Giới văn nghệ sĩ hy vọng với Nghị quyết hỗ trợ mới này sẽ thúc đẩy sự thể hiện và năng lực của mỗi người nghệ sĩ 

Những ngày đầu năm mới 2025, giới văn nghệ sĩ đón nhận tin vui khi HĐND TP. Huế thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ sĩ, nghệ nhân; tác giả đạt giải thưởng quốc gia, quốc tế về văn học nghệ thuật và câu lạc bộ hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn.

Vùng đất của văn hóa nghệ thuật

Theo thống kê, hiện có hơn 750 hội viên tham gia các hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP. Huế như: Hội Nhà văn, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc, Múa, Sân khấu, Kiến trúc, Văn nghệ dân gian. Một số hội viên có học hàm Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, ngoài ra có hội viên được phong Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú. Đây được xem là lực lượng nòng cốt xây dựng phong trào văn hóa, nghệ thuật ở các cơ quan, ban ngành và một số địa phương.

Những năm qua, bên cạnh việc thực hiện các cơ chế, chính sách đãi ngộ chung của Đảng, Nhà nước, TP. Huế cũng đã dành sự quan tâm, định hướng cả về vật chất và tinh thần đối với các văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, một số chính sách ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống do bất cập trong việc triển khai; chưa có các chính sách đặc thù đối với văn nghệ sĩ; các chính sách về lương, phụ cấp đối với các văn nghệ sĩ nhìn chung vẫn còn thấp, chế độ đãi ngộ chưa cao, thiếu sự động viên, khuyến khích.

Mức đầu tư ngân sách cho lĩnh vực văn học nghệ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật còn hạn chế; chưa có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao phục vụ công chúng; chưa xứng tầm với vị thế hiện có; công tác đào tạo, bồi dưỡng văn nghệ sĩ chưa đạt hiệu quả; một số ngành đào tạo nghệ thuật gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh…

Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ sĩ, nghệ nhân; tác giả đạt giải thưởng quốc gia, quốc tế về văn học nghệ thuật và câu lạc bộ hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn được thông qua và có hiệu lực từ ngày 17/1 không chỉ động viên mà còn khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân đóng góp tài năng, trí tuệ vào sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật.

Thúc đẩy sự sáng tạo lẫn đào tạo

Nghị quyết này đưa ra 4 chính sách hỗ trợ. Trong đó, chính sách hỗ trợ 1 lần đối với NSND, NNND, tác giả đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật là 20 triệu đồng/người; đối với NSƯT, NNƯT là 10 triệu đồng/người.

Ngoài ra, hỗ trợ các nghệ sĩ, nghệ nhân, các tác giả văn học nghệ thuật đang làm việc tại các Đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trên địa bàn TP. Huế, các văn nghệ sĩ đang tham gia sinh hoạt tại các hội trực thuộc của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật đạt thành tích tại các cuộc thi, liên hoan, trại sáng tác về văn học nghệ thuật cấp quốc gia, quốc tế.

Cụ thể, đạt giải quốc tế sẽ được nhận mức thưởng 10 triệu đồng/giải Vàng, A, Nhất; 7 triệu đồng/giải Bạc, B, Nhì; 5 triệu đồng/giải Đồng, C, Ba. Ở giải quốc gia sẽ nhận mức thưởng 5 triệu đồng/giải Vàng, A, Nhất; 3 triệu đồng/giải Bạc, B, Nhì; 2 triệu đồng/giải Đồng, C, Ba. Trường hợp đạt nhiều thành tích tại các cuộc thi, liên hoan, trại sáng tác về văn học nghệ thuật cấp quốc gia, quốc tế thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất trong cùng một thời gian theo quy định.

Nghị quyết này còn quy định hỗ trợ một lần kinh phí đào tạo (ngoài chế độ của đơn vị cử đi đào tạo) khi các nghệ sĩ đang làm việc tại các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của TP. Huế được cử đi đào tạo trình độ đại học trở lên với mức 10 triệu đồng/nghệ sĩ. Cùng với đó, hỗ trợ đối với các câu lạc bộ thực hiện công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể với mức 15 triệu đồng/lần/câu lạc bộ mới thành lập để mua sắm nhạc cụ, đạo cụ, trang thiết bị biểu diễn.

Chính sách này được đánh giá hy vọng sẽ phát hiện những hạt nhân mới làm lực lượng kế cận tiếp tục phát triển nền văn học, nghệ thuật trên địa bàn TP. Huế, tạo ra sân chơi cho người yêu nghệ thuật.

Ông Nguyễn Văn Mãi, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Huế cho rằng, ở góc độ nghệ sĩ, bản thân thấy đây là một động lực trên hành trình sáng tạo và cống hiến. Theo ông Mãi, trước đó đã có một số chính sách đãi ngộ dành riêng cho văn nghệ sĩ nhưng chưa đúng mức, dẫn đến khó khuyến khích các thành phần tham gia sáng tạo nghệ thuật. Với Nghị quyết vừa được thông qua này, ông Mãi nhận định rất tốt và kịp thời. Từ đó, kích thích sự sáng tạo và theo đuổi niềm đam mê, thúc đẩy sự thể hiện và năng lực của mỗi người nghệ sĩ.

Ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, Nghị quyết phần nào khích lệ, động viên, khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tạo, công hiến để đạt thành tích cao hơn nữa. Cùng với đó, có ý nghĩa lớn đối với các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa phi vật thể truyền thống dù mức hỗ trợ chưa lớn. Theo ông Hải, sau một vài năm áp dụng, ngành văn hóa sẽ sơ kết để đánh giá.

Bài, ảnh: NHẬT MINH