Khu du lịch vườn hoa thành phố Đà Lạt hấp dẫn du khách du xuân, trải nghiệm cùng sắc hoa Đà Lạt. (Ảnh: MAI VĂN BẢO) |
Có lẽ, nhiều năm qua, chưa năm nào thời tiết dịp Tết Nguyên đán Hà Nội nói riêng và miền bắc nói chung đẹp như dịp đón xuân Ất Tỵ này. Tiết trời lạnh, nhưng ban ngày có nắng nhẹ, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người, mọi nhà đón Tết, du xuân.
Từ tối 28/1 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Giáp Thìn), những tuyến đường về trung tâm thành phố, nhất là khu vực hồ Hoàn Kiếm đã đông đúc. Mọi người đổ về đây xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật và chờ đón màn bắn pháo hoa. Khu vực hồ Hoàn Kiếm là địa bàn duy nhất tại thành phố tổ chức 2 trận địa, một ở bờ đông, một ở bờ tây.
Năm nay, toàn bộ 30/30 quận, huyện, thị xã của thành phố đều tổ chức bắn pháo hoa, gồm cả tầm thấp, tầm cao. Những nơi tập trung đông người dân, du khách nhất là quảng trường sân vận động Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng), vườn hoa Lạc Long Quân (quận Tây Hồ), hồ Văn Quán (quận Hà Đông), Công viên Hòa Bình (quận Bắc Từ Liêm), Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây)… Đúng 0 giờ ngày 29/1, bầu trời Hà Nội được thắp sáng bởi những màn pháo hoa rực rỡ. Mọi người hòa vào nhau trong niềm hân hoan, phấn khởi của giờ phút thiêng liêng đón chào năm mới, tin tưởng vào một vận hội mới của Thủ đô, của đất nước.
Từ hàng chục năm nay, hồ Hoàn Kiếm không chỉ là địa điểm đón giao thừa được nhiều người yêu thích mà còn là điểm đến trong những ngày đầu xuân. Đón xuân Ất Tỵ, thành phố mở cửa tất cả các di tích xuyên Tết, bởi thế không gian hồ Hoàn Kiếm với đền Ngọc Sơn nườm nượp dòng người đổ đến không gian thiêng để vui Tết, du xuân.
Quận Hoàn Kiếm đã trang trí nhiều tiểu cảnh rực rỡ chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng và năm mới Ất Tỵ. Với nhiều người Hà Nội, đêm giao thừa gần như là đêm không ngủ. Bởi sau khi đón giao thừa ở những địa điểm bắn pháo hoa hay hoàn thành mâm cơm cúng đất trời, tổ tiên trong thời khắc chuyển giao năm cũ-năm mới, nhiều người đã đến các di tích để du xuân sớm, cùng mong cầu một năm mới tốt đẹp hơn.
Nhiều di tích lớn trên địa bàn Thủ đô như: Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Phủ Tây Hồ, chùa Quán Sứ, chùa Trấn Quốc… đã tấp nập người đi lễ suốt từ đêm đến sáng. Năm nay, Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tiếp tục tổ chức Hội chữ Xuân tại khuôn viên hồ Văn, nhưng trong một diện mạo mới khi hồ Văn được cải tạo khang trang hơn. Các gian hàng Hội chữ luôn chật kín người, góp phần xây dựng và lan tỏa truyền thống hiếu học của dân tộc.
Giao thừa năm nay, lần đầu Thành phố Hồ Chí Minh có 15 điểm bắn pháo hoa, trong đó có 2 điểm bắn pháo hoa tầm cao tại Khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn (thành phố Thủ Đức) và Khu Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi). Những màn bắn pháo hoa rực rỡ đã thu hút đông đảo người dân thành phố trong thời khắc chuyển giao năm cũ, đón chào năm mới.
Từ 28 Tết, Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Ất Tỵ trở thành điểm thu hút đông đảo nhất người đến thưởng lãm trong dịp Tết năm nay. Trong những ngày đầu năm mới, Đường hoa Nguyễn Huệ luôn trong tình trạng đầy kín người đến tham quan, chụp ảnh. Kết nối với Đường hoa, Lễ hội Đường sách Tết Ất Tỵ 2025 cũng là địa điểm được nhiều người dân, du khách lựa chọn đến du xuân trong những ngày Tết vừa qua.
Chương trình “Lì xì sách Tết” do Sở Thông tin và Truyền thông thành phố tổ chức tại Lễ hội Đường sách với mong muốn truyền tải kiến thức, niềm hân hoan và những kỳ vọng cho một năm mới đầy phấn khởi. Năm nay, Ban Tổ chức đã chuẩn bị gần 20.000 “lộc sách” để lì xì cho khách tham quan, mua sách tại Đường sách Tết.
Cũng như nhiều năm trước, sân khấu mùa Tết tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là “đặc sản” của thành phố sôi động nhất nước. Mùa diễn Tết Ất Tỵ năm nay, các sân khấu, nhà hát đã nỗ lực dàn dựng nhiều vở mới để phục vụ khán giả trong những ngày Tết. Ngoài ra, trong dịp Tết Ất Tỵ 2025, thành phố cũng tổ chức biểu diễn đờn ca tài tử phục vụ du khách, nhất là khách nước ngoài tại khu vực Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (trước Ủy ban nhân dân thành phố) và khu vực Chợ hoa Trên bến dưới thuyền (Quận 8), tạo nên nét văn hóa riêng, độc đáo của thành phố mang tên Bác trong những ngày đón Tết cổ truyền.
Tỉnh vùng cao cực bắc của Tổ quốc Hà Giang đón Tết trong tiết trời lạnh giá. Đêm giao thừa, tại thành phố Hà Giang và nhiều địa phương trong tỉnh tổ chức bắn pháo hoa từ nguồn xã hội hóa đã thu hút đông đảo người dân đến xem. Ngay sau thời khắc giao thừa, nhiều người dân thành phố Hà Giang và các địa phương đã đến Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại cao điểm 468, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên; chùa Sùng Khánh, chùa Quan Âm, đền Mẫu (thành phố Hà Giang)… để cầu chúc một năm mới bình an, hạnh phúc.
Tại các làng văn hóa du lịch, các điểm du lịch nổi tiếng như làng văn hóa du lịch Nặm Đăm, huyện Quản Bạ; thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn; làng văn hóa dân tộc H’Mông, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc đều tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian phục vụ nhân dân và du khách.
Cùng với các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong giờ khắc chuyển giao của mùa xuân, năm cũ sang năm mới Ất Tỵ 2025, hàng nghìn người dân và du khách đã đến Quảng trường 25/2, thành phố Uông Bí để tận hưởng không khí trước thời khắc giao thừa, đồng thời trải nghiệm không gian, checkin, lưu giữ những khoảnh khắc đẹp trước thềm xuân mới 2025.
Tại đây đã diễn ra chương trình “Nghệ thuật-Khiêu vũ, dân vũ – Dạ hội Thanh niên” đặc sắc và bắn pháo hoa chào năm mới. Điểm nhấn là khu vực trang trí biểu tượng Rắn Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, thu hút đông đảo người dân, nhất là các bạn trẻ đến chụp ảnh lưu niệm, checkin. Tại huyện miền núi Ba Chẽ, không khí xuân đã về tràn ngập trong các thôn, bản.
Trong từng mái nhà còn thơm mùi lúa mới, bà con các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Ba Chẽ đã cùng nhau ca hát chào đón mùa xuân mới trong không khí vui tươi, phấn khởi. Bà Đinh Thị Hồng Sinh, thôn Tân Tiến, xã Đồn Đạc cho biết: “Đã thành thông lệ, vào đêm giao thừa hằng năm, người dân trong thôn, bản tập trung tại nhà văn hóa thôn để cùng trang trí mâm ngũ quả, tổ chức giao lưu văn nghệ tạo không khí vui vẻ mừng Đảng, mừng Xuân và thăm hỏi động viên nhau, chúc nhau sức khỏe đoàn kết, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn”.
Tại Hải Phòng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Trần Thị Hoàng Mai cho hay, đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên của các đoàn nghệ thuật đã nỗ lực “phủ kín” chương trình phục vụ nhân dân, tạo nên không khí vui tươi đầy sắc màu tại các điểm biểu diễn, khu vui chơi giải trí trong toàn thành phố.
Chương trình nghệ thuật đêm giao thừa “Hải Phòng mừng xuân Ất Tỵ 2025” được dàn dựng công phu với các tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống đan xen với hiện đại trên nền sân khấu rực rỡ đa sắc giúp người dân và du khách trải nghiệm những giá trị văn hóa sâu sắc của thành phố Cảng.
Khoảnh khắc chuyển giao sang xuân mới, các màn bắn pháo hoa mãn nhãn tại 13 điểm trên khắp các địa bàn từ trung tâm thành phố đến các huyện ngoại thành, hải đảo xa xôi đã khiến cả thành phố như rực sáng trong khát vọng vươn lên…
Sáng mồng 1 Tết, trên đảo Bạch Long Vĩ – đảo tiền tiêu phía bắc của Tổ quốc, như mọi năm, lãnh đạo huyện cùng các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị vũ trang và nhân dân trên huyện đảo đã long trọng tổ chức Lễ chào cờ đầu năm mới.
Dưới cờ đỏ sao vàng, Quốc ca Việt Nam từ dàn đồng thanh của cán bộ, quân và dân trên đảo đã hùng tráng ngân vang sôi động cả một vùng biển, đảo như thể hiện niềm tin sắt son đối với Đảng, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc và sự phát triển vững chắc của đất nước trong hôm nay và mai sau.
Tại thành phố Thanh Hóa, Tết này có thêm nhiều công trình phúc lợi công cộng, khu vui chơi, giải trí được trang hoàng lộng lẫy. Những thảm hoa, tháp check-in ở Quảng trường Hàm Rồng thu hút khá đông người dân trải nghiệm, khám phá, tìm hiểu quần thể di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng Hàm Rồng.
Trong những ngày Tết Ất Tỵ, tượng đài Lê Lợi, khu văn hóa tưởng niệm Bác Hồ ở Trung tâm thành phố luôn là điểm đến của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Dịp này, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa trưng bày chuyên đề “Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa-những mốc son lịch sử” và liên tục mở cửa phục vụ khách.
Những ngày này, Công viên Hội An – công trình tôn vinh truyền thống kết nghĩa giữa thành phố Thanh Hóa và thành phố Hội An (Quảng Nam) mới được chỉnh trang, tu bổ, đưa vào khai thác, trong đó có các công trình mô phỏng chùa Cầu, phố cổ Hội An cùng các pa-nô ảnh “Thanh Hóa xưa và nay” đã trở thành nơi tụ hội của cộng đồng.
Đêm giao thừa, Đà Nẵng đón năm mới bằng 1.950 quả pháo hoa tầm cao và 90 giàn pháo tầm thấp tại 3 điểm bắn pháo hoa, thắp sáng bầu trời thành phố. Từ mồng 1 đến mồng 3 Tết, các chùa, điểm du lịch tâm linh, bán đảo Sơn Trà, danh thắng Ngũ Hành Sơn… chật kín người đến viếng cầu bình an đầu năm.
Từng đoàn ô-tô nối đuôi nhau dài hàng cây số từ chân núi dẫn lên các điểm check-in trên bán đảo Sơn Trà. Nhiều hoạt động nghệ thuật, vui chơi được tổ chức tại phố đi bộ Bạch Đằng cũng thu hút người dân. Xuyên suốt những ngày lễ, thành phố tổ chức nhiều chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật phục vụ Tết, những điểm du lịch có hoạt động giải trí riêng để phục vụ người dân và du khách đến trải nghiệm du xuân. Năm nay, chợ Hàn mở cửa xuyên Tết để phục vụ mọi người đến mua sắm, các mặt hàng chủ yếu là bánh kẹo, sản phẩm lưu niệm, quần áo…
Tết năm nay khá thú vị với người dân Lâm Đồng, thành phố Đà Lạt và du khách thập phương bởi hoa mai anh đào bung cánh đúng dịp Tết cổ truyền, tô sắc hồng mùa xuân cao nguyên. Những không gian hoa nghệ thuật từ Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 10 tiếp tục được gìn giữ phục vụ dịp Tết, nhiều con đường tại Đà Lạt được nhuốm hồng sắc hoa mai anh đào tạo nên không khí mùa xuân nồng nàn. Anh Maurizio Salabert, người Australia, chọn gắn bó cuộc đời với miền đất cao nguyên chia sẻ: “Tết ở Đà Lạt thật đặc biệt, người dân rất thân thiện và hiếu khách.
Tôi rất hạnh phúc khi được gắn bó với miền đất này”.Lâm Đồng coi phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá và phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 9-10% trong năm 2025.
Nhằm tạo không khí vui tươi đón Tết cổ truyền của nhân dân và chào mừng 95 năm Ngày thành lập Đảng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp thành phố Buôn Ma Thuột tổ chức chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề: “Đắk Lắk chào Xuân” và bắn pháo hoa chào đón năm mới Xuân Ất Tỵ 2025.
Xuyên suốt chương trình là các ca khúc ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Bác Hồ kính yêu, mùa Xuân và tình yêu quê hương, đất nước do các ca sĩ, nghệ sĩ đến từ Đoàn Ca múa dân tộc tỉnh, Trung tâm Văn hóa tỉnh và các vũ đoàn trên địa bàn tỉnh thể hiện, thu hút hàng nghìn người dân trong tỉnh đến thưởng thức.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc trong dịp này, điểm nhấn là biểu diễn văn hóa cồng chiêng phục vụ nhân dân và du khách với chủ đề “Tây Nguyên rộn ràng sắc Xuân”; chương trình “Tết Văn hóa” giao lưu văn hóa cồng chiêng, múa xoang và thưởng thức rượu cần, ẩm thực tại khu vực Nhà sàn khu du lịch Kô Tam; chương trình du lịch voi thân thiện, du thuyền độc mộc tại khu du lịch hồ Lắk…
Hoạt động đón Tết, du xuân ở Cà Mau khá nhộn nhịp trong 3 ngày qua. Các điểm văn hóa, di tích, du lịch tập trung rất đông người, nhất là ở Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trung tâm thành phố Cà Mau, Khu du lịch Mũi Cà Mau, Khai Long, Đá Bạc.
Riêng trong đêm giao thừa, 3 điểm tổ chức bắn pháo hoa trên địa bàn tỉnh Cà Mau thu hút hơn 15.000 lượt người dân. Xuyên suốt những ngày Tết, trụ sở các cơ quan trên địa bàn tỉnh đều có bài trí bàn thờ Bác Hồ trang trọng để đại diện các đoàn thể, tầng lớp nhân dân đến thắp hương, chúc Tết.
Theo đánh giá của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại, từ đêm giao thừa đến mồng 3 Tết, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm tốt. Các ngành, địa phương trong tỉnh triển khai kịp thời các điều kiện để nhân dân đón Tết Ất Tỵ trong không khí vui tươi, lành mạnh.
Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/soi-noi-don-tet-vui-xuan-tren-moi-mien-dat-nuoc-150473.html