Che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn cho trâu, bò ở A Lưới 

Chủ động

Theo dự báo, tình hình mưa rét có thể kéo dài đến hết tháng 1/2025. Đặc biệt, ở vùng núi A Lưới có ngày rét hại, nhiệt độ thấp nhất từ 12-14 độ C.

Rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước, khi nền nhiệt độ xuống dưới 15 độ C, người dân vùng núi cao A Lưới, đặc biệt các địa phương vùng trọng điểm chăn nuôi như A Roàng, Lâm Đớt… không còn thả rông trâu, bò mà đã chủ động lùa gia súc về chuồng trại, che chắn và chuẩn bị thức ăn đầy đủ.

Với gần 2.000 con gia súc, xã Lâm Đớt luôn chủ động các phương án phòng, chống rét cho trâu, bò và từng bước hoàn thiện hệ thống chuồng trại trên địa bàn để tránh thiệt hại cho gia súc mùa rét cuối năm.

Ông Hồ Chính Bê, Chủ tịch UBND xã Lâm Đớt cho biết, vào mùa rét, xã vận động các hộ dân chủ động dự trữ thức ăn khô, gia cố lại chuồng trại, tận dụng vật liệu cũ để che chắn tránh rét cho gia súc. Địa phương cũng bám sát tình hình diễn biến thời tiết, trong trường hợp nền nhiệt xuống dưới 15 độ C, tuyệt đối không cho thả rông gia súc và sử dụng rơm khô dự trữ để làm thức ăn. Nhờ chủ động các phương án và chăn nuôi an toàn nên trong các năm qua, trên địa bàn xã không xảy ra tình trạng gia súc bị chết do đói, rét.

Theo Phòng NN&PTNT huyện A Lưới, năm 2024, toàn huyện có tổng đàn gia súc 28.700 con, đạt 102,7% kế hoạch, tăng 2.104 con so với năm 2023. Công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi được quan tâm thực hiện kịp thời. Các địa phương đã vận động người dân mua hơn 2.600 cuộn rơm làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò trong mùa mưa rét.

Chính quyền cơ sở còn phối hợp với các đoàn thể huy động nguồn nhân lực tại chỗ để hỗ trợ kịp thời người dân triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi. Hướng dẫn người dân thực hiện việc gia cố vững chắc, che chắn cho chuồng trại và chăn nuôi an toàn.

Kịp thời xử lý khi có dịch

Theo Sở NN&PTNT, năm 2024 đơn vị cùng Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các ban, ngành tổ chức 10 chuyến công tác đến các địa phương và về tận cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi. Đến nay, chưa ghi nhận trường hợp trâu, bò bị chết do đói, rét.

Các địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi; hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi chủ động dự trữ nguồn thức ăn trước, trong và sau mùa mưa bão, lũ lụt, giá rét. Đặc biệt năm 2024, các hộ chăn nuôi miền núi của huyện Nam Đông (cũ) và A Lưới đã dự trữ trên 20.000 cuộn rơm khô để cho trâu, bò ăn trong mùa mưa rét.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thông tin, thời gian qua các địa phương thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết để thông tin kịp thời đến người chăn nuôi nhằm giúp họ chủ động trong việc ứng phó, phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi.

Chi cục cũng phối hợp với chính quyền cơ sở huy động nguồn nhân lực tại chỗ, bám sát địa bàn, áp dụng các biện pháp chống đói, rét cho vật nuôi có hiệu quả. Chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Chuẩn bị tốt nhân lực, vật tư, vắc-xin cho đợt tiêm phòng gia súc, gia cầm và sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân sắp đến.

Sở NN&PTNT giao Trung tâm Khuyến nông TP. Huế và trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thị xã phối hợp với các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi gia cố, sửa chữa chuồng trại đảm bảo đủ ấm. Vận động nông dân chủ động thu mua, bảo quản tốt các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò trong mùa mưa rét.

Theo ông Nguyễn Văn Hưng, ngoài triển khai biện pháp ứng phó mưa rét, dịch bệnh, các địa phương còn cử cán bộ về cơ sở, vận động giảm đàn đối với các hộ không chủ động dự trữ đủ thức ăn cho đàn vật nuôi và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc để kịp xuất chuồng hết đàn trước khi thiên tại, dịch bệnh xảy ra. Hướng dẫn hộ chăn nuôi tăng cường công tác tiêu độc khử trùng, các cơ sở giết mổ, nơi tập trung mua bán động vật và sản phẩm động vật, những nơi có nguy cơ dịch bệnh cao.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN