Hội thảo bàn giải pháp thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững trên địa bàn

Khó nhất ở đầu ra

Toàn tỉnh hiện có 315,35 ha cây dược liệu chính, gồm nhóm cây dược liệu hằng năm như: Atiso, húng, sả, gừng… và nhóm cây dược liệu lâu năm như: Tràm, hà thủ ô, màng tang, đinh lăng… Diện tích trên tập trung chủ yếu ở các huyện Nam Đông (46,5 ha), A Lưới (15,02 ha), Phong Điền (232 ha), Hương Thủy (15,68 ha).

Những năm qua, việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và phát triển một số sản phẩm thông qua các chương trình, dự án, nhiệm vụ KH&CN… giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm dược liệu. Một số sản phẩm dược liệu đã phát huy hiệu quả như: tràm gió, ba kích, thiên niên kiện, sâm bố chính, cà gai leo, sâm cau, bạc hà, thổ phục linh, sả, nghệ… Tuy nhiên, theo ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN, việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất dược liệu của tỉnh còn yếu; thị trường tiêu thụ dược liệu bấp bênh, không ổn định do chưa có các đầu mối bao tiêu đầu ra cho sản phẩm; các hình thức hợp tác phát triển dược liệu rất ít. 

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT – ông Lê Văn Anh đồng quan điểm khi cho rằng, hệ thống cơ sở hạ tầng của các vùng trồng cây dược liệu còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất với quy mô lớn, tập trung. Chưa có quy hoạch vùng trồng dược liệu đối với từng loài cây thế mạnh. Chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến sâu nên giá trị sản phẩm còn thấp. Bên cạnh đó, người dân thường sản xuất mang tính tự phát, không chủ động được thị trường tiêu thụ, thiếu kiến thức kỹ thuật để trồng các loài cây dược liệu, nhất là các loài dược liệu quý hiếm.

Trong số những giải pháp được đưa ra tại hội thảo, như: Chuyển giao công nghệ, quy hoạch vùng dược liệu tập trung, đầu tư cơ sở hạ tầng, giải pháp về KHCN, cơ chế chính sách…, thì giải pháp phát triển thị trường tiêu thụ dược liệu được nhiều đại biểu quan tâm nhất. Nhiều ý kiến đề xuất cần khuyến khích các hình thức liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân; trong đó, doanh nghiệp hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm và người dân tổ chức sản xuất, cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp tiêu thụ.

 Để tạo ra sản phẩm dược liệu có giá trị, Công ty La San đang liên kết với người dân A Lưới phát triển vùng nguyên liệu

Ông Hồ Thắng cho rằng, mặc dù cơ quan nhà nước, các nhà khoa học luôn sẵn sàng đồng hành cùng bà con, hỗ trợ bà con về kỹ thuật, công nghệ, vật tư…, nhưng cốt lõi vẫn là chính quyền địa phương ở cơ sở. Chính quyền phải trực tiếp thúc đẩy, khuyến khích, “bắt tay chỉ việc” người dân tham gia phát triển vùng nguyên liệu dược liệu bền vững. Khuyến khích các hộ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ những diện tích sản xuất không hiệu quả sang mô hình trồng dược liệu hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thị trường. 

Nhận diện vai trò từng mắt xích

Mắt xích được cho là quan trọng nhất trong chuỗi liên kết chính là doanh nghiệp. Vì chỉ có sự mạnh dạn đầu tư, tích cực của doanh nghiệp mới kết nối để cam kết hỗ trợ nguyên liệu đầu vào, cam kết bao tiêu sản phẩm, cam kết sản xuất ra sản phẩm giá trị. Đây cũng là đầu mối giải quyết vấn đề tồn tại về tính đơn điệu, quẩn quanh những sản phẩm dược liệu quen thuộc, giá trị thấp để hình thành những gương mặt mới, sản phẩm dược liệu mới cả vừa dược liệu bản địa và dược liệu đặc hữu.

 Nhiều sản phẩm dược liệu có mặt trên thị trường là thành quả của sự liên kết giữa 4 nhà 

Công ty TNHH Sản Xuất – Thương Mại Liên Minh Xanh là một trong những điển hình hoạt động theo mô hình liên kết chuỗi với sự tham gia của cộng đồng, HTX và các công ty đối tác. Giám đốc Công ty – Phạm Nguyễn Thành chia sẻ, công ty xây dựng hợp tác dài hạn với các cộng đồng đang quản lý và các tổ chức kinh tế địa phương để bảo tồn, phục hồi, làm giàu nguồn tài nguyên thảo dược dưới tán rừng, khai thác bền vững và thúc đẩy tiêu dùng có trách nhiệm.

Dựa trên nguồn dược liệu địa phương, công ty phát triển các dòng sản phẩm có chất lượng cao và đặc trưng về chăm sóc sức khoẻ, da và tóc, không gian sống… phù hợp với nhu cầu thị trường. Mô hình liên kết này góp phần tăng thêm thu nhập cho cộng đồng tham gia, cải thiện đa dạng sinh học và cung cấp cho thị trường những sản phẩm có giá trị cao. 

 Liên kết chuỗi từ khâu sản xuất, chế biến đến thương mại hóa để sản phẩm dược liệu phát triển bền vững

Với xu thế dược liệu chính là nguồn nguyên liệu của nền công nghiệp tân dược trong tương lai, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe bằng y dược cổ truyền kết hợp với y học hiện đại cũng dần trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều người. Hơn nữa, dược liệu không chỉ là những bài thuốc, cây thuốc đơn thuần mà còn là di sản văn hóa dân tộc cần được bảo vệ, phát huy, phát triển. Vì vậy, thúc đẩy liên kết 4 nhà: Nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, Nhà nước chính là giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ cao và thương mại hóa hiệu quả. Trong đó, cần chú trọng xây dựng chuỗi liên kết thật tốt, góp phần nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị của dược liệu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững.

Liên kết chặt chẽ giữa các nhà sẽ giúp hình thành và phát triển hướng đi với bốn mục tiêu chiến lược phát triển xuyên suốt toàn bộ chuỗi giá trị từ dược liệu: Nguyên liệu xanh, công nghệ xanh, sản phẩm xanh, dịch vụ xanh. Chỉ có liên kết mới tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp sản phẩm từ cây dược liệu phát triển, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG