60 năm Pháp Lam Huế rực rỡ
Theo những nhà nghiên cứu văn hoá Huế, nghệ thuật Pháp Lam Huế ra đời vào năm 1827, thời nhà Nguyễn và phát triển rực rỡ qua các triều đại: vua Minh Mạng (1820 – 1841), vua Thiệu Trị (1841 – 1847) và vua Tự Đức (1848 – 1883). Pháp lam là những chế phẩm làm bằng đồng tráng men nhiều màu, không chỉ đẹp về mặt hình thức mà còn có độ bền về mặt cơ, hóa, lý, có khả năng chống chịu cao trước sức va đập, hoặc sự ăn mòn của môi trường và khí hậu…
Sau thời kỳ “tứ nguyệt tam vương” (*), Pháp Lam dần sa sút và biến mất hoàn toàn vào thời Đồng Khánh (1885-1889).
Dù chỉ tồn tại trong vòng 60 năm, “Pháp Lam Huế mang tư cách về một hướng đi đầu tiên của nền hội họa Việt” và đã kịp tạo được dấu ấn đặc biệt thông qua các đồ gia dụng, các mảng trang trí nội thất, tự khí. Pháp Lam được giới quan lại, quý tộc thời bấy giờ ưa chuộng, sử dụng trang trí ngoại thất tại các công trình kiến trúc của cung đình.
Pháp Lam Huế trang trí ở trước lăng vua Minh Mạng |
Hồi sinh Pháp Lam Huế sau 200 năm thất truyền
Sau khoảng 200 năm tồn tại, nhiều hạng mục trang trí Pháp Lam trên các công trình kiến trúc cung đình Huế đang dần bị hư hỏng và xuống cấp. Không muốn những dấu ấn về Pháp Lam Huế biến mất hoàn toàn trên đất Việt, nhiều nhóm và cá nhân nghiên cứu đã ra sức tìm tòi, khôi phục lại kỹ nghệ này nhằm phục vụ cho công tác trùng tu, tôn tạo các di tích cũng như để bảo tồn nghề xưa.
Đặc biệt sau ngày 11/12/1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế chính thức được ghi vào danh mục Di sản thế giới của UNESCO, công tác phục hồi Pháp Lam lại càng được nhà nước và giới học thuật quan tâm nhiều hơn.
Mở đầu là tiến sĩ dược học Nguyễn Nhân Đức, cơ duyên đưa ông Đức đến với Pháp Lam là nhờ những lần ghé thăm Trung Quốc: “Những lần sang Trung Quốc, tham quan nhiều cung điện, tôi không hề thấy Pháp Lam trang trí ngoại thất. Trong khi ở Huế Pháp Lam ngoại thất rất phổ biến. Thế là tôi lao vào nghiên cứu”.
Trong suốt quá trình nghiên cứu kỹ nghệ này, cùng với sự tư vấn của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, ông đã hoàn thiện trùng tu, trang trí tấm phẳng Pháp Lam, phù điêu Pháp Lam, hình khối Pháp Lam tại chùa Thiên Mụ, hai nghi môn tại cầu Trung Đạo, hai linh tinh môn sân sau điện Thái Hòa,… góp dấu ấn quan trọng trên hành trình hồi sinh Pháp Lam Huế.
Hoàn thành trùng tu Pháp Lam trên nghi môn ở cầu Trung Đạo, Hoàng thành Huế – kết quả của Tiến sĩ Nguyễn Nhân Đức và cộng sự. |
Cùng chung nỗi niềm trăn trở, thạc sĩ Đỗ Hữu Triết, Giám đốc Công ty TNHH Thái Hưng (Huế) cũng đã thực hiện trùng tu, phục hồi thành công nhiều hạng mục Pháp Lam trên các di tích cung đình quan trọng ở Huế. Một trong những công trình mang dấu ấn đậm nét đánh dấu sự trở lại của Pháp Lam Huế là cặp đèn Pháp Lam với chi phí khoảng 2,5 tỷ đồng, hiện được đặt ở công viên Tứ Tượng sát bên bờ sông Hương được thực hiện bởi 100 nhân công của Công ty Pháp Lam Thái Hưng.
