết nối và phát huy vai trò từ Nhà nước – Truyền thông – Công chúng – Chuyên gia là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu.
“Nhà nước đã công nhận các thành tựu và đóng góp của ngành trong phát triển văn hóa, tạo điều kiện cho quảng cáo phát triển (với luật, chính sách..). Truyền thông sẽ lan tỏa giá trị của các ý tưởng, tác phẩm xuất sắc, góp phần xây dựng danh tiếng cho quảng cáo Việt Nam trên trường quốc tế. Công chúng được truyền cảm hứng sáng tạo từ các ý tưởng quảng cáo xuất sắc, góp phần đánh giá các tác phẩm (thông qua hoạt động bình chọn). Chuyên gia thẩm định, khẳng định sức mạnh sáng tạo Việt Nam (cả khuôn khổ trong và ngoài ngành), đóng góp cho quảng cáo ngày càng phát triển.”, ông Trần Việt Tân cho biết thêm.
Thuật ngữ thương hiệu quốc gia (nation brand) đã được Simon Anholt khởi xướng vào những năm 1990. Theo Simon Anholt, thương hiệu quốc gia được tạo dựng từ hình ảnh và danh tiếng quốc tế phục vụ cho lợi ích mỗi quốc gia/dân tộc. Do đó, việc xây dựng thương hiệu quốc gia (nation branding) phải vận dụng các chiến lược tiếp thị và truyền thông (marcom) dựa trên hình ảnh tích cực, hấp dẫn, tạo được lòng tin và cảm xúc tốt đẹp, giúp tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng của quốc gia trên trường quốc tế. Để hiện thực hóa được điều này phải đặc biệt quan tâm đến bản sắc quốc gia thật khác biệt, ấn tượng và có sức thuyết phục, cạnh tranh với thế giới.
(Còn tiếp)
>>> Kỳ cuối: Định vị thương hiệu giải thưởng quốc gia về lĩnh vực quảng cáo