Khách quốc tế thân thiện đến Huế

Âu – Mỹ là thị trường khách truyền thống

Đến các điểm du lịch Huế những ngày đầu năm mới Ất Tỵ, chúng tôi gặp nhiều đoàn khách châu Âu và Bắc Mỹ đến tham quan, tìm hiểu văn hóa và trải nghiệm du lịch. Họ tỏ ra thích thú với nét văn hóa độc đáo của người Việt và ấn tượng với Tết Huế. Bà Sandrine, du khách Pháp chia sẻ: “Văn hóa Việt Nam nói chung, Huế nói riêng có nhiều điều thú vị để khám phá. Lần đầu trải nghiệm ở Huế đúng vào thời điểm tết Nguyên đán của Việt Nam cho tôi những cảm xúc rất đặc biệt. Tôi yêu những trải nghiệm ấy và muốn có nhiều lần nữa đến Huế”.

Bức tranh du lịch Huế cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ từ các thị trường khách quốc tế. Đặc biệt là thị trường khách Tây Âu phục hồi tốt hơn so với năm ngoái. Năm 2024, ngành du lịch đón được gần 3,9 triệu lượt khách, tăng 21,8% so với năm 2023; trong đó có gần 1,45 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,6% so với năm 2023. Tỷ trọng khách du lịch quốc tế chiếm gần 36% trong tổng lượt khách du lịch đến Huế. Ngoài các thị trường khách từ ASEAN, Đông Bắc Á, Úc thì thị trường khách Tây Âu, Bắc Mỹ là thị trường khách du lịch chủ yếu.

Trong top 10 thị trường khách quốc tế hàng đầu đến Huế gần đây, ngoài các thị trường đang nổi là Đài Loan (Trung Quốc), Úc… thì lượng khách từ các thị trường châu Âu và Bắc Mỹ chiếm tỷ trọng khá lớn, đơn cử như Mỹ (chiếm 8,9%), Pháp (chiếm 8,1%), Anh (chiếm 5,9%), Đức (chiếm 5,1%), Tây Ban Nha (chiếm 1,3%)…

Khách từ các nước châu Âu, đặc biệt là các nước Tây Âu, khu vực Bắc Mỹ là thị trường khách truyền thống của du lịch Huế. Thị trường khách này có nhu cầu khám phá văn hóa di sản và đây cũng là lợi thế của du lịch Cố đô. Xét về mặt tăng trưởng lượng khách, du lịch Huế đã có nhiều tín hiệu khả quan từ thị trường khách Âu – Mỹ. Tuy nhiên, ở một góc độ kỳ vọng lớn hơn thì thị trường khách truyền thống này vẫn chưa có sự bùng nổ về lượng khách. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà một trong số đó là khoảng cách địa lý xa, công tác xúc tiến quảng bá có nhiều khó khăn, hạn chế hơn. Bên cạnh đó, ở những thị trường xa, chi phí du lịch lớn, khách có nhiều sự lựa chọn về các điểm du lịch trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến.

Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch chia sẻ, một thống kê khá thú vị là hàng năm, du lịch Huế đón lượng khách đến từ 120 – 130 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các thị trường khách cũng tăng giảm theo chu kỳ, có giai đoạn khách Hàn Quốc tăng cao, có khi là khách Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)… Khách Âu – Mỹ là thị trường truyền thống và tương đối ổn định, nhưng để đột phá mạnh mẽ, vẫn còn cần triển khai nhiều giải pháp.

Tạo đột phá

Du lịch – dịch vụ được TP. Huế xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Theo Giám đốc Sở Du lịch Trần Thị Hoài Trâm, năm 2025, Huế phấn đấu thu hút khoảng 4,8 – 5 triệu lượt khách du lịch; trong đó, khách quốc tế khoảng 38-40% tổng lượt. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 10.800 – 11.200 tỷ đồng. Huế sẽ tập trung nhiều giải pháp để mở rộng, phát triển các thị trường khách, tạo đột phá trong thu hút lượng khách, trong đó sẽ tổ chức, phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đón một số đoàn Famtrip, Presstrip dành cho các doanh nghiệp lữ hành, báo chí nước ngoài từ các thị trường trọng điểm và tiềm năng, như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Bắc Mỹ và các nước trong khu vực ASEAN… đến khảo sát, tìm hiểu các sản phẩm du lịch.

Năm 2025, Huế được giao quyền đăng cai Năm Du lịch quốc gia. Ngành du lịch Cố đô sẽ tận dụng cơ hội quý giá này để truyền thông, quảng bá điểm đến với các thị trường trọng điểm, trong đó có các thị trường khách Âu – Mỹ. Sở Du lịch cho biết, dự kiến trong tháng 6/2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chủ trì, phối hợp UBND TP. Huế, ngành du lịch địa phương tổ chức lễ hội Văn hóa – Du lịch và chương trình giới thiệu du lịch, ẩm thực, làng nghề Việt Nam, kết nối doanh nghiệp nhân Năm Du lịch quốc gia – Huế 2025 tại thị trường châu Âu. Đây là hoạt động quan trọng và là cơ hội lớn để giới thiệu, quảng bá điểm đến, văn hóa, con người, du lịch mảnh đất miền Hương Ngự.

Trước đó, trong tháng 6/2024, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cùng đại diện các doanh nghiệp du lịch, khách sạn và hàng không cũng đã có hoạt động quảng bá du lịch tại châu Âu, giới thiệu các chính sách, điểm đến, sản phẩm du lịch hướng tới thị trường châu Âu. Các doanh nghiệp du lịch đã kết nối, thiết lập quan hệ hợp tác kinh doanh, thu hút khách du lịch Pháp, Đức, Ý nói riêng và châu Âu nói chung đi du lịch Việt Nam và ngược lại. Bên cạnh đó, còn có các hoạt động tiếp xúc song phương giữa cơ quan du lịch quốc gia, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam và đối tác châu Âu. Từ đó, lan tỏa hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung, cũng là cơ hội để quảng bá du lịch Cố đô Huế.

Song song việc nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm cho các thị trường khách, ngành du lịch địa phương cũng đang xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá thu hút khách du lịch quốc tế phù hợp với từng thị trường trọng điểm; xây dựng các chương trình quảng bá du lịch TP. Huế ra nước ngoài, trong đó có quảng cáo trên các kênh truyền hình – tạp chí du lịch. Ngoài ra, sẽ tham gia các sự kiện du lịch quốc tế lớn, quảng bá du lịch TP. Huế trong các sự kiện du lịch quốc tế.

Hữu Phúc