Thạc sĩ Đỗ Hữu Triết đã trùng tu và phục dựng hai cây đèn Pháp Lam với kinh phí khoảng 2,5 tỷ đồng tặng thành phố Huế đặt tại công viên Tứ Tượng |
Đến với cơ sở sản xuất và trưng bày Pháp Lam Huế của thạc sĩ Đỗ Hữu Triết tại 66 Chi Lăng, TP. Huế, nhóm sinh viên Truyền thông quốc tế – Học viện Báo chí và Tuyên truyền chúng tôi được chiêm ngưỡng hơn 100 tác phẩm Pháp Lam Huế trưng bày gồm các mặt hàng lưu niệm, sản phẩm ứng dụng trong kiến trúc, xây dựng. Tại đây, ông Triết đau đáu chia sẻ: Tôi luôn tin tưởng Pháp Lam huế chắc chắn sẽ hồi sinh trở lại. Lớp trẻ sau này sẽ có cơ hội được “say đắm” với vẻ đẹp nhuốm màu lịch sử và đậm đà bản sắc dân tộc của Pháp Lam như người nghệ nhân Pháp Lam xứ Huế.
Các mặt hàng lưu niệm ứng dụng kỹ nghệ Pháp Lam Huế được trưng bày tại Công ty TNHH Thái Hưng (66 Chi Lăng, TP. Huế). |
Điểm dừng chân giá trị tiếp theo trên dòng chảy phục dựng Pháp Lam Huế là Bảo tàng cổ vật cung đình Huế. Nơi đây lưu giữ và trưng bày gần 100 cổ vật liên quan đến Pháp Lam từ thời nhà Nguyễn bao gồm đồ gia dụng, đồ tế tự và cả đồ lưu niệm dùng trong hoàng cung.
Chia sẻ với nhóm sinh viên chúng tôi, ông Nguyễn Thế Sơn, Phó Giám đốc Bảo tàng nhấn mạnh: “Những cổ vật liên quan đến Pháp Lam được khai quật đều sẽ được mang về bảo tàng để vệ sinh, phục chế và trưng bày. Vì vậy, số lượng 100 cổ vật là một con số tương đối và sẽ không ngừng tăng lên. Ở bảo tàng có riêng một đội ngũ nghiên cứu chuyên phục chế, bảo tồn Pháp Lam tại kiến trúc các cung điện, lăng tẩm, vì Pháp Lam là một trong những kỹ nghệ phục dựng trọng tâm của thành phố trong mấy chục năm nay.”
Không chỉ được trưng bày tại Bảo tàng ở Việt Nam, đồ Pháp Lam Huế còn có mặt tại một số bảo tàng lớn ở Châu Âu như Bảo tàng Dân tộc học Berlin (Đức), Bảo tàng Dân tộc học Muenchen (Đức), Bảo tàng Mỹ thuật Rennes (Pháp),… và cả trong những bộ sưu tập của một số nhà sưu tầm cổ ngoạn trên thế giới. Đây là một niềm tự hào to lớn, thôi thúc các nghệ nhân, nhà nghiên cứu Việt cấp thiết và đẩy mạnh hơn nữa trong công cuộc nghiên cứu, bảo tồn kỹ nghệ dân tộc này.
Cổ vật Pháp Lam dùng trong nghi lễ cung đình được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế cho du khách tham quan |
Ông Nguyễn Thế Sơn nhấn mạnh: “Pháp Lam sẽ chỉ thật sự trở lại mốc vàng son khi phục vụ nhu cầu sử dụng và thưởng lãm của mọi người; và điều này cần sự chung tay, đồng lòng của cả một thế hệ làm công tác phục hồi và bảo tồn nghệ thuật Pháp Lam Huế. Nhà nước tạo điều kiện bảo tồn, nghệ nhân, nhóm đi sâu vào nghiên cứu thực hiện phục hồi các sản phẩm Pháp Lam Huế; còn giới trẻ, truyền thông, báo chí thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá để không chỉ người dân xứ Huế, mà toàn dân Việt đều biết, tự hào và có cơ hội nhìn nhận, trải nghiệm kỹ nghệ Pháp Lam đặc sắc này.”
PGĐ Bảo tàng cổ vật cung đình Huế Nguyễn Thế Sơn chia sẻ với nhóm sinh viên Học viện Báo chí về khao khát bảo tồn và phát triển Pháp Lam Huế. |
——–
(*) Đây là giai đoạn lịch sử đen tối nhất của triều Nguyễn, sau khi vua Dục Đức bị truất phế, chỉ trong vòng 4 tháng mà hai quyền thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đã lập rồi truất phế thêm 2 người nữa là vua Hiệp Hòa và vua Kiến Phúc.
Nguồn ảnh: Thực hiện bởi nhóm sinh viên khoa Truyền thông quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đồng thời là nhóm tác giả của bài viết.