Sáng 20.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị toàn quốc để quán triệt và triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10, khóa XIII. Tại đây, ông đã trình bày về những điểm mới trong Dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2021-2030. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề cập đến phương hướng phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2026-2030 và kế hoạch ngân sách năm 2024, 2025. Hội nghị còn thảo luận về các chủ trương đầu tư quan trọng như đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam và thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Tăng trưởng năm 2024 dự kiến vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra
Người đứng đầu Chính phủ điểm lại một số kết quả nổi bật như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt khoảng 7% (phấn đấu trên 7%), vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.
Chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra (4-4,5%), trong khi vẫn thực hiện tăng lương và tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý. Thu ngân sách nhà nước vượt trên 10% dự toán; bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn quy định. An ninh năng lượng, an ninh lương thực, cân đối cung cầu lao động được bảo đảm.
Phát triển kết cấu hạ tầng có bước đột phá rõ nét, đã hoàn thành đưa vào khai thác 2.021 km đường bộ cao tốc và đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Bình – Hưng Yên. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Quy mô kinh tế năm 2025 dự kiến đạt 500 tỉ USD
Thủ tướng cho biết, trên cơ sở kết quả từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ước thực hiện năm 2024 và kế hoạch năm 2025, dự kiến kết quả đánh giá 5 năm 2021-2025 thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 như sau:
Tăng trưởng kinh tế phấn đấu đạt khoảng 6%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới; GDP bình quân đầu người tăng từ 3.720 USD năm 2021 lên khoảng 4.900 USD năm 2025, tăng 31,7%.
Quy mô nền kinh tế tăng từ 346 tỉ USD, xếp thứ 37 trên thế giới năm 2020; lên 433 tỉ USD, xếp thứ 34 thế giới năm 2023 (theo số liệu cập nhật mới nhất của Ngân hàng Thế giới); và dự kiến khoảng 500 tỉ USD năm 2025 (tăng 1,45 lần so với năm 2020), xếp thứ 33 thế giới và thứ 4 khu vực ASEAN.
Thực hiện ba đột phá chiến lược đạt kết quả tích cực, nhất là về xây dựng kết cấu hạ tầng; trong đó đến cuối năm 2025 cả nước sẽ có hơn 3.000 km đường bộ cao tốc (đạt mục tiêu đề ra) và tiếp tục triển khai nhiều dự án cho giai đoạn 2026-2030. Hạ tầng số, hạ tầng điện được đầu tư xây dựng trên phạm vi cả nước.
Công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật được chỉ đạo quyết liệt với tinh thần cải cách, đổi mới, chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy kiến tạo phát triển; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.
An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện; hỗ trợ trên 68 triệu lượt người lao động và 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 với tổng kinh phí gần 120.000 tỉ đồng. Phát động Quỹ Vaccine, đã huy động được hàng chục nghìn tỉ đồng để tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân.
“Đánh giá chung 5 năm 2021-2025, chúng ta đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật, khá toàn diện, cơ bản hoàn thành các mục tiêu chủ yếu và nước ta vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, chỉ số phát triển con người được cải thiện, chỉ số hạnh phúc năm 2024 theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc tăng 11 bậc so với năm 2023, xếp thứ 54/143 quốc gia, vùng lãnh thổ, tạo nền tảng cho giai đoạn sau phát triển cao hơn; góp phần chứng minh nhận định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng nhấn mạnh, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam là một trong những công trình biểu tượng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng, mở ra không gian phát triển mới và tạo nguồn lực mới.
Trước đây, còn có ý kiến khác nhau về dự án khi quy mô GDP của nước ta mới hơn đạt 100 tỉ USD, bình quân đầu người trên 1.000 USD, song đến nay quy mô GDP đã gấp nhiều lần, chúng ta đã có điều kiện để làm và phải quyết tâm làm.
Dự án đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, bài bản, Bộ Chính trị đã có Kết luận và Hội nghị Trung ương 10 đã có Nghị quyết thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến. Việc triển khai sẽ theo cách làm mới, đa dạng hóa nguồn lực từ trong nước, ngoài nước, ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu, hợp tác công tư, mô hình TOD…
Cũng theo Thủ tướng, vừa qua có nhiều ý kiến khởi động lại các dự án điện hạt nhân vì đây là điện sạch và chi phí phù hợp, được nhiều nước trên thế giới đã và đang sử dụng với những dự án an toàn, hiệu quả, quy mô phù hợp.
Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá
Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2026-2030, Thủ tướng cho biết, T.Ư xác định năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã xác định.
Lấy ổn định làm tiền đề cho phát triển và phát triển để làm cơ sở cho ổn định; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, thuộc nhóm 30 nền kinh tế có quy mô GDP hàng đầu thế giới, tạo tiền đề vững chắc đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc vào năm 2045.
Một số chỉ tiêu chủ yếu, năm 2025, tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7-7,5%). GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%…
Giai đoạn 2026-2030, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,5-8,5%/năm; đến năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt 7.400-7.600 USD.
Theo Thủ tướng, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 gồm:
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế phát triển, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa quản lý tốt, vừa kiến tạo không gian phát triển, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; cắt giảm thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế “xin cho”.
Thứ hai, phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao, trong đó có các đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao.
Thứ tư, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô nền kinh tế đạt khoảng 780-800 tỉ USD.
Thứ năm, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, khai thác hiệu quả không gian phát triển mới, lấy đô thị làm động lực phát triển vùng và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.
Thứ sáu, phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của nhân dân.
Năm 2025, chuẩn bị chu đáo, tổ chức tốt các ngày lễ lớn của đất nước (135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, 95 năm ngày thành lập Đảng, 80 năm ngày thành lập nước, 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…); phấn đấu hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước và tạo chuyển biến căn bản về nhà ở xã hội trong năm 2025.
Thứ bảy, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
Thứ tám, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia.
Thứ chín, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Phát huy hiệu quả trường phái “Ngoại giao cây tre Việt Nam: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”.
Thứ mười, đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao năng lực quản trị xã hội; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Mười một là giải pháp, nhiệm vụ về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và kế hoạch tài chính, ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027; theo đó, tăng thu, tiết kiệm chi, phát huy tính chủ đạo của Trung ương và tính chủ động của địa phương, tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là các dự án kết cấu hạ tầng chiến lược, trọng điểm…
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/thu-tuong-nam-2025-la-nam-but-pha-ve-dich-1852410201701175.htm