Điện thờ ngài Ngô Thù. Ảnh: Ng. Nguyên |
Ông Nguyễn Thắng, một cao niên ở Thủy Phù tự hào khi địa phương vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố đối với “Điện thờ và lăng mộ ngài Ngô Thù”. Ước nguyện của người dân địa phương đã thành hiện thực. Niềm vui của người dân không chỉ là sự công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế – xã hội và du lịch của địa phương.
Bà Ngô Thị Ái Hương, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy thông tin, những đóng góp của nhân vật lịch sử Ngô Thù gắn liền với quá trình mở nước về phương Nam của Đại Việt và sự ra đời của làng Phù Bài, được tôn vinh là Thành Hoàng, thờ phụng từ đời này sang đời khác. Việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của di tích bồi đắp thêm tinh thần yêu nước, tri ân của Nhân dân địa phương đối với những người có công với nước.
Theo tư liệu lịch sử, vào năm 1558, khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, gia đình ngài Ngô Thù cũng theo phò tá và bắt đầu khai khẩn, mở rộng vùng đất Phù Bài. Với tầm nhìn chiến lược và hiểu biết sâu rộng về địa lý, ngài đã tổ chức khai thác khoáng sản, phát triển nông nghiệp, lập đội quân bảo vệ làng xã và góp phần củng cố thế lực của chúa Nguyễn tại vùng nam Kinh thành.
Ngài Ngô Thù nổi tiếng khí khái, cẩn trọng và nghiêm cẩn. Ông được bạn bè kính mến, Nhân dân tôn kính. Sau khi mất, người dân làng Phù Bài thương tiếc, lập điện thờ, tôn ông làm Bổn thổ Thành Hoàng và thiết trí tự vũ để hương khói hàng năm. Trong hệ thống thần điện dân gian vùng Huế, một vị nhân thần được tôn làm Thành Hoàng là hiếm hoi. Di tích Điện thờ và lăng mộ ngài Ngô Thù hiện nay còn lưu giữ được nhiều tài liệu Hán Nôm, như hoành phi, câu đối, sắc phong… Đây chính là nguồn tài liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu về nhân vật Ngô Thù và công lao to lớn của ông đối với lịch sử dân tộc nói chung và vùng đất Thuận Hóa nói riêng.
Điện thờ ngài Ngô Thù được xây dựng mang phong cách nhà rường dân gian xứ Huế. Với kiểu dáng, mỹ thuật, và trang trí theo lối nghệ thuật đặc trưng của thời Nguyễn thế kỷ XIX, với những đề tài phản ánh được tính chất của một dòng họ ở một vùng quê có bề dày truyền thống văn hóa, truyền thống ngành nghề. Điện thờ và lăng mộ ngài Ngô Thù góp phần làm đa dạng và phong phú thêm loại hình di tích trong hệ thống di sản văn hóa vật thể, cũng như lịch sử phát triển, bề dày văn hóa của làng Phù Bài nói riêng và cộng đồng cư dân trên vùng đất Hương Thủy nói chung.
Việc lập hồ sơ, nghiên cứu công nhận di tích Điện thờ và lăng mộ ngài Ngô Thù thể hiện sự quan tâm của các cấp, ban ngành đối với di sản văn hóa dân tộc; đồng thời, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Thủy Phù, nhất là con cháu dòng họ Ngô trong cả nước, là cơ sở để giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Bà Ngô Thị Ái Hương cho rằng, lễ đón nhận bằng công nhận di tích cấp thành phố minh chứng cho sự quan tâm, đầu tư và nỗ lực của chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa.
Tại buổi lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố “Điện thờ và lăng mộ ngài Ngô Thù”, lãnh đạo thị xã Hương Thủy đề nghị Thành ủy, UBND thành phố, các ngành chức năng tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hướng dẫn, giúp đỡ khai thác và phát huy giá trị di tích cũng như bảo tồn, tôn tạo cảnh quan, môi trường tại di tích, xây dựng di tích lịch sử này trở thành địa điểm giáo dục truyền thống cũng như phát triển du lịch.
Nguồn: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/ton-vinh-di-tich-dien-tho-va-lang-mo-ngai-ngo-thu-152513.html